DIỄN ĐÀN NGƯỜI LAO ĐỘNG 2023: XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH, TIẾN BỘ VÀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Tại Diễn đàn Người Lao động lần đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội với chủ đề 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn', dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều ý kiến mong Quốc hội và Chính phủ có giải pháp đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động cùng với đó là quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người lao động và hoạt động của thiết chế công đoàn.
Cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị để bảo đảm chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 12, Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngoãn, theo quy định của pháp luật thì Công đoàn có quyền tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Trên thực tế, để triển khai được hoạt động giám sát đối với Công đoàn đều phải có sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng có liên quan. Mặt khác, theo quy định của Đảng, Công đoàn có quyền chủ trì, độc lập, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi của công nhân, đoàn viên, người lao động. Đối với nhiều trường hợp, có những trường hợp công đoàn cấp trên phát hiện ra chủ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật với người lao động, tuy nhiên nếu chờ sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng đôi khi còn chậm và có thể dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động hoặc ngừng việc tập thể. Để hoạt động giám sát được tốt hơn, khi sửa đổi Luật Công đoàn lần này, đề nghị Quốc hội quy định rõ cho phép Công đoàn có thể độc lập giám sát đối với các hoạt động giám sát và theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ công đoàn cơ sở của Công ty TNHH KSD VINA khu công nghiệp Điềm Thụy tỉnh Thái Nguyên Vi Thị Huyền phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người lao động còn rất nghèo nàn, còn hạn chế; đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện đảm bảo hạ tầng xã hội gần với doanh nghiệp và có đầy đủ trường học, cơ sở y tế và các thiết chế văn hóa xã hội dành cho người lao động.
Trao đổi về vấn đề sửa đổi Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Điều 10 của Hiến pháp quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát. Luật Công đoàn cũng đã cụ thể hóa quy định này. Tuy nhiên, thời điểm ban hành Luật Công đoàn cũng đúng thời điểm có Quy định 2018 của Bộ Chính trị liên quan đến quyền tham gia giám sát và phản biện của các tổ chính trị mặt trận và tổ chức chính trị xã hội và trong đó có tổ chức công đoàn. Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội được độc lập để giám sát những vấn đề liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên của mình. Như vậy hiện nay giữa quy định của pháp luật và quy định của Đảng có sự khác nhau. Theo quy định của pháp luật, các tổ chức chính trị xã hội chỉ được phép tham gia do Mặt trận Tổ quốc chủ trì. Trong khi theo quy định của Đảng các tổ chức chính trị xã hội được phép giám sát độc lập.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết hiện nay trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động đang tiếp cận theo hướng sẽ thể chế hóa quy định của Đảng thành quy định trong pháp luật để Công đoàn tổ chức triển khai thực hiện giám sát độc lập và chủ động. Thực tiễn cho thấy việc chủ động và độc lập sẽ đáp ứng được yêu cầu hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, tranh chấp lao động tập thể và đình công ở các doanh nghiệp.
Về thiết chế của công đoàn và điều kiện vui chơi giải trí cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết những năm qua bên cạnh việc chăm lo vật chất, tổ chức công đoàn đã rất chú trọng đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động bằng nhiều hoạt động, đặc biệt từ khi có Chỉ thị 52 của Ban Bí thư.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ riêng công đoàn không thể làm được. Nhân Diễn đàn Người Lao động 2023, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ mong Quốc hội, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quan tâm, tham mưu, đề xuất để có được những điều kiện để chăm lo cho người lao động tốt hơn. Theo đó, khi tổ chức quy hoạch các khu dân cư, các khu chung cư cho công nhân kèm theo đó phải bao gồm các yếu tố trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi vui chơi, giải trí, thậm chí cả công viên.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, hướng tới công nhân của thế kỷ 21 cần phải được thụ hưởng những đời sống tinh thần tốt hơn. Đây chính là động lực để công nhân lao động làm việc tốt hơn và xây dựng được giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Phấn đấu là quốc gia tiên phong về chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về chính sách an sinh xã hội, Việt Nam phấn đấu đến 2030 sẽ là một trong các quốc gia tiên phong về chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng. Để thực hiện mục tiêu này, dự kiến lựa chọn 3 khâu đột phá liên quan nhiều đến vấn đề xã hội, trong đó có liên quan công nhân.
Thứ nhất, sẽ tạo thị trường lao động ổn định, trọng tâm sinh kế và việc làm bền vững.
Thứ hai, tập trung vào những thiết chế tối thiểu về y tế, giáo dục đáp ứng yêu cầu của một quốc gia thu nhập trung bình cao.
Thứ ba, tập trung vào phát triển hệ thống nhà ở; phấn đấu đến năm 2025 sẽ xóa khoảng 100.000 căn nhà nghèo, năm 2030 phấn đấu giải tỏa và xử lý xong tất cả các nhà tạm khu vực nông thôn; tập trung hỗ trợ xây dựng khoảng 1 triệu căn hộ cho công nhân.
Sẽ báo cáo Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6
Công nhân H'CHUYÊN NIÊ, Nông trường cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk nêu rõ vấn đề lương được tất cả đoàn viên, người lao động quan tâm. Trong những năm vừa qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên trong thực tế lương chưa được tăng thì giá cả đã tăng. Gần đây, giá thịt lợn, nhiều loại mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng với mức sống tối thiểu của người lao động. Đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát, hỗ trợ phụ cấp cho công nhân đang không có lương, có giải pháp tiếp tục cải thiện lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mức lương tối thiểu vùng.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian 3 năm COVID-19 khu vực công chức, viên chức không tăng nhưng Nhà nước vẫn quan tâm dành cho 3 đối tượng được tăng lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng là đối với khu vực công nhân và người lao động. Hai đối tượng được điều chỉnh trợ cấp xã hội là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.
Thời gian tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp để nghe báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý lao động, tổ chức người lao động để xem xét, đánh giá thực trạng tình hình, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình lao động, thu nhập, tốc độ tăng trưởng…để có tính toán việc có điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2023 hay không và nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc xem xét quyết định phương án sẽ được đánh giá một cách căn bản, căn cơ, bài bản với tinh thần hài hòa nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn việc làm được.
Thông tin thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất cũng như cải cách tiền lương trong khu vực công sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương khóa XII. Quốc hội đã có nhiều lần có nghị quyết đối với vấn đề này. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã có Nghị quyết giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương, bao gồm cả khu vực công và khu vực tư tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) để Quốc hội xem xét lộ trình, cân đối các nguồn lực.
Trong khi chưa cải cách căn bản được tiền lương, hàng năm đều xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc đảm bảo được mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình, đồng thời dựa trên cơ sở năng suất lao động, chỉ số lạm phát CPI. Trong đó, quán triệt tinh thần giải quyết hài hòa, ổn định, tiến bộ trong quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Vì tiền lương là thu nhập của người lao động nhưng cũng lại là chi phí của doanh nghiệp. Nếu chi phí đầu vào quá cao mà doanh nghiệp không sống nổi thì bản thân người lao động cũng không có cơ hội có việc làm, chưa nói đến có tiền lương. Đây là vấn đề trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đo đó phải có hiệp thương mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cùng với các cơ quan hữu quan để báo cáo Hội đồng chính sách cải cách tiền lương, xem xét trình với Chính phủ quyết định hàng năm, Việc này là thẩm quyền Chính phủ. Trong quá trình này, Ủy ban Xã hội và các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ phối hợp và tăng cường công tác giám sát, có ý kiến để có một quyết định là phù hợp nhất.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78496