Điên đầu vì cuộc gọi làm phiền
Thời gian gần đây, vấn nạn 'khủng bố' điện thoại (tin nhắn, cuộc gọi) lại có chiều hướng gia tăng, dù các nhà mạng đã cam kết không để tái diễn. Dư luận băn khoăn: Vì sao các loại sim rác vẫn hoành hành, quấy nhiễu người dùng điện thoại, trong khi hành lang pháp lý đã đầy đủ, các nhà mạng cũng nhiều lần cam kết không còn sim rác?
Nguyên nhân chính khiến người dùng điện thoại bị sim rác quấy nhiễu là do bị lộ lọt thông tin cá nhân. Mới đây, khi cho ý kiến xây dựng Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường (Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng) than thở: Chỉ vô tình chạm vào một quảng cáo nào đó về mua nhà, ngay ngày hôm đó có 40 - 50 cuộc điện thoại gọi đến, giới thiệu tất cả các dự án. Hay vừa xuống đến cửa sân bay đã có người gọi điện hỏi có đi taxi về không... Vì sao các đối tượng sử dụng sim rác lại có thể “nhanh nhạy” đến mức đáng kinh ngạc như vậy?
Với trường hợp của đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường thì có thể lý giải việc bị lộ lọt thông tin là do click vào quảng cáo. Còn những trường hợp chủ thuê bao khác bị làm phiền khác là do phải khai báo số điện thoại khi mua hàng, làm dịch vụ công... Song có những trường hợp chỉ vừa mới đăng ký, kích hoạt sim điện thoại, chưa kịp sử dụng bất cứ loại dịch vụ nào để phải khai báo số điện thoại, nhưng đã liên tiếp nhận được hàng chục cuộc gọi làm phiền. Người viết bài cũng đã là một trong số nạn nhân bị làm phiền đó.
Đáng nói, không chỉ có các loại sim rác (đa phần là 11 số, thông tin chủ thuê bao “mờ”) mà có khá nhiều thuê bao chính chủ (các đầu số cũ như 091, 097, 098...) cũng không ngần ngại thực hiện các cuộc gọi làm phiền. Có người gọi điện giới thiệu là giáo viên mời cho con tham dự khóa học này, khóa học kia. Có kẻ lại xưng danh là nhân viên ngân hàng mời chào mở thẻ, sử dụng dịch vụ ưu đãi. Lại có kẻ nhân danh nhân viên điện lực, nhân viên hãng máy lọc nước gọi điện “thăm hỏi”... Liên tục nhận được những cuộc gọi như vậy, các chủ thuê bao không điên đầu mới là chuyện lạ.
Trước vấn nạn này, mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công an phối hợp Bộ KH-CN và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến. Với việc vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, dư luận xã hội kỳ vọng trong thời gian tới các chủ thuê bao sẽ không còn phải điên đầu với các tin nhắn, cuộc gọi rác làm phiền, để có thể tập trung làm chuyên môn phát triển kinh tế - xã hội.
Song, nếu không thực sự đưa ra chế tài nghiêm khắc thì rất khó để có thể triệt tiêu, xóa hẳn vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác. Chẳng phải pháp luật đã quy định rất rõ việc các nhà mạng phải xác định thông tin chủ thuê bao khi kích hoạt sim điện thoại hay sao? Điều này có nghĩa tất cả các chủ thuê bao “mờ thông tin” đều phải kiểm tra, dừng cung cấp dịch vụ, thậm chí thu hồi. Vậy thì vì sao trên thị trường, các trang mạng, trên các sàn thương mại điện tử... vẫn công khai chào bán vô số sim rác đã kích hoạt sẵn?
Lẽ đương nhiên có cung ắt có cầu, khi mà sim rác còn được bán tràn lan, dễ dàng sở hữu, thì sẽ có nhiều người mua để sử dụng vào những mục đích không chính đáng, nhắn tin, gọi điện làm phiền chủ thuê bao khác. Pháp luật lại chưa có quy định chế tài cá nhân, tổ chức nhắn tin, gọi điện làm phiền thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm ra sao nên có lý do gì để họ phải sợ mà dừng lại?! Các nhà mạng cũng chưa bị ảnh hưởng quyền lợi “sát sườn” khi mà không tuân thủ quy định của pháp luật thì tại sao họ phải nghiêm túc?
Còn nữa, pháp luật cũng đã nghiêm cấm hành vi mua bán, trao đổi, làm lộ lọt thông tin cá nhân, nhưng tới nay hầu như chưa có cá nhân, tổ chức nào bị truy cứu trách nhiệm, bị phạt hành chính hay xử lý hình sự, vì sao họ phải sợ mà “thu tay” lại? Vậy nên, muốn xóa bỏ hẳn vấn nạn nhắn tin, gọi điện rác quấy nhiễu các chủ thuê bao, cần có giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt kiểm soát không để lộ lọt thông tin cá nhân, đến việc có chế tài nghiêm khắc đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào mua bán, trao đổi dữ liệu cá nhân. Các nhà mạng buộc phải tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý thông tin, nếu không sẽ tạm dừng, thậm chí phải chấm dứt hoạt động. Có vậy, người sử dụng điện thoại mới không còn phải điên đầu với sim rác.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dien-dau-vi-cuoc-goi-lam-phien-10306166.html