Điện chập chờn, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng
Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai bị mất, cắt điện đột xuất gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
DN mong muốn ngành Điện cải thiện chất lượng cung ứng điện để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, giảm rủi ro về máy móc và con người.
* Bị cắt điện đột xuất
Trong vòng hơn nửa năm bị cắt điện đột xuất 6 lần khiến Công ty TNHH Samtec Việt Nam ở Khu công nghiệp (KCN) Long Thành (H.Long Thành) gặp rất nhiều khó khăn. Trong văn bản gửi Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, công ty này phản ánh: Từ tháng 6-2022 đến tháng 1-2023, công ty bị cúp điện 6 lần ngoài kế hoạch. Khi cúp điện, máy móc và thiết bị phải ngừng đột ngột làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, an toàn của công nhân vận hành máy. Hơn thế, còn gây thiệt hại nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty kiến nghị và ngành Điện đã cam kết khắc phục trong thời gian sớm nhất, nhưng vẫn chưa khắc phục.
Không chỉ bên trong KCN, nơi tập trung nhiều nhà máy mà các cơ sở sản xuất bên ngoài cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, H.Long Thành) cho biết, trong năm 2022, có 2 lần phải cho công nhân nghỉ vì mất điện mà không có thông báo trước.
“Công nhân không làm việc nhưng công ty vẫn phải trả lương trong thời gian mất điện. Sau đó, công ty phải tổ chức tăng ca bù lại và lương tăng ca phải trả cao hơn nhiều so với lương làm giờ hành chính. Thế nhưng, mỗi lần xảy ra cắt điện, DN không nhận được văn bản cáo lỗi, giải thích hay sự hỗ trợ nào từ ngành điện" - ông Cường cho hay.
Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (xã An Phước, H.Long Thành) Võ Thanh Tuấn chia sẻ, mỗi tháng công ty sử dụng khoảng 400 triệu đồng tiền điện, vì số tiền lớn công ty chia ra đóng 3 kỳ (10 ngày/kỳ). Theo quy định, khách hàng có thời hạn thanh toán là 15 ngày sau khi ghi chỉ số, nhưng vào ngày 30-3 vừa qua, điện lực đã cắt điện của công ty trong khoảng 3,5 giờ với lý do chưa đóng tiền kỳ cuối tháng 3.
“DN bức xúc vì trước đó đóng tiền điện rất đều đặn. Chiều 30-3, DN đã chuyển tiền cho ngân hàng đóng kỳ tiền điện cuối tháng nhưng đến 17 giờ bị cắt điện mà không có thông báo. Hàng trăm cục sợi bị đứt, kẹt lại trong máy. Mô tơ bị ảnh hưởng tuổi thọ. Đây là trường hợp cắt điện sai quy định, DN đang yêu cầu ngành Điện phải giải thích rõ” - ông Tuấn bày tỏ.
Khác với các DN ở trên, tại KCN Giang Điền (H.Trảng Bom) lại xảy ra thiếu điện cục bộ làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN. Không ít lần chủ đầu tư hạ tầng, các DN tại đây đã kiến nghị ngành điện, lãnh đạo UBND tỉnh xem xét giải quyết vấn đề nguồn điện cho sản xuất công nghiệp.
* Đảm bảo năng lượng cho sinh hoạt và sản xuất
Thực tế 2 năm trở lại đây, nhu cầu về điện sản xuất giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng chính trị và lạm phát kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc mất điện, thiếu điện cục bộ do thiếu nguồn cung là không có. Có thể do các yếu tố như: thời tiết, sự cố đường truyền, trạm biến áp và dự án đầu tư mới chậm. Hệ quả là máy móc, nguyên liệu, sản phẩm của DN bị hư hại; chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm.
Trong các lần làm việc với ngành điện, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, điện có vai trò rất quan trọng trong đời sống và sản xuất. Tới đây, nhu cầu điện cho các khu vực như: sân bay, cảng biển, KCN mới sẽ tăng mạnh. Ngành Điện cần chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương đưa các công trình, dự án điện vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án theo quy hoạch phát triển lưới điện và nhu cầu thực tế.
Chia sẻ về trường hợp mất điện tại Công ty TNHH Samtec Việt Nam, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) cho biết, trong năm 2022 và tháng 1-2023 tại DN này xảy ra 5 lần mất điện đột xuất. Nguyên nhân là do sét gây phóng điện làm đứt dây cáp bọc, cháy cáp viễn thông treo cùng trụ điện. Khi xảy ra sự cố, điện lực đã nhanh chóng huy động nhân lực, vật lực để khắc phục, cấp điện trở lại cho công ty. Ngành Điện cũng có các thông báo về nguyên nhân và các giải pháp giảm thiểu mất điện đột xuất.
Trước câu hỏi về việc các công trình điện chậm đầu tư có ảnh hưởng đến cung ứng điện, lãnh đạo PC Đồng Nai cho rằng, các công trình 110kV chậm đầu tư do nhiều yếu tố, trong đó có vướng giải phóng mặt bằng, chồng chéo các quy hoạch và tìm nguồn tài trợ vốn vay. Tuy nhiên, PC Đồng Nai đã chủ động thay đổi liên kết lưới điện, đầu tư các thiết bị và ứng dụng công nghệ để vận hành lưới điện linh hoạt nên không gây ảnh hưởng đến cung cấp điện.
PC Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành thường xuyên kiểm tra, đánh giá để kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị có nguy cơ gây sự cố. Tăng cường lắp thiết bị chống sét trên đường dây, các trạm biến áp, hạ áp để hạn chế rủi ro sét đánh.
Giai đoạn 2016-2021, PC Đồng Nai có kế hoạch vốn đầu tư xây dựng các công trình lưới điện là hơn 6,3 ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ thực hiện được hơn 2,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 32%. Có hạng mục đầu tư đạt dưới 10% kế hoạch.