Diễn giả Phan Đăng gửi sinh viên Báo chí: 'Khó khăn cũng là một trải nghiệm quý giá'

'Tuổi trẻ có đam mê thì cứ trải nghiệm, hạnh phúc hay thất bại đều có ý nghĩa'. Đó là lời nhắn nhủ mà diễn giả Phan Đăng gửi tới sinh viên báo chí trước những lo ngại về tương lai nghề nghiệp. Anh nhấn mạnh rằng 'biến động không quan trọng, thái độ của ta trước biến động mới quan trọng', tâm thế vững vàng và sự trân trọng mọi trải nghiệm chính là chìa khóa để vượt qua mọi thử thách.

Làn sóng sáp nhập, tinh gọn bộ máy các cơ quan báo chí đang tạo ra một tâm lý hoang mang không nhỏ. Viễn cảnh việc làm bị thu hẹp khiến nhiều sinh viên báo chí cảm thấy chông chênh khi rời ghế nhà trường. Trò chuyện cùng PV chuyên trang Sinh Viên Việt Nam - Báo Tiền Phong, diễn giả Phan Đăng đã mang đến một góc nhìn đầy lạc quan:

Diễn giả Phan Đăng là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh từng là một nhà báo kỳ cựu trước khi trở thành tác giả của nhiều cuốn sách được bạn đọc yêu mến như 39 câu hỏi cho người trẻ, 39 cuộc đối thoại cho người trẻ, 39 đoản thiền để thấy... và mới đây nhất là Ma quỷ trong tâm ta. (Ảnh: Lê Vượng)

Diễn giả Phan Đăng là cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh từng là một nhà báo kỳ cựu trước khi trở thành tác giả của nhiều cuốn sách được bạn đọc yêu mến như 39 câu hỏi cho người trẻ, 39 cuộc đối thoại cho người trẻ, 39 đoản thiền để thấy... và mới đây nhất là Ma quỷ trong tâm ta. (Ảnh: Lê Vượng)

Các bạn sinh viên ngành Báo chí, hãy cứ dấn thân và trải nghiệm với đam mê. Trải nghiệm lúc hạnh phúc cũng ý nghĩa, mà trải nghiệm lúc chưa thành công, cần phải nỗ lực nhiều hơn, cũng có ý nghĩa riêng. Đôi khi một chút khó khăn, thất bại trong cuộc đời lại là điều cần thiết.

Tuổi trẻ là giai đoạn quý giá nhất để không ngừng trải nghiệm. Thay vì tính toán quá nhiều, hãy sống hết mình với nghề. Trong quá trình đó, có thể bạn thấy hợp và đi tiếp, hoặc có lúc nhận ra không còn phù hợp thì có thể dừng lại. Cuộc đời không cần phải quá rạch ròi. Hãy cứ đi đến tận cùng với lựa chọn của mình cho đến khi cảm thấy không còn nhân duyên với nó nữa.

Nỗ lực của bản thân là quan trọng, nhưng nhân duyên cũng là một yếu tố không thể thiếu. Khi hoàn cảnh đòi hỏi phải thay đổi, chúng ta cần sẵn sàng thích ứng. Nghĩ như thế, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Điều cốt lõi không nằm ở những biến động bên ngoài, mà chính là thái độ của chúng ta khi đối mặt với chúng.

Biến động không quan trọng,

Thái độ của ta trước biến động mới quan trọng.

Với những người đang làm báo và phải đối mặt với khó khăn, thậm chí là phải rời nghề, sự xáo trộn tâm lý là điều khó tránh. Bao nhiêu lâu mình đã quen với một guồng quay công việc, một môi trường rất đặc biệt, nên chắc chắn sẽ rất khó khăn.

Tuy nhiên, trong khó khăn này, chúng ta hãy nhìn thêm tính cơ hội, đôi khi, đây lại là cơ hội làm mới mình, nếu ta cứ ngồi đó và than vãn thì đâu giải quyết được gì. Hoàn cảnh đã buộc mình phải thay đổi, mình không muốn cũng không được. Giống như các cụ nói, khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ tự động mở ra. Nếu mình ở trong tình huống bắt buộc phải đóng lại một cánh cửa, điều tốt nhất nên làm là nghĩ đến cánh cửa khác, thay vì chìm đắm quá nặng vào cánh cửa cũ.

Với những bậc phụ huynh, xin hãy để các bạn trẻ sống hết mình với đam mê. Khi tôi bước vào nghề báo, tôi cũng rất đam mê và cũng bắt đầu với đầy rẫy khó khăn. Ngay cả bây giờ khi không còn làm báo, tôi vẫn luôn biết ơn nghề. Nếu không có những năm tháng đó, tôi đã không có được những trải nghiệm vô cùng đáng quý mà nghề báo mang lại.

Các bạn trẻ hãy đi đến tận cùng với đam mê của mình, bởi chính những trải nghiệm đó sẽ định hình nên con người bạn, dù sau này bạn có tiếp tục theo đuổi con đường đó hay không.

Diễn giả Phan Đăng

Lê Vượng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/dien-gia-phan-dang-gui-sinh-vien-bao-chi-kho-khan-cung-la-mot-trai-nghiem-quy-gia-post1758230.tpo