Diễn biến vụ 'Quyết bắt giam người trọng bệnh': VKS huyện bị phản ánh chưa làm tròn trách nhiệm kiểm tra, giám sát
Phản biện trả lời của Viện trưởng VKS, Luật sư (LS) Dũ nói: 'Viện trưởng VKS cho rằng đã thực hành quyền công tố và kiểm tra điều tra nhưng lại không biết chuyện ông Đông nhập viện hai lần chứ không phải một lần như trả lời. Đến nay, gia đình ông Đông là người cung cấp thuốc điều trị chứ không phải từ trại tạm giam'.
Câu trả lời về việc ông Phùng Thạch Đông (SN 1967, ngụ xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) không thể “tại ngoại” của Viện trưởng Viện KSND huyện Bắc Bình đã bị các chuyên gia pháp luật đánh giá là chưa đúng.
Sau khi PLVN có bài viết “Nghiệt ngã vụ án bị xã đội trưởng tháo biển số”, LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP HCM), người bào chữa cho ông Đông cho biết kiến nghị “Hủy bỏ biện pháp tạm giam” được Viện trưởng VKS Bắc Bình trả lời. Tuy nhiên, LS Dũ cho rằng trả lời này có nhiều tình tiết trái luật nên đã gửi văn bản phúc đáp.
Ông Trần Ân Đông, Viện trưởng VKS huyện Bắc Bình cho biết thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm tra điều tra với vụ án “cố ý gây thương tích” của ông Phùng Thạch Đông đối với xã đội trưởng xã Sông Lũy, xác định: “Ngày 26/4, ông Đông có hành vi sử dụng hung khí tấn công vào vùng mặt anh Ngô Minh Hoàng trên đường thi hành công vụ về, gây thương tích 11%.
Nguyên nhân gây ra hành vi phạm tội xuất phát từ hành vi thi hành công vụ của anh Hoàng đã chặn bắt và tháo biển số trước và sau của xe tải ben đem về theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã Sông Lũy. Sau khi thực hiện hành vi tấn công khiến anh Hoàng bỏ chạy thì ông Đông lấy hai biển số xe đưa lại cho tài xế gắn vào xe tải và xe này bỏ trốn nhằm tránh bị xử lý (xe này được cho bị vi phạm trong việc khai thác và vận chuyển đất sỏi trái phép)”.
Viện trưởng VKS cho rằng hành vi lấy hai biển số xe để đưa cho tài xế gắn lại vào xe vi phạm tạo điều kiện tẩu tán phương tiện liên quan đến vụ án và thực tế xe tải ben đã di chuyển khỏi địa bàn. Do đó việc tạm giam ông Đông là có căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015.
“Sau khi bị bắt tạm giam, ông Đông phát bệnh và được đưa cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Bình Thuận, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa An Phước (TP Phan Thiết)… Trường hợp ông Đông không thuộc “bệnh nặng” theo quy định của pháp luật, nên không đủ điều kiện hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam”, Viện trưởng VKS trả lời.
Phản biện trả lời của Viện trưởng VKS, LS Dũ nói: “Viện trưởng VKS cho rằng đã thực hành quyền công tố và kiểm tra điều tra nhưng lại không biết chuyện ông Đông nhập viện hai lần chứ không phải một lần như trả lời. Đến nay, gia đình ông Đông là người cung cấp thuốc điều trị chứ không phải từ trại tạm giam”. Lần thứ hai ông Đông nhập viện là từ ngày 16/5 đến ngày 20/5 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận.
“Trả lời của ông Viện trưởng là không thỏa đáng và có dấu hiệu cố ý hiểu sai quy định pháp luật. Cụ thể, điểm đ, khoản 2, Điều 119 BLTTHS nêu rõ “tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án” chứ không hề có hành vi “tẩu tán phương tiện liên quan đến vụ án”. Chiếc xe tải ben không hề liên quan đến vụ án “cố ý gây thương tích”. Nó không phải phương tiện để gây án, phương tiện làm vật chứng”.
“Tài sản liên quan đến vụ án được hiểu là tài sản bị phạm tội chiếm đoạt, tài sản do phạm tội chiếm đoạt mà có, tài sản được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội. Chiếc xe tải không phải tài sản liên quan đến vụ án. Còn nếu nói chiếc xe tải là phương tiện liên quan đến vụ án để làm căn cứ tạm giam ông Đông là càng sai”, LS Dũ nói.
Đồng quan điểm, LS Đổng Mây Hồng Trúng (Đoàn LS TP HCM), nói: “Ông Viện trưởng hiểu như thế là sai luật. Nếu chiếc xe tải đó là phương tiện để ông Đông đi đến nơi gây án thì mới liên quan. Còn trong vụ án “cố ý gây thương tích” chiếc xe tải không liên quan. Lấy lý do xe tải là phương tiện liên quan đến vụ án để tạm giam ông Đông là trái luật”.
“Ngoài ra, vị Viện trưởng cố ý nhấn mạnh vào hành vi thi hành công vụ của anh Hoàng nên cần làm rõ, anh Hoàng đi bắt xe khai thác, vận chuyển đất sỏi trái phép từ lệnh của ai? Lệnh này bằng miệng hay bằng văn bản? Người đưa ra lệnh có thẩm quyền hay không?”, LS Trúng nói.
LS Trúng còn cho rằng tội danh của ông Đông về nguyên tắc không được tạm giam. Trừ trường hợp, có đủ căn cứ cho thấy ông Đông sẽ bỏ trốn, tẩu tán tài sản liên quan, đe dọa người làm chứng, cản trở điều tra. Tuy nhiên, ngày 26/4 đến ngày 8/5, ông Đông không có những hành vi nêu trên thì không có căn cứ tạm giam.
LS Dũ cho biết đã có đơn phúc đáp, phản bác những vấn đề mà Viện trưởng VKS huyện Bắc Bình trả lời chưa đúng luật. “Tôi khẳng định, ông Đông không thuộc trường hợp bị tạm giam. Việc tạm giam ông Đông là lạm quyền, là trái quy định pháp luật”, LS Dũ nói.
LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) nhận xét: “Chủ tịch xã không có quyền yêu cầu xã đội trưởng tháo biển số xe. Giả sử xe tải có vi phạm, nếu tài xế hợp tác thì lập biên bản và đưa xe về trụ sở. Nếu tài xế không hợp tác thì lập biên bản, điều xe kéo đến kéo về hoặc xích xe lại ngay hiện trường. Không có bất cứ quy định nào cho phép tháo biển số xe vi phạm. Trừ trường hợp Cảnh sát giao thông nghi ngờ là biển số giả thì phải tháo đi giám định. Tháo biển số xe kiểu của Chủ tịch, Xã đội trưởng xã Sông Lũy là trái luật. Khi xét án, cần phải làm rõ tình tiết này. Vì trái luật gây ra bức xúc cho ông Đông nên mới có vụ án “cố ý gây thương tích”.