Điện Biên thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.500 tỷ đồng
Năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt hơn 1.571 tỷ đồng, đạt 98,50% dự toán trung ương giao, là năm thứ 3 liên tiếp số thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tài chính có buổi làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,1%, đạt cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra và đạt khá cao so bình quân chung của cả nước, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia từng bước được triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng định hướng. Các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đặc biệt là đã hoàn thành dự án Nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đưa vào khai thác trở lại từ 2/12/2023.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 28,93%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 26,45%, kim ngạch xuất khẩu tăng 33,76% so với cùng kỳ năm trước; các lĩnh vực văn hóa thể thao, thông tin, truyền thông có nhiều đổi mới, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm,... đạt được những kết quả tích cực; các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả, kịp thời.
Về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho hay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.571 tỷ đồng, đạt 98,50% dự toán trung ương giao, là năm thứ 3 liên tiếp số thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 1.505,5 tỷ đồng, đạt 95,57% dự toán trung ương giao, bằng 62,21% dự toán HĐND tỉnh giao. 10/10 huyện đạt và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước giao HĐND tỉnh giao.
Chi ngân sách địa phương ước thực hiện khoảng 13.478 tỷ đồng, đạt 93,98% dự toán HĐND tỉnh giao, cơ bản đáp ứng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Chi thường xuyên đảm bảo phân bổ và giao dự toán trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ tối thiểu bằng mức trung ương giao và một số chính sách an sinh xã hội tính trong cân đối không thấp hơn mức trung ương giao.
Để thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sash nhà nước năm 2024, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các hạng mục công trình theo tiến độ, nghiệm thu, giải ngân thanh toán các nguồn vốn Chương trình mục tiêu và các nhiệm vụ khác đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước, hạn chế kết dư chuyển nguồn sang năm sau. Cùng với đó, tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý giá cả; tài sản nhà nước; tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cân đối, hỗ trợ kinh phí cho địa phương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kè chống sạt lở khu dân cư, đất sản xuất có nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn xảy ra ở khu vực xung yếu trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Điện Biên.
Liên quan đến Dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước nhằm phục vụ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, để thực hiện mục tiêu sử dụng hiệu quả tối đa nguồn tài nguyên nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của khu vực, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án với các nội dung đề xuất cụ thể tại Công văn số 6242/UBND-KTN ngày 29/12/2023.
Cùng với đó, UBND tỉnh Điện Biên cũng đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, theo đó cần mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và quy định cụ thể bằng giới hạn kinh phí, tạo điều kiện cho các đơn vị dự toán chủ động sử dụng kinh phí thường xuyên để bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đối với tài sản hiện có, đặc biệt là quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ theo đúng thẩm quyền và chính sách chế độ quy định. Bộ trưởng đề nghị tỉnh tập trung nâng cao đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho người dân.
Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển phải tập trung vào phát triển công nghiệp và du lịch. Phát triển du lịch lịch sử và danh lam thắng cảnh “để phát triển được ngoài nguồn lực công phải thu hút được đầu tư và trung tâm kinh tế.
Về Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ có Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng cho phép dùng chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình đầu tư công. Với các dự án thuộc dự án đầu tư thì vẫn đúng trình tự thủ tục nhưng được sử dụng kinh phí chi thường xuyên.