Diễn biến trái ngược giữa giá dầu và nhóm cổ phiếu bán lẻ xăng dầu Việt Nam
Bất chấp giá trị giao dịch hợp đồng tương lai của nguyên liệu dầu có lúc xuống mức âm kỷ lục, nhóm cổ phiếu kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang cho thấy xu hướng trái ngược.
Diễn biến trái ngược trong thời gian gần đây
Trong phiên giao dịch ngày 20/4/2020 trên thị trường Mỹ gần đây, giá dầu tương lai giao tháng 5 có lúc xuống tới mức âm kỷ lục, gây hoang mang cho toàn bộ nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh xăng dầu trên khắp thế giới.
Mức giá âm theo lý giải của các chuyên gia đến từ 2 nguyên nhân chính là (1) suy thoái kinh tế do ảnh hưởng từ Covid 19 tác động trực tiếp đến suy giảm nhu cầu đối với xăng dầu và (2) thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Nga và OPEC không đạt được kỳ vọng. Chính từ 2 nguyên nhân này dẫn đến một cảnh tượng hiếm thấy trên toàn thế giới khi các kho chứa dầu hết chỗ, từ đó tạo nên một trong những phiên giao dịch dầu ấn tượng nhất từ trước tới nay vào ngày 20/4/2020.
Tuy nhiên, trái ngược với những diễn biến tiêu cực của giá nguyên liệu dầu trong cùng khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam không những không giảm mà thậm chí còn có xu hướng phục hồi từ vùng đáy.
Cụ thể, với PLX, sau khi xác định mức giá đáy 33.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/3/2020, PLX đã quay trở lại mốc 40.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 29/04/2020, tương đương với mức tăng 19,9% từ mức giá đáy.
Với OIL, tỷ lệ phần trăm phục hồi thậm chí còn lớn hơn khi từ mức giá thấp nhất 5.600 đồng/cổ phiếu (cũng trong phiên giao dịch ngày 13/3/2020), giá cổ phiếu OIL đã tăng 33,9% để đạt mức giá 7.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên 29/4/2020. Dĩ nhiên, mức tăng tuyệt đối không đáng kể nhưng nếu xét đến con số phần trăm, OIL đã đem lại một món lời lớn cho những nhà đầu tư nhanh tay nhanh mắt.
Đứng trước những diễn biến trái ngược như vậy, đa số những nhà đầu tư trên thị trường không khỏi băn khoăn trong việc tìm lời giải thích cho những biến động trên.
Những diễn biến được kỳ vọng hậu Covid 19
Những nhà đầu tư mua vào nhóm cổ phiếu bán lẻ xăng dầu không phải không có cái lý của riêng mình cho quyết định có phần đi ngược xu hướng kể trên.
Lập luận đầu tiên mà nhóm nhà đầu tư trên đề cập, đến đó là kỳ vọng giá dầu sẽ sớm hồi phục khi những tác động do Covid 19 qua đi, các doanh nghiệp trên thế giới sẽ quay trở lại hoạt động sản xuất thông thường. Kỳ vọng này được thúc đẩy bởi các thông tin hoạt động kiểm soát dịch tốt, tiến độ điều chế vacxine cũng như các gói hỗ trợ kích thích kinh tế của các chính phủ trên khắp thế giới.
Ngoài ra, động thái thúc đẩy những thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn của các quốc gia sản xuất dầu mỏ cũng tạo nên sự kỳ vọng nguồn cung được điều tiết, qua đó hỗ trợ sự hồi phục giá dầu nguyên liệu.
Đối với riêng Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong các năm tiếp theo được dự báo tiếp tục tăng nhanh do đặt trong bối cảnh hoạt động tăng trưởng kinh tế hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, theo báo cáo mới đây, S&P Global Rating đã dành cho Việt Nam những con số dự báo ấn tượng, dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt của chính phủ.
Trước những thông tin trên, nhiều chuyên gia kỳ vọng hoạt động bán lẻ - kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường. Cá biệt, có những doanh nghiệp trong đợt sụt giảm vừa qua, đã lên phương án chủ động tích trữ nguyên liệu khi ở vùng giá thấp với kỳ vọng thu được lợi khi giá dầu nguyên liệu hồi phục(Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, dự kiến niêm yết trong thời gian sắp tới, đã thông báo về kế hoạch tích trữ nguyên liệu trong tháng 4 vừa qua, dựa trên lợi thế sở hữu 9 kho trữ có tổng sức chứa lên tới hơn 500.000 m3).
Như vậy, có thể khẳng định, ẩn sau những biến động trái ngược giữa giá dầu và nhóm cổ phiếu kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua là những toan tính về mặt trung dài hạn của các nhà đầu tư và thậm chí doanh nghiệp. Kết quả của những toan tính đó sẽ chỉ được biết đến trong tương lai nhưng trước mắt, câu chuyện về sự hồi phục của nhóm cổ phiếu này đang thu hút sự chú ý của khá nhiều nhà đầu tư.