Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông:Đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Với phương pháp 'cầm tay chỉ việc', từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông.

Diễn đàn thực sự là cầu nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học với nông dân, góp phần xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng cây ăn quả. Ảnh: Hương Giang

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng cây ăn quả. Ảnh: Hương Giang

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân

Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp hướng tới sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, việc ứng dụng công nghệ mới, trang bị kiến thức là cách để nông dân tiếp cận hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Sơn ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) cho biết, mặc dù có nhiều kinh nghiệm canh tác nhưng vào mùa bưởi ra hoa, đậu quả, bà thường lo ngại dịch hại do nhện gây ra... Giải đáp băn khoăn này của bà Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) Cao Văn Chí phân tích: Nhện đỏ, nhện trắng thường gây hại trên cây bưởi vào thời điểm hanh khô. Do đó, người dân nên phun thuốc phòng ở giai đoạn bưởi to bằng nút chai thì mới hiệu quả và cần đổi loại thuốc với mỗi lần phun. Tuy nhiên, biện pháp tối ưu là người dân nên phun nước lã cho cây vào sáng sớm và chiều mát, thay cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật...

Cũng băn khoăn khi cây ăn quả bị bệnh ruồi vàng, bà Phùng Thị Duyên ở xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) được nghe Tiến sĩ Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, thông tin: Ruồi vàng là đại dịch của cây ăn quả vì nó sinh sôi quanh năm, làm giảm năng suất, chất lượng quả. Do đó, nông dân cần áp dụng biện pháp ngăn ngừa ruồi từ sớm, tránh để ruồi đẻ trứng ký sinh trên quả thì rất khó chữa trị. Ngoài ra, người dân nên dùng bẫy Pheromone hoặc bẫy bả Protein để dẫn dụ ruồi, kết hợp sử dụng túi ni lông bọc quả. Để diệt trừ triệt để ruồi vàng, các hộ trong vùng trồng cây ăn quả cần thực hiện đồng bộ các biện pháp trên...

Về chăn nuôi, thời điểm này, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Theo PGS.TS Lê Văn Năm, mặc dù hiện có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này. Do đó, người chăn nuôi cần áp dụng các phương pháp phòng tránh, như: Vệ sinh, sát trùng tại cơ sở chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh cá nhân người tham gia chăn nuôi; cách ly lợn bị bệnh, nghi bị bệnh; diệt ruồi, muỗi để tránh phát tán mầm bệnh…

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Theo Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, toàn huyện có hơn 12.000ha đất nông nghiệp, trong đó có 5.600ha vùng lúa chất lượng cao; hơn 4.000ha nuôi trồng thủy sản, cung cấp hơn 40.000 tấn thủy sản; đàn gia súc, gia cầm hơn 2 triệu con, cùng gần 100.000 con lợn, cung cấp lượng lớn trứng và thịt cho thị trường… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu vẫn mang tính truyền thống; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn xảy ra, gây thiệt hại cho nông dân… Do đó, thời gian qua, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn để nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân. Ngoài ra, các nhà khoa học, nhà quản lý thường xuyên phổ biến chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố, giúp người dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh dễ phát sinh là nguyên nhân chính khiến cây trồng, vật nuôi giảm năng suất, chất lượng. Khâu phòng bệnh vẫn quan trọng nhất nhưng đa số nông dân chưa coi trọng yếu tố này. Chỉ khi cây trồng, vật nuôi nhiễm bệnh mới tìm cách chữa trị. Cách làm này vừa không hiệu quả, vừa tốn chi phí. Việc lạm dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật còn gây tồn dư hóa chất trong nông sản. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, đa dạng hình thức tuyên truyền theo hướng “cầm tay chỉ việc”...

Về vấn đề này, theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, để nông dân làm chủ sản xuất, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khoa học công nghệ, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị của ngành Nông nghiệp tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản; đa dạng hình thức đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, thông qua tổ chức tập huấn, diễn đàn, hội thảo, đặc biệt cách thức “cầm tay chỉ việc” ngay tại cánh đồng...

Xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố cần thiết trong sản xuất xanh, bền vững, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm tích cực mời các nhà khoa học, doanh nghiệp trực tiếp chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân thông qua các hội nghị, diễn đàn và ngay tại đồng ruộng; tiếp tục đổi mới chương trình, đề án, nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật. Đây là hướng để hình thành ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất an toàn, hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, hiệu quả hơn...

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dien-dan-khuyen-nong-nhip-cau-nha-nong-dua-khoa-hoc-ky-thuat-den-voi-nong-dan-700024.html