Diễn đàn Kinh tế thể thao 2024: Hướng đến sự tự chủ

Diễn đàn Kinh tế thể thao 2024 đưa ra các góc nhìn sâu sắc về bài toán phát triển, phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao Việt Nam trong giai đoạn tới. Điều quan trọng nhất để các môn thể thao tồn tại và phát triển đúng vào tiềm năng chính là sự tự chủ tài chính.

V.League và bài toán khó của thể thao đỉnh cao

Từ 2 tỉ đồng, thậm chí chỉ cần được lên sóng trực tiếp, giờ đây V.League đã thu về bản quyền truyền hình với con số lên đến 2 triệu USD (khoảng 50 tỉ đồng). Đó là con số đáng mơ ước với bất cứ giải đấu thể thao nào tại Việt Nam.

V.League kiếm được tiền không chỉ từ bản quyền truyền hình.

V.League kiếm được tiền không chỉ từ bản quyền truyền hình.

Bóng đá là môn thể thao vua tại Việt Nam, nhưng không vì thế mà giá trị kinh tế từ bộ môn này mặc định cao chót vót như thế giới. Có những giai đoạn, ban tổ chức V.League chấp nhận “cho không” bản quyền giải đấu để phủ sóng đến người hâm mộ nhiều hơn.

Sáng 17/10, tại Hà Nội, Cục Thể dục thể thao (TDTT) phối hợp cùng Ủy Ban Olympic Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Diễn đàn Kinh tế thể thao là sự kiện được tổ chức thường niên để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các hội thể thao quốc gia và cá nhân hoạt động, nghiên cứu, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ về các vấn đề lớn liên quan đến quan điểm, cách thức quản lý, vận hành, khai thác nguồn lực kinh tế từ các hoạt động, sự kiện thể thao.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm cho TDTT, không chỉ vì TDTT góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của của người dân, mà còn vì những hiệu ứng tích cực khác về uy tín, hình ảnh đất nước và những nguồn lực quan trọng mà thể thao đem lại cho xã hội.

“Chính vì vậy, qua sự kiện ngày hôm nay, tôi mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về cách thức quản lý, vận hành, khai thác nguồn lực kinh tế từ các hoạt động, sự kiện thể thao, qua đó có những gợi mở quan trọng giúp cơ quan quản lý ngành, các địa phương và các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia và thị trường kinh tế thể thao của Việt Nam trong thời gian tới” - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Sự thành công của V.League trên thương trường - ít nhất ở thời điểm này là bài học lớn cho các môn thể thao đại chúng khác noi theo. Cũng vì thế, Phó chủ tịch VFF kiêm chủ tịch VPF Trần Anh Tú là một trong những khách mời đứng lên chia sẻ.

Một trong những giá trị mang tính cốt lõi của V.League thời điểm này là bản quyền truyền hình, bên cạnh các giá trị khác như tài trợ, khai thác các hoạt động xung quanh giải đấu…. Ông Trần Anh Tú chia sẻ: “Trước năm 2018, nguồn thu bản quyền truyền hình bằng giá trị đổi ngang, tức là mua tính bằng số tiền sản xuất. Đến năm 2021, đạt thỏa thuận thêm 2 tỷ đồng và đến nay vẫn chưa thu hết nợ.

Sự đột phá mạnh chỉ đến vào năm 2023 khi giá trị của bản quyền truyền hình giải đấu lên đến 2 triệu USD/mùa. Để nâng cao giá trị đó, chúng tôi đã cho thấy giá trị của giải đấu như thế nào để tương xứng với giá trị của đơn vị mua bản quyền bỏ tiền mua.

Chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, đầu tư chất lượng giải, chuyên môn, cơ sở vật chất… VPF yêu cầu các CLB thay đổi mặt sân và như mọi người thấy, Hàng Đẫy, Lạch Tray, Gò Đậu có diện mạo đẹp hay các sân hay bị kêu ca như Vinh, Thanh Hóa cũng thay đổi rất nhiều. Về chuyên môn, chúng tôi trang bị VAR với quy chuẩn nghiêm ngặt từ FIFA. Hiện tại, V.League đang là hình mẫu của các nước Đông Nam Á về sử dụng VAR.

Dù Thái Lan đi đầu nhưng V.League có mức độ đầu tư hợp lý, phủ sóng tối thiểu 6/7 trận đấu mỗi vòng, di chuyển ở các địa phương trải dài trên cả nước. Chúng tôi đầu tư về bản nhạc riêng cho giải đấu. Một bản nhạc mà nhạc sĩ Hoàng Bách đã phải thuê nhiều nghệ sĩ ở các quốc gia khác để hòa phối, tạo nên chất riêng cho giải đấu.

Cúp vô địch cũng được chăm sóc, đầu tư. Bản thân tôi sang Anh để đàm phán và thuê hẳn một công ty sản xuất cúp cho Ngoại hạng Anh, Cúp FA. Ba chiếc cúp này được trao vào mùa giải vừa rồi ở ba giải đấu, có hiệu ứng tích cực, được nhiều sự đón chào nồng nhiệt”.

Tất nhiên, để tăng hoặc ít nhất giữ được giá trị bản quyền truyền hình hiện tại, V.League không ngừng phải đổi mới và cải thiện chuyên môn. Đây không phải vấn đề mà các nhà quản lý có thể kiểm soát hoàn toàn, nhưng điều đó càng khiến họ phải tập trung tối ưu mô hình.

Ông Tú nhấn mạnh: “Giá trị bản quyền truyền hình tăng thì chất lượng giải đấu cũng phải tăng tương xứng, để không chỉ giữ 2 triệu đô mà còn có thể tăng hơn nữa. Khán giả phải quan tâm đến V.League hơn nữa. Khi kết thúc giải đấu, mọi người cảm thấy “đói” và trống vắng. Các trailer cần sự liên kết giữa các năm để tạo mạch xuyên suốt. Chúng tôi cũng làm việc với đội ngũ trọng tài để siết lại chuyên môn của trận đấu, từ các cầu thủ câu giờ, bạo lực cho đến chất lượng trọng tài”.

Góc nhìn quý giá từ La Liga

Ngoại hạng Anh được xem là đỉnh cao của kinh doanh trong bóng đá, nhưng không phải giải đấu nào cũng có thể làm theo. Để đủ sức cạnh tranh với gã khổng lồ này và phát triển bền vững, giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga) cũng từng phải trải qua những năm “đau thương”.

La Liga là mô hình mà thể thao Việt Nam có thể học hỏi.

La Liga là mô hình mà thể thao Việt Nam có thể học hỏi.

La Liga là một trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu và được đón nhận ở Việt Nam. Nắm bắt thị trường lớn với hơn 90 triệu dân, La Liga cử hẳn đại diện sang đất nước hình chữ S. Đó là ông Pablo Casaos. Đại diện La Liga tại Việt Nam cũng đang trong quá trình học tiếng Việt để hòa nhập hơn với cuộc sống của người địa phương.

Tại Diễn đàn kinh tế thể thao 2024, ông Pablo Casaos có những chia sẻ về kinh tế thể thao của La Liga. Ông nói: “La Liga và các CLB xác định, nguồn chính là giá trị nghe nhìn mà cụ thể là bản quyền truyền hình. Tỷ trọng này chiếm đến 85%, thậm chí 90%. Và điểm mấu chốt là chống vi phạm bản quyền truyền hình. Chúng tôi bị mất 600-700 triệu USD mỗi năm do điều này. Do đó, bước tiến sẽ là chống lại bản quyền lậu để tránh mất đi nguồn tiền lớn.

Tỷ trọng phân bổ tiếp theo là nhà tài trợ với 10%. Chúng tôi sẽ vươn tới các khu vực toàn cầu, địa phương, khu vực rỗng. 5% là nguồn thu khác”.

Các diễn giả chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn.

Các diễn giả chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn.

“Cách đây 4 năm, chúng tôi xác định cách thức mới để có các nguồn thu nhập không chỉ một nguồn mà đa dạng hóa để tránh khi bị gặp trục trặc. Chẳng hạn như phát triển các sản phẩm ngành khác, cung cấp dịch vụ giáo dục cầu thủ chuyên nghiệp; "La Liga tech" là giải pháp công nghệ cho các CLB, doanh nghiệp, dự án để phát triển học viện, dịch vụ tư vấn; các sản phẩm đồ uống, ẩm thực, bar thể thao. Mọi dịch vụ đều phải cải thiện về nâng cấp”.

Vị đại diện La Liga tại Việt Nam cho rằng, thương mại hóa là xu hướng tất yếu của thể thao toàn cầu. La Liga cùng các CLB đồng lòng chia sẻ, dựa trên 3 trụ cột. Đó là tăng cường chất lượng sản phẩm, trong đó vật lộn chinh phục giới trẻ tiêu thụ sản phẩm. Đối với giới trẻ, La Liga đánh vào các xu hướng công nghệ hóa mạnh mẽ. Ông nói: “Tận dụng lợi thế thể thao điện tử, qua đó chúng tôi đưa cuộc sống thực tại vào thế giới ảo, đưa thế giới ảo ra cuộc sống thực tại. Chúng tôi đầu tư nhiều hơn vào đồ họa, kết hợp các thứ lại với nhau”.

Yếu tố cơ bản thứ hai là áp dụng các biện pháp kiểm soát kinh tế, đưa ra các quy tắc làm sao CLB phải có tính bền vững. Từ ông bầu, chủ tịch, giám đốc điều hành phải cùng vận động để tạo ra nguồn sống cho CLB, phải có nền móng vững chắc, kiểm soát doanh thu. Nếu một CLB có khoản nợ lớn, nợ lương cầu thủ... thì rất khó duy trì.

Yếu tố cuối cùng là xây dựng chất lượng các cầu thủ nội địa. Cầu thủ nước ngoài chỉ theo dạng bổ sung và phải xây chắc nền tảng cầu thủ nội địa mới tính đến phương án này.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế thể thao 2024, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cho biết: “Dưới góc độ liên quan đến chính sách, ngành thể thao vẫn còn một số vướng mắc. Ủy ban Olympic Việt Nam, các liên đoàn, hiệp hội chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, chưa năng động kêu gọi, chưa tạo ra được sự kiện, giá trị của bản thân để thu hút nguồn tài trợ. Chỉ có một số liên đoàn kêu gọi được nguồn xã hội hóa trong đào tạo, tuyển chọn vận động viên thi đấu nước ngoài. Còn lại, đa phần các liên đoàn chỉ dừng ở mức kêu gọi nguồn xã hội hóa cho một vài hoạt động tổ chức sự kiện nhỏ lẻ. Đây cũng là điều tốt nhưng quan trọng vẫn phải là tìm kiếm nguồn đầu tư xã hội hóa để đào tạo vận động viên”.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao nhấn mạnh, một năm có khoảng gần 2.500 giải thể thao, trong đó, ngành thể thao cần tham dự ít nhất 700 giải, nhưng ngân sách trung ương chỉ đảm bảo 170 giải và nguồn còn lại từ ngân sách địa phương và xã hội hóa. Rõ ràng, các liên đoàn, hiệp hội chưa phối hợp tối đa, dù có chia sẻ nhưng chưa đóng tỉ trọng lớn, cần có sự tăng cường và giải pháp rõ ràng.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dien-dan-kinh-te-the-thao-2024-huong-den-su-tu-chu-i748039/