Diễn đàn CEO 2025: Bàn giải pháp tối ưu hóa chuỗi giá trị

Diễn đàn CEO 2025 quy tụ hơn 100 lãnh đạo, chuyên gia cùng bàn giải pháp mở rộng xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực nội sinh

Ngày 21/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn CEO 2025 đã diễn ra với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý. Sự kiện do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức, nhằm thảo luận các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa, tiếp cận vốn xanh, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh.

Hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý tham dự sự kiện.

Hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý tham dự sự kiện.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 10%, nhưng đây vẫn là thị trường mang tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng toàn cầu, cần có chiến lược thích ứng kịp thời. Đồng thời cũng đề xuất doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), vốn vẫn chưa được tận dụng hiệu quả như kỳ vọng.

Nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước, nơi có hơn 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng như một trụ cột phát triển bền vững, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, việc đầu tư bài bản cho thị trường nội địa cần được đặt ngang hàng với xuất khẩu, cả về sản phẩm, bao bì, kênh phân phối và trải nghiệm người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai “bộ tứ chiến lược” theo các nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân, Giám đốc Sở Công Thương kêu gọi doanh nghiệp tập trung nâng cao năng lực nội sinh, từ ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đến quản trị rủi ro và phát triển thương hiệu. Cùng với đó, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng. Theo ông Vũ, khi TP. Hồ Chí Minh sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ hình thành không gian phát triển kinh tế liên kết, giúp doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tận dụng tốt hơn chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu và hệ sinh thái công nghiệp, logistics hiện đại.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra 4 định hướng lớn: Phát triển thị trường nội địa như “pháo đài” kinh tế; tái cấu trúc thị trường xuất khẩu, hướng tới Trung Đông, châu Phi, các nước Hồi giáo và khối CPTPP, RCEP; nâng cao năng lực nội sinh và thúc đẩy liên kết ngành, doanh nghiệp để tạo sức mạnh theo chuỗi.

TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua cải cách thủ tục, hỗ trợ tài chính, xúc tiến thương mại và đơn giản hóa quy trình đầu tư. Thành phố đang từng bước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và có sức cạnh tranh khu vực, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững trong giai đoạn mới.

Doanh nghiệp Việt cần kết nối các "mắt xích" trong chuỗi giá trị

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp đều nhận định, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc như hiện nay. Gia tăng bảo hộ thương mại, xung đột địa chính trị, cùng hàng loạt rào cản kỹ thuật mới đang khiến việc mở rộng thị phần quốc tế trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu tại sự kiện.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu tại sự kiện.

Những biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều nước áp dụng tuy nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng lại tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp Việt, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng không chỉ tiêu chuẩn chất lượng, mà còn cả các yêu cầu về minh bạch chuỗi cung ứng, công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Trong nước, doanh nghiệp cũng chịu sức ép kép: Hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn vào, thị hiếu tiêu dùng thay đổi nhanh, cộng với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nội địa lẫn quốc tế. Không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hoặc chuyển hướng sang các thị trường ngách để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, trong thách thức vẫn có cơ hội. Việt Nam đang tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện tiếp cận hơn 50 thị trường toàn cầu. Để tận dụng hiệu quả, doanh nghiệp cần chiến lược bài bản hơn về logistics, thương hiệu, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm đặc thù phù hợp từng thị trường.

Các đại biểu tại diễn đàn khuyến nghị thành lập các liên minh ngành, như Liên minh xuất khẩu trực tuyến Việt Nam - để kết nối các "mắt xích" trong chuỗi giá trị. Ảnh minh họa.

Các đại biểu tại diễn đàn khuyến nghị thành lập các liên minh ngành, như Liên minh xuất khẩu trực tuyến Việt Nam - để kết nối các "mắt xích" trong chuỗi giá trị. Ảnh minh họa.

Tại diễn đàn, các tham luận mở đầu của ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm WTO, cùng ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA, đã phân tích những tác động của diễn biến thương mại mới đến chuỗi cung ứng toàn cầu, sức ép dịch chuyển sản xuất và sự thay đổi trong cán cân thị trường. Các ý kiến nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp Việt không thể tiếp tục đơn lẻ, mà phải tìm kiếm sự liên kết, tích hợp để gia tăng sức cạnh tranh.

Các nhóm giải pháp nổi bật được thảo luận tại diễn đàn gồm: Tăng cường năng lực nội tại thông qua đổi mới công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tối ưu chi phí; đa dạng hóa thị trường, đặc biệt hướng tới Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, những nơi có tiềm năng tăng trưởng cao; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng số xuyên biên giới để mở rộng kênh tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.

Một nội dung được nhiều CEO đồng thuận là vai trò sống còn của thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sự an toàn, bền vững và đạo đức trong tiêu dùng, việc đầu tư vào thương hiệu uy tín sẽ tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Đáng chú ý, các đại biểu khuyến nghị thành lập các liên minh ngành, chẳng hạn như “Liên minh xuất khẩu trực tuyến Việt Nam” - để kết nối các "mắt xích" trong chuỗi giá trị: Từ sản xuất, logistics, thanh toán đến marketing toàn cầu. Nhiều CEO chia sẻ rằng, tư duy “hợp tác cùng phát triển” đang thay thế dần mô hình “cạnh tranh một mình”, mở ra hướng đi bền vững trong thời đại kinh tế số.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định: Thị trường hôm nay không còn chỗ cho sự trì trệ. Doanh nghiệp Việt cần đổi mới tư duy, làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh và hợp lực với nhau để tồn tại và phát triển bền vững.

Diễn đàn CEO 2025 không chỉ là nơi bàn thảo chiến lược, mà còn là không gian kết nối, lan tỏa tinh thần hội nhập và khẳng định tầm quan trọng của liên kết ngành trong hành trình vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác, đó là "chìa khóa" để doanh nghiệp Việt vượt qua sóng gió và dẫn đầu trong kỷ nguyên mới.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-dan-ceo-2025-ban-giai-phap-toi-uu-hoa-chuoi-gia-tri-388614.html