Diễn đàn Mekong lần thứ 2: Thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức khu vực

Ngày 27/9, Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao cùng Tổ chức Konrad Adenauer Stiftung (KAS), đã đồng chủ trì Diễn đàn Mekong lần thứ 2.

Toàn cảnh Diễn đàn Mekong lần 2 ngày 27/9. (Ảnh: Đăng Tô)

Toàn cảnh Diễn đàn Mekong lần 2 ngày 27/9. (Ảnh: Đăng Tô)

Hiện nay, vấn đề Mekong ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, gắn với các vấn đề an ninh, phát triển và các nước láng giềng quan trọng hàng đầu của Việt Nam, gồm cả các nước thành viên ASEAN.

Do đó, Diễn đàn Mekong lần này tập trung thảo luận vấn đề phát huy vai trò trung tâm của ASEAN nhằm tìm ra giải pháp cho các thách thức của tiểu vùng; các bước đi thực tế để thúc đẩy đồng thuận ASEAN đối với các vấn đề tại tiểu vùng Mekong.

Tọa đàm được điều phối bởi Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao với diễn giả chính là Đại sứ Bilahari Kausikan, Chủ tịch Viện Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore. Ngoài ra, trong phiên thảo luận còn có sự tham gia của TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam và TS. Lê Thu Hương từ Trung tâm USAsia Perth (Australia).

Ngoài ra, Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều chính khách, đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các nhà báo, học giả nghiên cứu tiểu vùng Mekong.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Mekong lần thứ 2, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, đề cập thực trạng hiện nay của tiểu vùng sông Mekong, từ đó dẫn tới hệ quả là an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và vấn đề bảo vệ môi trường đang bị đe dọa trầm trọng.

Theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, cần ưu tiên sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế cũng như từng quốc gia thành viên của ASEAN, tận dụng tối đa lợi thế của địa chính trị, cần xác định rõ lợi ích các bên để cùng có một cơ chế giải quyết hiệu quả.

Đại diện cho Tổ chức KAS, Phó Đại sứ Đức Simon Kreye có bài phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa của diễn đàn và bày tỏ mong muốn có thể cùng các chuyên gia bàn luận cách phát huy vai trò quan trọng của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức trong khu vực.

Trong phần thảo luận vấn đề chính, Đại sứ Bilahari Kausikan, Viện trưởng Viện Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, bên cạnh trọng tâm cạnh tranh Mỹ-Trung, xung đột Nga-Ukraine đã có tác động không nhỏ tới quá trình các nước ASEAN tập trung giải quyết các vấn đề khu vực. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng tại Biển Đông đã khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một điểm nóng khu vực, tạo nên mâu thuẫn ở nhiều cấp độ với các nước có tranh chấp với Trung Quốc.

Đại sứ Bilahari Kausikan, Viện trưởng Viện Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: KAS)

Đại sứ Bilahari Kausikan, Viện trưởng Viện Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: KAS)

Do đó, để giải quyết vấn đề ở khu vực sông Mekong-Lan Thương, ASEAN cần nhìn nhận đúng đắn các thách thức hiện nay. Theo ông Kausikan, ASEAN vẫn có hai phương tiện cần phát huy tối đa sức mạnh là Hiến chương và quan hệ song phương của các quốc gia trong ASEAN. Việc các nước trong khu vực có quan hệ hợp tác tốt đẹp sẽ giúp làm giảm các xung đột căng thẳng, tạo nên sự hòa bình ổn định trong khu vực.

Đại sứ Bilahari Kausikan cũng cho rằng vấn đề tại tiểu vùng Mekong không chỉ là vấn đề về địa chiến lược mà còn là vấn đề khai thác thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thậm chí là an ninh nguồn nước và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai.

Thay vì chờ đợi, ASEAN nên chủ động tiếp cận vấn đề và tiên phong cùng triển khai các giải pháp, đồng thời chủ động có cơ chế can thiệp và giải quyết. Đại sứ tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành nước tiên phong trong nỗ lực này.

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. (Nguồn KAS)

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. (Nguồn KAS)

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Lê Thu Hương khái quát bức tranh toàn cảnh về các vấn đề tại khu vực, và nêu bật một vấn đề quan trọng khác của tiểu vùng, đó là an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Diễn giả cho rằng tiểu vùng đang chứng kiến sự tham gia của nhiều bên với những vai trò khác nhau, trong đó có các nước ASEAN và các đối tác đối thoại. Trong đó, Việt Nam có thể trở thành nhân tố quan trọng và sẵn sàng để làm điều đó.

Đề cập đến tầm quan trọng của việc hợp tác để thực hiện các mục tiêu phát triển, theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, ASEAN nên nhận thức được vai trò của hợp tác tiểu vùng đối với an ninh khu vực trong bối cảnh các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Phiên thảo luận và hỏi đáp diễn ra sôi nổi với phần bình luận chuyên sâu của Đại sứ Đoàn Xuân Hưng. (Nguồn: KAS)

Phiên thảo luận và hỏi đáp diễn ra sôi nổi với phần bình luận chuyên sâu của Đại sứ Đoàn Xuân Hưng. (Nguồn: KAS)

Trong phiên thảo luận và hỏi đáp, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã đưa ra những bình luận có tính chất gợi mở về một số vấn đề lớn mà Diễn đàn đề cập, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các thách thức tại tiểu vùng Mekong.

Theo Đại sứ, khu vực Mekong đang đối mặt với rất nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, các diễn biến địa chính trị phức tạp trong khu vực và quốc tế, và tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới đời sống kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia.

Đại sứ cho rằng việc có nhiều cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong là điểm thuận lợi, song nếu các cơ chế này không được kiểm soát một cách đúng đắn thì sẽ trở thành rào cản cho việc xử lý các vấn đề tại khu vực.

Cũng theo Đại sứ, Trung Quốc là một chủ thể có vai trò quan trọng tại tiểu vùng, vì vậy, cần tìm cách thu hút Trung Quốc tham gia vào hợp tác tại khu vực, qua đó không chỉ mang lại lợi ích cho khu vực mà còn giúp cho sự phát triển của chính Trung Quốc.

Một số hình ảnh khác tại Diễn đàn:

Các đại biểu trao đổi trước khi khai mạc Diễn đàn. (Nguồn: KAS)

Các đại biểu trao đổi trước khi khai mạc Diễn đàn. (Nguồn: KAS)

Diễn đàn là nơi thể hiện các quan điểm chuyên sâu, toàn diện về thách thức tại tiểu vùng Mekong. (Nguồn: KAS)

Diễn đàn là nơi thể hiện các quan điểm chuyên sâu, toàn diện về thách thức tại tiểu vùng Mekong. (Nguồn: KAS)

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau khi bế mạc Diễn đàn. (Nguồn: KAS)

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm sau khi bế mạc Diễn đàn. (Nguồn: KAS)

Trước đó, ngày 19/1, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong nước, các học giả quốc tế nghiên cứu về tiểu vùng Mekong, tổ chức thành công Diễn đàn Mekong lần thứ nhất với chủ đề: “Sự thay đổi bối cảnh địa chính trị ở tiểu vùng Mekong và những vấn đề đặt ra với các nước trong tiểu vùng”.

Diễn đàn Mekong được các đại biểu đánh giá là hoạt động mang tính cấp thiết, kịp thời để các bên liên quan cùng chia sẻ các nhìn nhận, đánh giá để đi sâu vào các vấn đề, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các nước thuộc tiểu vùng.

Thanh Xuân, Đăng Tô

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-dan-mekong-lan-thu-2-thuc-day-vai-tro-trung-tam-cua-asean-trong-viec-giai-quyet-cac-thach-thuc-khu-vuc-199993.html