Diễn đàn 'Văn hóa với Doanh nghiệp': Thương hiệu mạnh phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa vững chắc
Với chủ đề 'Chấn hưng văn hóa- Nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững', Diễn đàn quốc gia thường niên 'Văn hóa với Doanh nghiệp' do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức đã diễn ra sáng 3-12 tại Hà Nội.
Dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng BTC triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” Hồ Anh Tuấn cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành.
Diễn đàn được tổ chức nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Đây còn là một diễn đàn mở, nơi các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. Và trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng.
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường...
Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Những gì các doanh nghiệp và doanh nhân đóng góp cho đất nước là điều rất tự hào.
Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh. Chính vì vậy, Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tin tưởng rằng, sau diễn đàn “Văn hóa với Doanh nghiệp”, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhận thức toàn diện hơn về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.
Nhấn mạnh yếu tố đặc sắc khác biệt
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh yếu tố khác biệt: “Doanh nhân Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Để có sự thành công vượt trội, chúng ta cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đặc sắc và khác biệt”.
Cũng theo ông Lê Viết Hải, khi doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu thì cần phải có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế. Đó là những tiêu chí xem xét về đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thế giới cũng như việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả thì cho rằng, cần mang theo hành trang khát vọng vươn lên, mong mỏi đóng góp điều lớn lao cho doanh nghiệp và xã hội, khẳng định niềm tự hào, tự tôn của dân tộc. Để làm được điều đó, yếu tố văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp cần được thổi vào từng cán bộ, nhân viên và tạo thành sức phát triển cho tập đoàn.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Văn Tiến Thanh cũng cho biết, lãnh đạo Công ty không chỉ quan tâm đến mũi nhọn phát triển kinh tế mà đặc biệt xem văn hóa doanh nghiệp là nền tảng phát triển bền vững. Từ năm 2016, doanh nghiệp này đã triển khai bài bản xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó chú trọng phát triển văn hóa bản sắc của doanh nghiệp. “Khát vọng, Trí tuệ, Chuyên nghiệp, Nghĩa tình” là những giá trị cốt lõi.
Luôn tạo ra những con đường mới để đi tiên phong là yếu tố riêng biệt của TH Group. Bà Trần Thị Quyên, Giám đốc Nhân sự TH Group cho biết, trên những con đường đó, TH Group luôn cố gắng tạo nên những giá trị cốt lõi đẹp đẽ, từ đó có thể thấm vào người lao động. Việc thực thi để văn hóa doanh nghiệp ngấm vào mỗi người lao động, từ những khẩu hiệu, đến hệ thống và mô thức tư duy của doanh nghiệp, niềm tin và nề nếp làm việc của doanh nghiệp đều được chú trọng. “Chúng tôi quan niệm, những giá trị mà doanh nghiệp muốn đưa đến khách hàng thì cũng cần đưa đến cho nhân viên của mình. Giá trị cốt lõi của chúng tôi là Vì hạnh phúc đích thực…”, bà Quyên nói.