Diễn đàn liên chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12

Chiều 28/10, tại Hà Nội đã chính thức khai mạc Diễn đàn liên chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST 12) do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn phát biểu tại diễn đàn EST 12.

Diễn đàn kéo dài đến ngày 31/10 với chủ đề: “Tiến tới thành phố thông minh với khả năng thích ứng thông qua hệ thống Giao thông vận tải thông minh và phát thải các -bon thấp”.

Nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Diễn đàn EST là nơi diễn ra các cuộc đối thoại chính sách, bàn luận về chiến lược nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến cách thực tiễn tốt nhất, các công cụ chính sách, kỹ thuật liên quan đến giao thông bền vững giữa các quốc gia châu Á. Tại Diễn đàn EST 12 lần này sẽ có 15 sự kiện chính và chương trình đi khảo sát kỹ thuật về thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 31/10.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn EST12 năm 2019 thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc trong nỗ lực chung phát triển Giao thông vận tải bền vững về môi trường và cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác Giao thông vận tải... Bên cạnh đó, Diễn đàn này cũng là cơ hội để truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Các nội dung chính của Diễn đàn EST 12 gồm: Thảo luận các chính sách về Giao thông vận tải bền vững với môi trường; tích hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị; phát triển dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông bền vững; ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; các giải pháp về thể chế, cơ chế tài chính mới và mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn, thông minh, thích ứng và phát triển bền vững.

Giảm ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị thông qua việc xác định và thảo luận các cơ hội và thách thức phát triển hệ thống Giao thông vận tải phát thải các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm như: Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch cho xe ôtô, xe mô tô, xe gắn máy; nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới; phát triển hạ tầng giao thông cho người đi xe đạp, người đi bộ tại các đô thị...

Nâng cấp các dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thêm các lựa chọn về an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị; tối ưu hóa mạng lưới đường bộ và quản lý các điểm dừng đỗ tại đô thị; phát triển thành phố và cộng đồng theo hướng giao thông an toàn và thuận tiện.

Thảo luận cách thức để các quốc gia châu Á có thể đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu phát triển bền vững 11 (SDGs 11) thông qua việc thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Mạng Internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin truyền thông, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), dữ liệu lớn (big data), các ứng dụng dịch tự động, các mạng lưới cảm biến và vận tải các-bon thấp.

Cùng đó, Diễn đàn sẽ điều phối thảo luận giữa Chính phủ, khối tư nhân và các đối tác tài trợ để khai thác các cơ hội đầu tư tiềm năng phát triển giao thông vận tải bền vững. Rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các chương trình, sáng kiến, đề xuất và thành tựu của các quốc gia, các bài học thực tiễn trong Tuyên bố Bangkok (2010-2020). Thảo luận về chiến lược tiếp tục triển khai Tuyên bố Bangkok 2020 cho đến năm 2030 song hành với việc thay đổi diện mạo giao thông đô thị tại châu Á và phù hợp với Chương trình Phát triển bền vững/ Mục tiêu Phát triển bền vững 2030. Diễn đàn được kỳ vọng thúc đẩy phát triển Giao thông vận tải xanh, sạch mà nhiều quốc gia hướng tới.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Riêng về hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt là các công trình trọng điểm, mang tính kết nối đồng bộ đã được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc tổ chức giao thông có nhiều đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần cải thiện giao thông đô thị, bảo đảm an toàn, giảm ùn tắc. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 1990-2000, lượng khí thải nhà kính tại Việt Nam liên tục tăng, từ mức hơn 21 triệu tấn khí thải CO2 năm 1990 lên 150 triệu tấn CO2 năm 2000 và dự tính tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2020. Loại khí phát thải từ hoạt động sử dụng năng lượng các tòa nhà, sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, giao thông vận tải, chất thải.

Việc gia tăng rõ rệt nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với tốc độ đô thị hóa nhanh cơ sở hạ tầng và gia tăng phương tiện giao thông vận tải. Nghiên cứu về giám sát phát thải khí nhà kính tại TP Hồ Chí Minh do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố cho biết, lượng khí thải trong năm 2013 của thành phố này khoảng 38,5 triệu tấn CO2, chiếm 16% lượng phát thải quốc gia. Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

“Việt Nam cam kết với quốc tế về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính theo Công ước khung về chống biến đổi khí hậu. Sắp tới, trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa ra các chương trình hành động cụ thể để triển khai cắt giảm khí thải nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải, thúc đẩy phát triển giao thông vận tải xanh, sạch”.

Cũng theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, lĩnh vực giao thông, nhất là tại các đô thị, đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: Ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu phương thức vận tải hiện đại số lượng lớn, thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ thấp, chậm ứng dụng công nghệ tự động, thông minh vào điều hành, quản lý giao thông đô thị…

Thực tế này gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các thành phố và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 60.000 trường hợp tử vong do bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. “Hà Nội có 41 điểm tắc nghẽn và tiềm năng tắc nghẽn giao thông, việc này theo tính toán sẽ gây mất khoảng 1 tỷ USD hàng năm. TP Hồ Chí Minh có khoảng 37 điểm rủi ro về tắc nghẽn giao thông và dự tính mất khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm”, thông cáo năm 2016 của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP) đánh giá về góc độ kinh tế.

Theo các chuyên gia, tổ chức hệ thống giao thông đô thị thông minh và xanh, sạch đang là vấn đề quan trọng được đặt ra, để bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Không khí sạch là yêu cầu cơ bản cho sức khỏe và hạnh phúc của con người. Các mục tiêu của giao thông xanh, sạch không chỉ giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tiêu thụ không gian mà còn giảm nghèo và hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế. Giao thông xanh, sạch hỗ trợ cho hai trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế và xã hội.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về diễn đàn này.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/dien-dan-lien-chinh-phu-ve-giao-thong-van-tai-ben-vung-moi-truong-khu-vuc-chau-a-lan-thu-12.html