Diễn đàn kinh tế-xã hội 2023: Bám sát thực tiễn gỡ khó cho doanh nghiệp
Nhiều ý kiến được Diễn đàn quan tâm đến động thái mới nhằm hoàn thiện thể chế, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có những nguồn lực tốt nhất để phát triển.
Diễn đàn kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đang diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia. Nhiều ý kiến đánh giá, Diễn đàn lần này có nội dung phong phú, bám sát thực tiễn và những giải pháp đưa ra rất phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương đang tháo gỡ nhiều vướng mắc cho thị trường bất động sản. Trong Diễn đàn sáng nay, Quốc hội tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm hoàn thiện thể chế, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có những nguồn lực tốt nhất để phát triển.
“Chủ tịch Quốc hội đã gửi đi Thông điệp, đó là phát huy năng lực nội sinh, đây cũng chính là vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất. HoREA rất hoan nghênh bài phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong bối cảnh các DN bất động sản đang tái cơ cấu, tái cấu trúc đầu tư. Các DN bất động sản mong Quốc hội sẽ sớm thông qua Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật các tổ chức tín dụng để có sự đồng bộ giữa các quy định của pháp luật, từ đó tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cho thị trường bất động sản”, ông Châu bày tỏ.
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nước ta có nhiều tiềm năng cần được khơi dậy để phát triển bứt phá. Việc khai thác nội lực là rất quan trọng, nên vẫn đề này đã được Quốc hội xác định và có những chính sách cụ thể để phát huy tiềm năng này trong thời gian tới.
“Những tiềm năng về con người, khoa học công nghệ và nhất là dân số Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, là những năng lực để tạo động lực phát triển bền vững. Chủ đề về tăng cường năng lực nội sinh để khơi dậy nguồn lực bên trong, kết nối với đà phát triển, xu thế của thế giới giúp Việt Nam kết nối vào, tạo ra vị thế của quốc gia trong chuối kinh tế toàn cầu”, ông Cường nói.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, những ý kiến tại diễn đàn đã gợi mở nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, những chính sách cần được ban hành kịp thời và thực hiện có hiệu quả.
“Chính phủ phải giúp doanh nghiệp giảm chi phí cụ thể và thiết thực như giảm thuế, giảm phí, những gì miễn và giảm được hãy miễn giảm cho doanh nghiệp. Đừng đặt ra mục tiêu tăng thu ngân sách, mà lúc này phải tính tới chi ngân sách. Ngân sách phải chi nhiều hơn để người dân mua hàng. Tăng đầu tư để người dân có công ăn việc làm, có thu nhập, người dân có thu nhập mới có thể đi mua hàng là vòng khép kín”, TS. Nguyễn Đình Cung đưa ra giải pháp khả thi.