Diễn đàn 'Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình'
Sáng 24/10, tại thành phố Ninh Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn 'Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình' (Viet Nam DataFest 2024).
Dự Diễn đàn có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.
Cùng dự có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, diễn giả Trung ương; lãnh đạo HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, dữ liệu được xác định là một tài nguyên của đất nước, là tư liệu sản xuất mới quan trọng. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên số. Dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số là những từ khóa quan trọng trong phát triển giai đoạn tới, là cơ hội để chúng ta thay đổi, bứt phá, vượt khỏi giới hạn, mở rộng không gian phát triển…
Đồng chí bày tỏ vui mừng khi Diễn đàn được tổ chức tại Ninh Bình, điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình cho chuyển đổi số và tin tưởng rằng với sự vào cuộc của người đứng đầu, công cuộc chuyển đổi số ở Ninh Bình sẽ thành công.
Đồng chí nhấn mạnh: Ninh Bình cần tận dụng tối đa chuyển đổi số để tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP bởi Ninh Bình có rất nhiều tài nguyên có thể số hóa, từ truyền thống lịch sử tới danh lam thắng cảnh, văn hóa truyền thống, sản vật địa phương. Tất cả có thể được số hóa đưa lên môi trường số, làm nguyên liệu để phát triển kinh tế số.
Tại Diễn đàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã giới thiệu những nét khái quát về truyền thống lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Trong đó nhấn mạnh: Từ năm 2022, Ninh Bình đã vươn lên là tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết một phần về Trung ương. Tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện nhất quán, hiệu quả chiến lược theo hướng phát triển “xanh, bền vững và hài hòa”; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp công nghệ cao làm động lực, trụ cột là công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ. Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Bình được định hướng đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Đồng chí cũng cho biết: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là trụ cột cốt lõi cho định hướng chiến lược phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực chuyển đổi số. Vì vậy, để chuyển đổi số toàn diện ở Ninh Bình là thực sự cần thiết khi lựa chọn mô hình phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế mới nổi, dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, theo đó không chỉ thay đổi chuyển đổi số mà thay đổi căn bản phương thức sản xuất, quản trị xã hội.
Diễn đàn “Chiến lược dữ liệu cho phát triển trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình” chính là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp gặp gỡ, cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến hay về chuyển đổi số. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng tìm ra các định hướng, chiến lược, giải pháp cho phát triển dữ liệu, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó có tỉnh Ninh Bình diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả hơn…
Sau nội dung khai mạc, trong ngày 24/10, Diễn đàn diễn ra các chuyên đề: Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng Al; Thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình.
Phiên chuyên đề về “Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng Al”
Dưới sự chủ trì và điều hành các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Diễn đàn Viet Nam DataFest 2024 đã tiến hành phiên chuyên đề về “Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng Al”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe các tham luận: Vai trò của dữ liệu, định hướng, giải pháp phát triển của Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2023; Triển khai hạ tầng dữ liệu và nhu cầu ứng dụng Al trong Y tế; Xây dựng nền tảng kiến trúc dữ liệu cho phân tích và dự đoán; Cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới: Trí tuệ nhân tạo và một số khuyến nghị.
Trong đó, tham luận về “Vai trò của dữ liệu, định hướng, giải pháp phát triển của Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2023”, ông Nguyễn Trọng Khánh, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Tham luận cũng đưa ra khuyến nghị với tỉnh Ninh Bình cần tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ phát triển dữ liệu, chịu trách nhiệm tư vấn các vấn đề về dữ liệu cho UBND, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương; triển khai xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu và thu thập, làm giàu dữ liệu lớn cho địa phương; là cơ quan đầu mối quản lý, theo dõi giám sát việc khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu của địa phương và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Xây dựng, củng cố hạ tầng dữ liệu của địa phương. Xây dựng các cơ sở dữ liệu của địa phương song hành với triển khai các nền tảng số dịch vụ công. Xây dựng các nền tảng số phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu trên cơ sở kế thừa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai tại địa phương đảm bảo tránh đầu tư trùng lặp, tận dụng được tối đa nguồn dữ liệu sẵn có, phục vụ khai thác hiệu quả dữ liệu và cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong phạm vi quản lý của địa phương. Đồng thời, Ninh Bình cần chủ động huy động nguồn lực và lồng ghép các hoạt động liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu của Chiến lược.
Thông qua các tham luận tại phiên chuyên đề 1 cho thấy: Trong bối cảnh dữ liệu đang trở thành tài nguyên quý giá của thế kỷ 21, chuyên đề đã tập trung vào việc xây dựng chiến lược quản lý và khai thác dữ liệu cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các diễn giả phân tích cách mà dữ liệu được tổ chức và xử lý để hỗ trợ AI, từ đó giúp doanh nghiệp và Chính phủ tối ưu hóa hoạt động, cải thiện hiệu suất và đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác dựa trên dữ liệu.
Việc áp dụng Al sẽ giúp Ninh Bình không chỉ cải thiện các dịch vụ công mà còn có khả năng tự động hóa nhiều quy trình trong quản lý và phát triển kinh tế. Diễn đàn sẽ đưa ra các khuyến nghị cụ thể về việc xây dựng chiến lược dữ liệu phù hợp với địa phương.
Phiên chuyên đề về “Thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình”
Dưới sự chủ trì và điều hành các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Diễn đàn Viet Nam DataFest 2024 đã tiến hành phiên chuyên đề về “Thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình”.
Báo cáo tổng quan chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông trình bày đã cho thấy: Trong giai đoạn 2021-2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, đề ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và lộ trình cụ thể, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; các ứng dụng, nền tảng số trọng yếu của tỉnh được xây dựng, khai thác, vận hành ổn định, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, được kết nối với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành Trung ương.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được triển khai theo mô hình 4 lớp, được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06 đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra.
Chỉ số CCHC năm 2023 của Ninh Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PCI xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 25 bậc so với năm 2022. Kết quả đến ngày 15/10/2024, Ninh Bình cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả 15 nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số. Đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 10/2023, tại địa chỉ https://data.ninhbinh.gov.vn; hiện tại đã công khai dữ liệu mở cho 11 lĩnh vực..., ghi nhận 49.826 lượt truy cập với trên 1.500 dữ liệu đã được chia sẻ...
Tại Diễn đàn, các đại biểu nghe các tham luận: Báo cáo tổng quan chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2024; Thúc đẩy triển khai chuyển đổi số ở các trụ cột đột phá của Ninh Bình-Tầm nhìn và khuyến cáo lộ trình; Đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nhằm thúc đẩy kinh tế số tại địa phương; Phát triển công nghiệp văn hóa (du lịch và di sản) dựa trên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; Cơ chế thu hút nguồn nhân lực tri thức cao cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Ninh Bình.
Các tham luận tại chuyên đề đã tập trung thảo luận sâu về lộ trình chuyển đổi số của Ninh Bình, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu, áp dụng công nghệ số và chiến lược phát triển dữ liệu dài hạn. Các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai chuyển đổi số thành công, từ đó giúp Ninh Bình tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra những thay đổi trong cách thức quản lý mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế số, giúp Ninh Bình trở thành một điểm sáng trong hệ sinh thái kinh tế số toàn quốc.
Phát biểu kết luận phiên chuyên đề, đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao các tham luận tại Diễn đàn được chuẩn bị sâu sắc, kỹ càng, đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong từng lĩnh vực cụ thể của hoạt động chuyển đổi số để có thể áp dụng tại Ninh Bình; cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trong việc phối hợp tổ chức tốt Diễn đàn; khẳng định kết quả của Diễn đàn thông qua các tham luận tại hai phiên chuyên đề sẽ góp phần để tỉnh Ninh Bình cùng với cả nước thực hiện thành công chuyển đổi số như sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình vượt bậc của dân tộc Việt Nam”.