Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 4: Cần những giải pháp đột phá
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp nêu nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, đòi hỏi chính sách đủ mạnh để tháo gỡ, hỗ trợ
GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Tháo điểm nghẽn thể chế
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới mức 2 con số trong giai đoạn tiếp theo là có cơ sở vì Việt Nam đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh như những năm 2016-2019. Bên cạnh động lực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các dự án luật được thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển.
PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Bất động sản đang phục hồi từ đáy
Năm 2024 là một năm đầy bất thường đối với thế giới, trong khi Việt Nam có sự "khác thường" theo hướng tích cực mạnh mẽ hơn, dù hàm ý tiêu cực cũng không thể phủ nhận.
Những tín hiệu từ Mỹ cũng là lời cảnh báo cho Việt Nam. Tại sao Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều trong khi khu vực nội địa lại yếu? Điều này đòi hỏi phải nhận diện đúng bản chất để đưa ra giải pháp phù hợp, nhất là với các ngành chế biến, công nghiệp và nông nghiệp.
Về bất động sản, thị trường này đang bước vào giai đoạn phục hồi từ đáy, với giao dịch trong quý III/2024 tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Sự hồi phục của bất động sản có khả năng tạo niềm tin mạnh mẽ cho thị trường. Nguồn vốn cũng bắt đầu chảy vào lĩnh vực này khi tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp tăng lên đáng kể.
Ông ĐỖ NGỌC HƯNG - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ:
Cơ hội hưởng lợi từ chính sách mới của Mỹ
Các chính sách mới của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể là quan điểm muốn giảm thâm hụt thương mại về phía Mỹ.
Với kế hoạch áp thuế hàng hóa nhập khẩu 10% của chính quyền tân Tổng thống Mỹ, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách này áp dụng đồng thời với các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, dự báo chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới sẽ dịch chuyển và Việt Nam có thể hưởng lợi.
Ông BÙI TRUNG THƯỚNG, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ:
Thị trường Ấn Độ bị bỏ quên
Ấn Độ có dân số đứng đầu thế giới và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, có khả năng trở thành một siêu cường kinh tế trong tương lai.
Ấn Độ xuất siêu sang Mỹ nhưng lại nhập siêu từ hầu hết các nước khác. Nhu cầu của Ấn Độ rất đa dạng - từ khách hàng có thu nhập thấp, trung bình, cao đến rất cao. Những mặt hàng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm máy móc, thiết bị, điện tử và hàng tiêu dùng. Đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sang Ấn Độ.
Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM:
Tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định
Năm 2025, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, các gói tín dụng hỗ trợ, như gói cho ngành nông thủy sản, đã được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng (sau đó nâng lên thành 140.000 tỉ đồng) dành cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội, tiếp tục mang lại hiệu quả tích cực.
Nhìn chung cả năm 2024, ngành ngân hàng đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Những kết quả này càng đáng ghi nhận trong bối cảnh đồng USD biến động mạnh, các đồng tiền lớn khác mất giá, giá vàng toàn cầu diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và xung đột vũ trang tại một số khu vực vẫn căng thẳng.
Ông ĐỖ HÀ NAM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam:
Doanh nghiệp cà phê rủi ro cao
Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu, với nhiều ngành giữ vị trí hàng đầu như hồ tiêu, cà phê và gạo.
Năm nay, nông dân Việt Nam điều tiết thị trường, doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ. Nông dân biết từ nay đến tháng 4-2025, chỉ có Việt Nam thu hoạch cà phê nên không vội bán, làm giá cà phê tiếp tục tăng - có lúc lên tới 130.000 đồng/kg trong khi giá thành chưa tới 40.000 đồng/kg.
Diễn biến này dẫn đến rủi ro cao cho doanh nghiệp thương mại cà phê, nhiều doanh nghiệp phá sản. Để tồn tại, doanh nghiệp phải đầu tư thêm vào sơ chế, chế biến để tạo thêm nguồn thu từ giá trị gia tăng thay vì chỉ hưởng chênh lệch giá.
Ông TRẦN NHƯ TÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Năm 2025, dệt may có thể tăng trưởng 10%
Năm 2024, ngành dệt may có nhiều khởi sắc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỉ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Những kết quả đạt được trong năm 2024 cùng với những chính sách đã được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng trong nhiệm kỳ trước cho thấy trên lý thuyết, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 khoảng 10%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47 - 48 tỉ USD là khả thi.
Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Tin tưởng nền kinh tế đạt nhiều dấu ấn nổi bật
Năm 2024 là một năm đầy biến động song nền kinh tế Việt Nam vẫn vươn lên mạnh mẽ đáng ghi nhận, mang lại hy vọng cho chặng đường phía trước.
Sau 3 giờ diễn ra, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ 4: Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới đã ghi nhận nhiều ý kiến giá trị từ các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, khơi mở những vấn đề hữu ích cho nền kinh tế Việt Nam. Khép lại diễn đàn, chúng ta hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ từng bước vượt qua thách thức, phát triển bền vững và mạnh mẽ trong tương lai.