Điện Biên và hành trình phát triển

71 năm đã đi qua kể từ chiều hè lịch sử ngày 7/5/1954, trên chiến trường xưa với Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' giờ là một Điện Biên luôn nỗ lực từng ngày để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, duy trì mối quan hệ bền chặt với các tỉnh bạn trong nước và quốc tế.

Một góc trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. (Ảnh: LÊ LAN)

Một góc trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. (Ảnh: LÊ LAN)

Trở lại Điện Biên sau nhiều năm xa cách, bà Tô Hoàng Hợi (con gái của ông Tô Quang Khoan, người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao phụ trách chuẩn bị, đóng gói khối bộc phá đánh Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) rưng rưng xen lẫn tự hào khi được tận mắt thấy diện mạo mới, sức sống mới của Điện Biên. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, đôi lúc, bà Hợi phải ngưng lời để nén niềm xúc động ùa về theo ký ức của những ngày xưa.

Ngày đó, quãng những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là cô bé lên 10, bà Hợi thường theo cha đi trên các con đường mòn lối nhỏ ở cánh đồng C1, bãi mía C2 và các đồng ngô mênh mông bên bờ sông Nậm Rốm.

Cha của bà quê ở Cao Bằng, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày đầu tiên cho đến ngày toàn thắng với nhiều trận đánh cam go, khốc liệt. Sau chiến dịch, ông tình nguyện ở lại cùng đồng đội bước vào trận chiến mới - “trận chiến phát triển kinh tế trên chiến trường” không kém phần khó khăn.

Bà Hợi rất nhớ những lần cùng cha đi thăm đồng ruộng, thăm các cô, bác công nhân nông trường; được nghe cha kể lại những trận đánh… Chuyện cha kể rành rọt theo từng ngày, từng tháng, nhưng trí nhớ của cô bé lên 10 chỉ nhớ rõ nhất chi tiết bác Tạ Quốc Luật là người dẫn đầu một tổ xung kích gồm 5 chiến sĩ tiến vào sở chỉ huy quân Pháp để bắt sống tướng Đờ-cát và Bộ chỉ huy của Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ.

“Mỗi lần kể chuyện bác Tạ Quốc Luật cắm cờ trên nóc hầm Đờ-cát vào 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 thì đôi mắt của cha đều lấp lánh niềm vui, chứ không ầng ậc nước như chuyện về hy sinh của đồng đội” - bà Hợi nhớ lại.

Về Điện Biên lần này, bà Hợi ngỡ ngàng trước những đổi thay. Vẫn là đây Sân bay Điện Biên Phủ giữa cánh đồng nhưng bây giờ hiện đại hơn, to đẹp hơn. Và đây, cây cầu Mường Thanh vẫn lặng lẽ nối đôi bờ Nậm Rốm nhưng đêm về lại rực rỡ lấp lánh hàng trăm bóng đèn vàng, xanh, đỏ, tím hiện đại…

Bà Hợi xúc động: “Tận mắt thấy những công trình mới, thấy từng di tích được chăm chút tỉ mỉ giúp tôi hiểu thêm về nỗ lực, cống hiến của mỗi người trên mảnh đất Điện Biên”.

Cùng chung niềm xúc động, tự hào khi từng ngày chứng kiến đổi thay trên mảnh đất mà 71 năm trước đã cùng đồng đội chiến đấu, những ngày tháng 5 lịch sử, dù sức đã yếu hơn song mỗi chiều, ông Bùi Kim Điều (nguyên chiến sĩ Đại đoàn 312) vẫn nhờ con cháu dìu bước đến Khu di tích Him Lam để được thắp nén nhang cho đồng đội đã nằm lại trong trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954).

Khác những năm trước, dịp này ông Điều thầm báo cáo với các đồng đội: “Tỉnh đã quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích xứng với tầm vóc Chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng tại Him Lam, có riêng một dự án gần trăm tỷ đồng đầu tư làm phù điêu, nhà dâng hương, sân quảng trường, cây hương tại lô-cốt, bia đá giới thiệu di tích. Trong khuôn viên còn có hệ thống vườn hoa, cây xanh, điện ngoài trời… để đêm cũng như ngày, nơi Anh hùng Phan Đình Giót và các anh nằm lại luôn sáng đẹp, lung linh”.

Tôi gặp người chiến sĩ Điện Biên năm xưa ngồi lặng bên tấm bia ghi lịch sử trận đánh. Hướng mắt nhìn theo dòng người đang xa dần trước mặt, ông Điều chia sẻ: “Mỗi độ tháng 5 về, tôi nhớ bạn tôi lắm. Nơi bạn nằm xuống, lúa bây giờ luôn trĩu hạt nặng bông. Ruộng vườn, cây trái quanh năm xanh mướt bao quanh các mái nhà, trường học. Điện Biên hôm nay đã đổi thay, bốn mùa đều có muôn hoa khoe sắc. Người Điện Biên luôn khắc ghi cống hiến, hy sinh của những người đã anh dũng ngã xuống vì mảnh đất này!”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô từng chia sẻ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và tinh thần đoàn kết vượt khó, năm 2024, Điện Biên đã vươn lên trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (GRDP đạt 8,51%) so với các tỉnh cùng khu vực (đứng thứ 6/14 tỉnh trong khu vực và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước).

Trong năm 2024 vừa qua, với việc tổ chức thành công các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao và du lịch tầm quốc gia, khu vực, ngành du lịch Điện Biên đã đón 1,85 triệu lượt khách trong nước, quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Điện Biên lần đầu đạt 3.300 tỷ đồng.

Cùng với kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Điện Biên luôn quan tâm công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, nhờ đó đời sống của người dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện.

Giai đoạn 2021-2024, Điện Biên đã hỗ trợ làm nhà ở mới cho hơn 6.000 hộ nghèo, gia đình chính sách. Riêng năm 2024, Điện Biên hoàn thành 5.000 căn nhà cho hộ nghèo trong một chiến dịch thần tốc với tên gọi “Triệu tấm lòng với người nghèo Điện Biên”.

Nhờ sự hỗ trợ, chung tay của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm và nỗ lực của hộ nghèo, mỗi năm Điện Biên đều giảm khoảng 4,06% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn 21,66%.

Các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, với tổng số 26/115 xã được công nhận đạt chuẩn; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành 12/17 chỉ tiêu chủ yếu, với kết quả nổi bật là tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm đều đạt 5,83%...

Công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và công tác bảo đảm an ninh-trật tự luôn được thực hiện tốt, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại.

Đúng dịp Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2025), tại lễ thượng cờ và khánh thành Cột cờ A Pa Chải ở xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé (nơi có cột mốc giáp ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc), cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng người dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vinh dự báo cáo, Điện Biên đã vượt qua bao khó khăn, cách trở; vượt qua khoảng cách địa lý và vượt qua mọi thời gian để xây dựng địa phương ngày càng phát triển, là “thành trì” vững chắc bảo vệ hai tuyến biên giới rộng, dài.

LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dien-bien-va-hanh-trinh-phat-trien-post877795.html