Điện Biên, Cao Bằng thu mẫu ADN tìm danh tính liệt sĩ chưa xác định

Trong dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại mảnh đất lịch sử Điện Biên, nhiều thân nhân liệt sĩ đã có mặt tham gia hoạt động thu mẫu ADN phục vụ xác định danh tính liệt sĩ chưa rõ thông tin.

PV Vũ Lợi-Hương Giang/VOV-Tây Bắc phản ánh, từ sáng sớm 7/5, hơn 90 thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được Công an các xã, phường tổ chức đưa đến Nhà khách Trúc An (Công an tỉnh Điện Biên) để thực hiện việc thu nhận mẫu ADN, phục vụ giám định gen. Những người có mặt mang theo ảnh, giấy tờ, di vật và cả những hy vọng cháy bỏng là tìm được danh tính của người thân đã hy sinh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Công an tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn

Công an tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn

Bà Nguyễn Thị Tẹo (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) có anh trai hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào cho biết, gần 30 năm qua, bà cùng gia đình đã lặn lội đi khắp các nghĩa trang trong và ngoài nước, lần theo từng dòng thư cũ, gặp gỡ đồng đội cũ của anh trai để tìm kiếm manh mối. Nhưng mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả. Khi Nhà nước triển khai chương trình thu mẫu ADN, bà Tẹo là một trong những người đầu tiên tại xã đăng ký tham gia. “Tôi mong đây sẽ là cơ hội cuối cùng để tìm lại người anh đã khuất”, bà nói.

Thượng tá Đinh Thanh Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Điện Biên) cho biết, chương trình thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công an trong thực hiện Đề án 06. Sau khi thu nhận, mẫu ADN sẽ được đưa vào Ngân hàng Gene, tiến hành phân tích, đối chiếu với mẫu hài cốt để xác định danh tính liệt sĩ.

Nhân viên Công ty cổ phần GeneStory lấy mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định danh tính

Nhân viên Công ty cổ phần GeneStory lấy mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định danh tính

Hiện tỉnh Điện Biên đã cập nhật thông tin của 867 liệt sĩ lên Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn 442 liệt sĩ chưa xác định được thông tin phần mộ. Đợt thu mẫu lần này ưu tiên 92 thân nhân liệt sĩ thuộc họ ngoại, trong đó có 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng là những người đầu tiên được lấy mẫu.

Chương trình do Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và Công ty Cổ phần GeneStory triển khai. Đây là đơn vị thực hiện công tác giám định gen trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp tăng cường khả năng khớp nối và xác minh chính xác danh tính.

“Việc tiếp cận và mời gọi thân nhân liệt sĩ đến để thu mẫu ADN là thách thức không nhỏ do giao thông cách trở; phần lớn thân nhân liệt sĩ tuổi đã cao, việc đi lại khó khăn. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở để vận động, hỗ trợ người dân di chuyển, đảm bảo đúng lộ trình đã đề ra”, Trung tá Đinh Xuân Tuyên - Đội trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Điện Biên) cho biết.

Trước đó, ngày 13/7/2024, Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chính thức ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân. Ngân hàng được thành lập trong bối cảnh cả nước còn hơn 300.000 liệt sĩ đang an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa rõ thông tin, gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.

Mục tiêu của ngân hàng là đến năm 2023 sẽ giám định khoảng 20.000 mẫu ADN, phấn đấu xác minh 60% số hài cốt chưa có thông tin bằng phương pháp thực chứng. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong công tác đền ơn đáp nghĩa và xây dựng cơ sở dữ liệu danh tính liệt sĩ toàn quốc.

Mỗi mẫu ADN được thu hôm nay là một mắt xích nối quá khứ với hiện tại, là bước đi đầu tiên trên hành trình đưa những người đã hy sinh trở về với gia đình và quê hương. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng từ những nỗ lực kiên trì hôm nay, một tương lai đầy hy vọng đang mở ra – nơi các phần mộ vô danh sẽ dần có tên, đồng thời, giúp các gia đình liệt sĩ phần nào xoa dịu nỗi đau bởi sự chia ly suốt hàng chục năm qua.

** Cao Bằng thu nhận mẫu ADN để xác minh danh tính liệt sĩ chưa rõ thông tin

Theo CTV Gia Hưng - Công Luận/VOV-Đông Bắc, Công an tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và Công ty Genestory triển khai thực hiện thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của Liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Theo kết quả rà soát, trong đợt này, toàn tỉnh Cao Bằng có 42 trường hợp thuộc diện ưu tiên lấy mẫu AND, bao gồm mẹ đẻ của liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ cao tuổi, sức khỏe yếu không thể tự di chuyển.

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Cao Bằng tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thị Mèn (91 tuổi) tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Cao Bằng tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thị Mèn (91 tuổi) tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng

Để việc thu nhận mẫu đạt hiệu quả, Công an tỉnh Cao Bằng đã thành lập hai tổ công tác đến tận nhà các gia đình tại các huyện Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Hòa, Thạch An, Trùng Khánh, Hòa An và TP. Cao Bằng. Trong một ngày làm việc khẩn trương, các tổ công tác đã hoàn thành việc thu nhận 42 mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ.

Cán bộ tổ công tác thu nhận mẫu ADN tại nhà mẹ liệt sĩ Triệu Thị Ráy (102 tuổi), hiện sống tại xã Đức Thông, huyện Thạch An (Cao Bằng)

Cán bộ tổ công tác thu nhận mẫu ADN tại nhà mẹ liệt sĩ Triệu Thị Ráy (102 tuổi), hiện sống tại xã Đức Thông, huyện Thạch An (Cao Bằng)

Dịp này, tổ công tác cũng trao tặng mỗi thân nhân liệt sĩ một phần quà trị giá 500.000 đồng, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Cao Bằng đối với những hy sinh to lớn của các liệt sĩ và gia đình.

Thu thập ADN, lấy mẫu mống mắt cho mẹ liệt sĩ

Thu thập ADN, lấy mẫu mống mắt cho mẹ liệt sĩ

Đến gần 22h ngày 07/5/2025 tổ công tác hoàn thành thu nhận 42 mẫu AND trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Đến gần 22h ngày 07/5/2025 tổ công tác hoàn thành thu nhận 42 mẫu AND trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc, đồng thời góp phần giúp các gia đình liệt sĩ thực hiện được nguyện vọng tìm lại danh tính người thân đã hy sinh vì Tổ quốc.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dien-bien-cao-bang-thu-mau-adn-tim-danh-tinh-liet-si-chua-xac-dinh-post1197949.vov