Thanh toán thông minh nâng trải nghiệm giao thông hiện đại

Việc xây dựng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông giữa các phương tiện là yêu cầu cấp bách, không chỉ để nâng cao trải nghiệm cho người dân mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển giao thông hiện đại. Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia và nhà quản lý nhấn mạnh tại tọa đàm 'Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại' tổ chức ngày 20/5 tại Hà Nội.

 Đẩy nhanh hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội

Đẩy nhanh hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội

Tạo trải nghiệm thuận tiện hơn cho hành khách

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy và chuyển đổi hướng tới hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt là lĩnh vực giao thông công cộng. Một trong những bước đi quan trọng là việc triển khai hệ thống thẻ vé tự động, đặc biệt là tuyến metro số 01 Bến Thành - Suối Tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên người dân có thể sử dụng các phương tiện thẻ vé khác nhau như thẻ vé tháng, thẻ ngân hàng, tài khoản ví điện tử để sử dụng dịch vụ metro tự động mà không cần thu soát vé thủ công. Qua đó, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các quầy vé, cửa soát vé và tạo ra trải nghiệm thuận tiện hơn cho hành khách.

Không chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố cơ bản đã xây dựng xong các chính sách để phát triển hệ thống thẻ vé thông minh. UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức trên địa bàn bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thời gian thuê dự kiến từ năm 2025 đến năm 2030. Dự kiến đến ngày 2/9/2025, Hà Nội sẽ chính thức khai trương hệ thống thẻ vé liên thông này bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội chia sẻ, mỗi tuyến lại sử dụng một hệ thống riêng biệt. Điều này gây bất tiện cho người dân, đặc biệt là những người mua vé lượt - họ phải đến nhà ga và trực tiếp thanh toán bằng tiền mặt. Thẻ vé của tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội không thể sử dụng lẫn nhau. Người dân không thể dùng thẻ ngân hàng hay VNeID để thanh toán. Vấn đề đặt ra là bao giờ chúng ta có thể liên thông giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau và với cả xe buýt, để người dân không phải dùng tiền mặt mua vé.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, để mở rộng mạng lưới thanh toán, càng nhiều chủ thể tham gia thì hệ thống càng cần được điều phối chặt chẽ. Việc phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng là điều kiện tiên quyết. Hệ thống cần có khả năng tích hợp không chỉ với giao thông công cộng mà cả bãi đỗ xe, cửa hàng. Ngay từ đầu, cần xây dựng bộ quy chuẩn thống nhất, đảm bảo an ninh thông tin và phòng chống gian lận.

Từ góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, NAPAS cũng như toàn bộ ngành Ngân hàng đã theo dõi và coi đó là hướng trọng điểm để hỗ trợ ngành giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng sử dụng những công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngay từ năm 2021, NAPAS đã thí điểm thanh toán thẻ ngân hàng thông qua hệ thống giao thông công cộng của Vinbus ở Hà Nội, sau đó đã thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho những vé ra vào, vé đỗ xe ở các cảng hàng không kết hợp cùng công ty iPay. Vừa qua, NAPAS phối hợp với các ngân hàng, tổ chức quốc tế triển khai kết nối thẻ ngân hàng, thẻ nội địa NAPAS và các thẻ quốc tế để thanh toán vé tự động của hệ thống Metro số 1 TP. Hồ Chí Minh. Người dân Việt Nam và du khách quốc tế đều có thể dùng thẻ ngân hàng để đi metro.

Ngành ngân hàng nói chung, NAPAS nói riêng đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng cơ sở kỹ thuật, nghiệp vụ, sản phẩm để khi ngành giao thông có nhu cầu, sẽ tạo thành hệ thống liên thông mở giữa thẻ vé soát vé tự động của các phương tiện giao thông công cộng với hệ thống thẻ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng. Trên cơ sở đó, NAPAS hoàn toàn có thể triển khai trong thời gian rất ngắn.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Long vẫn khẳng định: "Chúng ta có thể học hỏi các quốc gia đi trước để rút ngắn quá trình triển khai, không nên phát triển những hệ thống đóng, riêng lẻ mà cần hướng tới một hệ thống mở, mang tính liên thông cao. Mục tiêu là đến ngày 2/9 sẽ có hệ thống hiện đại, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý thẻ vé giao thông hiệu quả".

Các khách mời tham dự Tọa đàm

Các khách mời tham dự Tọa đàm

Hướng tới hệ thống mở, liên thông cao

Từ kinh nghiệm tại Nhật Bản ông Satoru Horiuchi, Tổng giám đốc Công ty Tokyo Metro Việt Nam gợi ý, Công ty này đã áp dụng hệ thống thu tiền vé tự động (AFC) để nâng cao sự thuận tiện cho hành khách cũng như công tác quản lý và vận hành. Hệ thống AFC có 3 điểm đáng chú ý, một là tính hiệu quả và minh bạch trong vận hành.

Theo đó, hệ thống này giúp việc đi tàu trở nên thuận tiện nên hiệu suất vận tải được nhân lên, áp lực công việc của nhân viên thu phí được giảm bớt. Đồng thời, tránh được việc bỏ sót thu phí và những hành vi gian lận, quản lý việc thu phí theo thời gian thực bằng việc số hóa dữ liệu doanh thu. Hệ thống giúp tăng tính thuận tiện cho người sử dụng; hoàn thiện hạ tầng nhằm tối ưu sự thuận tiện của phương tiện giao thông công cộng, qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần tăng số lượng người sử dụng lâu dài. Đồng thời giúp cải thiện chính sách về giao thông và kế hoạch vận hành. Dựa trên số liệu sử dụng có thể nắm được tình hình vận hành các tuyến và khung giờ đông đúc, điều chỉnh giờ chạy tàu, thiết kế các tuyến đường sắt và xem xét chiến lược cấp phí, từ đó góp phần xây dựng cơ chế vận hành tốt hơn.

Tuy vậy, thách thức không nằm ở công nghệ mà ở việc thay đổi thói quen người dân, nhất là người cao tuổi - đối tượng vốn không quen sử dụng thẻ điện tử hay các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, nên không thể giao hoàn toàn cho doanh nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính và chính sách phù hợp để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Dẫu còn nhiều khó khăn, song ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, việc liên thông là khả thi. Chúng ta hoàn toàn làm được cả về công nghệ lẫn thể chế. Điều quan trọng là phải thiết kế hệ thống xác định rõ vai trò của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước trong thanh toán bù trừ, quản lý dữ liệu và xây dựng thể chế chính sách.

Để xây dựng được hệ thống thẻ vé liên thông này, ngoài các khung kỹ thuật, các đề án về phát triển giao thông đô thị thông minh, Ông Đỗ Việt Hải đề xuất, cần xây dựng một chính sách vé cụ thể cho từng loại hình vé, từng loại hình dịch vụ và bảo đảm tính mở, tính kết nối không chỉ với các loại hình dịch vụ vận tải hành khách mà còn với các loại hình dịch vụ khác. Hệ thống này không chỉ liên thông với vận tải hành khách công cộng mà còn liên thông với thu phí tự động, các bến bãi đỗ xe và sử dụng dịch vụ không chỉ trên địa bàn Thủ đô. Hy vọng hệ thống thẻ vé liên thông sẽ kết nối trên toàn bộ Việt Nam.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thanh-toan-thong-minh-nang-trai-nghiem-giao-thong-hien-dai-164513.html