Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2025: 'Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai Việt'
Với chủ đề 'Kiến tạo tương lai' Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) năm 2025, vòng địa phương cụm miền núi Đông bắc bộ (gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn) được coi là hoạt động trọng điểm.
Ngày 13/7, tại Lạng Sơn, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông Bắc Bộ (Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn) với chủ đề “à Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai Việt”.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông Bắc Bộ với chủ đề “Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai Việt”.
Diễn đàn là hoạt động trọng điểm hưởng ứng các Nghị quyết số 57/NQ-TW, Nghị quyết số 59/NQ-TW, Nghị quyết số 66/NQ-TW và Nghị quyết số 68/NQ-TW, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Phiên đối thoại địa phương tại Lạng Sơn được tổ chức toàn diện hơn về quy mô và nội dung, hướng tới xây dựng hệ sinh thái đối thoại chính sách minh bạch, hiệu quả, phản ánh thực chất tiếng nói từ doanh nghiệp tư nhân.
Với chủ đề “Kiến tạo tương lai” Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) năm 2025, vòng địa phương cụm miền núi Đông bắc bộ (gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn) được coi là hoạt động trọng điểm nhằm hưởng ứng "bộ tứ trụ cột" định hướng chiến lược gồm Nghị quyết số 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68, với mục tiêu đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Ông La Giang Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn, Cụm trưởng Cụm miền núi Đông Bắc Bộ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Duy Chiến).
Phát biểu khai mạc, anh La Giang Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn, cụm trưởng Cụm Đông Bắc nhấn mạnh, khu vực miền núi giàu tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp bản địa, du lịch văn hóa - sinh thái, nhưng cần cơ chế linh hoạt, chính sách phù hợp và đội ngũ doanh nhân dấn thân để bứt phá.
Diễn đàn được triển khai theo mô hình ba vòng đối thoại: cấp địa phương, cấp bộ ngành và cấp cao, kết nối trực tiếp doanh nghiệp với hệ thống hoạch định chính sách. Với mạng lưới Hội Doanh nhân trẻ tại 34 tỉnh, thành và hơn 20.000 hội viên, mô hình này tạo nền tảng vững chắc để phản ánh trung thực thực tiễn kinh doanh, kiến tạo hệ sinh thái hành động - phản biện - đề xuất sâu sát.
Tại Diễn đàn, đại diện các Hội Doanh nhân trẻ địa phương tập trung thảo luận các vấn đề: phát triển logistics và công nghiệp chế biến gắn với tài nguyên bản địa; tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ; tận dụng chuyển đổi số ở vùng sâu vùng xa; liên kết phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng… Nhiều ý kiến tâm huyết được hiến kế để miền núi không bị “bỏ lại phía sau” trong tiến trình số hóa và hội nhập.
Nhiều ý kiến thảo luận tại diễn đàn cũng thẳng thắn nhìn nhận doanh nghiệp cần thay đổi để thích nghi. Ông Nguyễn Vũ Linh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang thừa nhận vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp né thuế, khai sai hải quan, chuyển giá, gian lận thương mại, chưa tuân thủ luật lao động. Theo ông, điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm tổn hại đến văn hóa kinh doanh Việt. Doanh nhân trẻ cần đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch.

Đại diện lãnh đạo Sở, Ban ngành, đoàn thể trung ương, địa phương tham gia Diễn đàn.
Để làm được điều này, Hội Doanh nhân trẻ các địa phương đề xuất Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo về quản trị, chuyển đổi số, kết nối doanh nghiệp. Đồng thời, kỳ vọng chính quyền địa phương, vốn đã được phân cấp mạnh cần phát huy vai trò năng động, sáng tạo trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Vòng đối thoại cấp địa phương sẽ tiếp tục triển khai tại các cụm kinh tế trọng điểm. Toàn bộ kiến nghị, sáng kiến từ khu vực Đông Bắc sẽ được tổng hợp vào Sách trắng Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025, trình tại phiên cấp Chính phủ vào tháng 9 tới.