Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Nhiều người bị mất tiền, niềm tin tổn thất khi mua phải sữa giả, hàng giả

Ngày 6-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV

Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, hàng loạt vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả bị phanh phui. Có những trường hợp sữa hay thực phẩm chức năng giả được xác định vẫn là sữa hoặc thực phẩm chức năng nhưng chỉ không bảo đảm chất lượng về thành phần theo đăng ký. Những sản phẩm đó chỉ không mang lại hiệu quả như mong muốn, người mua bị mất tiền và niềm tin bị tổn thất.

Về thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng quy định tại Điều 60, theo đại biểu cần xem xét lại để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tuy nhiên, để Điều 59 bảo đảm tính khả thi thì cần chi tiết hóa hơn nữa để lượng hóa được thiệt hại làm căn cứ khởi kiện hoặc căn cứ bồi thường. Do đó, đề nghị cần giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 60 để từ đó có cơ sở xác định thiệt hại và có căn cứ áp dụng nguyên tắc tại Điều 59.

Về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Lê Hoàng Hải bổ sung thêm một số góp ý cụ thể như: với khái niệm hệ thống đổi mới sáng tạo đề nghị không quy định cứng là “cơ sở giáo dục đại học” mà thay vào đó là “cơ sở giáo dục” và thay “viện nghiên cứu” bằng “cơ sở nghiên cứu” để bảo đảm tính bao quát hơn.

Với nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần bổ sung vào Điều 4 nguyên tắc “mọi nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải bảo đảm nguyên tắc lấy con người làm trung tâm” và “mọi công trình nghiên cứu đều phải bảo đảm đặt dưới sự giám sát, kiểm soát chủ động của con người” để bảo đảm những nghiên cứu, đổi mới sáng tạo có tính nhân văn và đóng góp hữu ích cho phát triển nhân loại.

Với thúc đẩy hợp tác và chia sẻ trong nghiên cứu khoa học, cần khẳng định đã là nghiên cứu khoa học thì đó là trí tuệ. Mà đã là trí tuệ và chất xám thì không thể chỉ là “khuyến khích” mà ở đây cần xác định cơ chế tài chính rõ ràng như mua lại kết quả nghiên cứu khoa học; chi trả chi phí để doanh nghiệp, cộng đồng cung cấp, đóng góp dữ liệu, kết quả nghiên cứu chứ không thể khuyến khích suông. Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ về cơ chế tài chính bên cạnh quy định về khuyến khích tại Điều 31 của dự thảo luật.

Góp ý về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị cần quy định chính sách cụ thể hơn, đột phá hơn và thiết thực hơn trong thu hút nhân lực loại giỏi trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vào cống hiến cho phát triển năng lượng nguyên tử của đất nước. Đồng thời nghiên cứu cơ chế, chính sách tương tự trong lĩnh vực xây dựng pháp luật để áp dụng cho thu hút nhân lực chất lượng cao trong phát triển năng lượng nguyên tử.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV

Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV

Trước đó, sáng 6-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Các đại biểu nếu ý kiến về việc giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục là cần thiết; phải định rõ tỷ lệ phân bổ giữa giảng dạy và kinh doanh; luật cần được làm rõ hơn theo hướng tôn vinh nhà giáo...

Thanh Hải (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-nai-nhieu-nguoibi-mat-tien-niem-tin-ton-that-khi-mua-phai-sua-gia-hang-gia-ef97eb7/