Điện Biên: Tiềm năng Du lịch đang chờ được 'đánh thức'

Điện Biên với lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc và thiên nhiên tuyệt đẹp, đang vươn lên mạnh mẽ để trở thành điểm đến hàng đầu.

Khèn Mông - nét văn hóa độc đáo đang được gìn giữ và phát huy.

Khèn Mông - nét văn hóa độc đáo đang được gìn giữ và phát huy.

Hành trình lịch sử và văn hóa đặc sắc

Điện Biên, nơi gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ với 45 địa điểm, như Đồi A1, cầu Mường Thanh, hầm De Castries và tượng đài Chiến thắng, là những nhân chứng lịch sử đầy giá trị. Các địa danh này không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn là điểm đến yêu thích của khách quốc tế.

Các công trình mang ý nghĩa tâm linh như Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng và Đền Hoàng Công Chất không chỉ là nơi tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng mà còn là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc.

Các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia như A1, Him Lam, Độc Lập và Tông Khao là điểm dừng chân của nhiều du khách muốn tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Về văn hóa, Điện Biên có 33 di tích văn hóa vật thể, gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt và 14 di tích cấp quốc gia. Tỉnh cũng tự hào khi sở hữu 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó nổi bật là hai di sản nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then – được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những giá trị này không chỉ khẳng định bề dày văn hóa mà còn giúp Điện Biên tạo dựng bản sắc riêng biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Thành công từ sự phát triển du lịch, Điện Biên tiếp tục được chứng minh qua các con số tăng trưởng ấn tượng. Nếu năm 2023 đã ghi nhận gần 1,4 triệu lượt khách, đến năm 2024, Điện Biên đạt mốc hơn 2 triệu lượt khách chỉ trong 10 tháng đầu năm, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 15.000 lượt, gấp hơn 2 lần so với năm 2023.

Doanh thu từ du lịch cũng tăng mạnh, ước tính đạt hơn 3.800 tỷ đồng, phản ánh sự hấp dẫn ngày càng lớn của Điện Biên trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Thời gian lưu trú trung bình của du khách tại Điện Biên cũng tăng lên đáng kể, đạt 3,5 ngày, cho thấy du khách không chỉ ghé thăm mà còn dành thời gian trải nghiệm những nét độc đáo về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên nơi đây.

 Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng.

Đổi mới du lịch cộng đồng và sinh thái

Không chỉ nổi bật với các di tích lịch sử và văn hóa, Điện Biên còn đầu tư mạnh mẽ vào phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái. Ngay từ năm 2003, tỉnh đã triển khai xây dựng 8 bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Những bản làng nổi bật như Che Căn (xã Mường Phăng), Mường Then (xã Thanh Luông), và Phiêng Lơi (xã Thanh Minh) đã trở thành những điểm dừng chân yêu thích của du khách.

Đặc biệt, bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) đã vươn lên như một mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu. Với gần 140 hộ dân là người Thái trắng, bản Nà Sự không chỉ mang lại không gian sống gần gũi với thiên nhiên mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.

Tại đây, du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như chế biến món ăn truyền thống, khám phá cảnh quan, giao lưu văn hóa văn nghệ và nghỉ dưỡng theo hình thức homestay.

Điện Biên cũng tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên phong phú của mình để phát triển du lịch sinh thái. Những cánh rừng nguyên sinh, hồ nước thơ mộng và cánh đồng hoa ban – biểu tượng của Tây Bắc – mang đến sức hút đặc biệt cho du khách yêu thích thiên nhiên.

Lễ hội Hoa Ban, được tổ chức hàng năm vào tháng 3, không chỉ là sự kiện văn hóa đặc sắc mà còn là cơ hội để quảng bá vẻ đẹp của vùng đất này đến bạn bè quốc tế.

 Một góc xã Mường Phăng hôm nay.

Một góc xã Mường Phăng hôm nay.

Hướng đi bền vững cho tương lai

Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, Điện Biên đang nỗ lực không ngừng để hướng đến phát triển bền vững. Tỉnh đang rà soát, đánh giá lại chất lượng dịch vụ và sản phẩm hiện có, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Những loại hình như trekking, du lịch khám phá và du lịch nông nghiệp đang dần được chú trọng, nhằm tạo nên sức hút riêng cho vùng đất này.

Tỉnh Điện Biên cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Những chính sách như hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương, xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch và tăng cường quảng bá hình ảnh Điện Biên trên các phương tiện truyền thông quốc tế đang được triển khai đồng bộ.

Việc phát triển du lịch không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế mà còn góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, tỉnh Điện Biên tự tin đạt mục tiêu đến năm 2025 đón 3 triệu lượt khách mỗi năm, trong đó có 60.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Điện Biên không chỉ là biểu tượng của lịch sử hào hùng mà còn là điểm hội tụ những giá trị văn hóa, thiên nhiên độc đáo. Với tiềm năng sẵn có cùng chiến lược phát triển bài bản, vùng đất Tây Bắc này hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.

Những gì Điện Biên đang làm hôm nay chính là "đánh thức" tiềm năng du lịch lớn lao, để ngày mai, nơi đây trở thành một trong những trung tâm du lịch bền vững hàng đầu của Việt Nam.

Quỳnh Hoa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-tiem-nang-du-lich-dang-cho-duoc-danh-thuc-post710070.html