Các công ty dùng hàng trăm khu vực miễn thuế tạm thời để né thuế của Tổng thống Trump

Ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đang quay lại một chính sách có từ thời Đại suy thoái để tránh mức thuế của Tổng thống Donald Trump: nhập hàng hóa vào những khu vực được chỉ định mà tại đó họ không phải nộp thuế cho đến khi có thể nộp.

Ảnh minh hoa khu FTZ. Ảnh: CNN

Ảnh minh hoa khu FTZ. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN ngày 7/7, hiện có 374 khu vực thương mại tự do nội địa (FTZ) trên khắp nước Mỹ, vốn được thiết lập nhằm giúp doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh trong thời kỳ Đại suy thoái. Giờ đây, các khu này đã hiện diện ở mọi bang và Puerto Rico, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hoặc nguyên vật liệu vào Mỹ và lưu trữ tại đây mà không phải trả thuế. Nhà nhập khẩu chỉ phải đóng thuế khi bán sản phẩm cho khách hàng Mỹ. Nếu họ xuất khẩu sản phẩm ra khỏi Mỹ, thì sẽ không phải đóng thuế nào cả.

Theo công ty logistics Descartes, nơi hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập và vận hành FTZ, kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế gần như với mọi quốc gia vào tháng 4, nhu cầu tìm hiểu về các FTZ đã tăng gấp bốn lần.

Ông Jackson Wood, Giám đốc chiến lược ngành của Descartes, nói rằng các khu FTZ được lập ra lần đầu vào năm 1934, đúng vào thời điểm thuế quan từng rất cao và có ảnh hưởng lớn như hiện nay, nên không có gì lạ khi các nhà nhập khẩu Mỹ đang quan tâm đến giải pháp này.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ USD đã được nhập vào các FTZ trong năm 2023, gần bằng 1/3 tổng lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ trong năm đó. Các FTZ đang tạo việc làm cho hơn nửa triệu người.

Bộ Thương mại Mỹ xác nhận rằng Hiệp hội Thương mại Quốc tế đã ghi nhận xu hướng quan tâm gia tăng đối với các FTZ, nhưng cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu điều này có dẫn đến gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các khu này hay không.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đang tích trữ hàng hóa tại các FTZ. Theo giới chuyên gia, đây không phải là một kẽ hở pháp lý, mà là cách để doanh nghiệp duy trì dòng tiền mặt trong bối cảnh khó khăn.

Ông Wood nói: “Các FTZ từ lâu vẫn là một công cụ mang tính chuyên biệt trong bộ công cụ của doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ. Nhưng trong bối cảnh thuế quan đang tác động mạnh mẽ như hiện nay, ngày càng nhiều tổ chức nhận ra rằng thiết lập một khu vực thương mại tự do là hợp lý”.

FTZ - “vùng đệm” thuế quan

Các khu FTZ được kiểm soát nghiêm ngặt và đặt gần các cảng nhập cảnh của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ, trong phạm vi khoảng 96km. Tuy nhiên, không có hai FTZ nào giống nhau hoàn toàn.

Các khu này có thể nhỏ như một căn phòng trong nhà kho hoặc lớn tới hàng trăm hecta. Hàng chục công ty có thể cùng sản xuất và phân phối hàng hóa từ một kho FTZ.

Điểm chung của các FTZ là hàng ở đó được miễn thuế tạm thời cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay.

Audio-Technica đã mở kho hàng và trung tâm phân phối thứ hai tại khu vực miễn thuế vào tháng 6 tại San Diego, CA. Ảnh: Audio-Technica U.S., Inc.

Audio-Technica đã mở kho hàng và trung tâm phân phối thứ hai tại khu vực miễn thuế vào tháng 6 tại San Diego, CA. Ảnh: Audio-Technica U.S., Inc.

Công ty Audio-Technica chuyên sản xuất thiết bị âm thanh đã mở trung tâm kho bãi thứ hai trong một FTZ tại San Diego vào tháng 6. Công ty Nhật Bản này nhập khẩu các sản phẩm đã lắp ráp hoàn chỉnh từ Nhật Bản và Trung Quốc. Khoảng 80% hàng hóa này được bán tại thị trường Mỹ, trong khi 20% được xuất khẩu.

“Với mức thuế cao hiện nay, việc đưa hàng vào FTZ cho phép chúng tôi hoãn thanh toán thuế cho đến khi sản phẩm được rút khỏi khu vực để bán”, ông Dan Ratley, Giám đốc chuỗi cung ứng của Audio-Technica, nói.

Audio-Technica chỉ phải nộp thuế khi sản phẩm được đưa ra khỏi FTZ để bán tại Mỹ. Điều này cho phép công ty giữ hàng trong kho mà không phải nộp thuế, cho đến khi có khả năng chi trả. Ông Ratley nói: “Ai cũng đang tìm cách nghiên cứu và giảm thiểu ảnh hưởng của thuế, cải thiện dòng tiền mặt hoặc né tránh thuế”.

Thúc đẩy kinh tế địa phương

Các doanh nghiệp không thể tự ý lập khu FTZ mà họ cần một tổ chức bảo trợ làm trung gian giữa doanh nghiệp và Bộ Thương mại Mỹ. Các tổ chức này thường là thành phố, cảng hoặc sân bay và các FTZ có thể mang lại lợi ích lớn cho họ.

Thành phố Phoenix là một tổ chức như vậy từ năm 1988 và đã hỗ trợ hàng chục công ty thiết lập hoạt động trong khu vực của mình, được gọi là Zone 75.

Theo nghiên cứu năm 2019 của Hiệp hội các khu thương mại tự do quốc gia, các FTZ có thể tạo hiệu ứng lan tỏa kinh tế, đặc biệt tại các cộng đồng nhỏ. Đã ghi nhận tăng trưởng việc làm và thu nhập tại các cộng đồng từ 6 đến 8 năm sau khi một FTZ được thiết lập.

Hiện có 75.000 người làm việc trong Zone 75 của Phoenix. Cứ mỗi công việc trong FTZ, thành phố này cho biết có thể tạo thêm từ 3 đến 6 việc làm khác. Mười năm trước, mức lương trung bình cho một công việc mới ở Phoenix là 30.000 USD, còn hiện nay là 84.000 USD.

Vấn đề lớn

Các FTZ mang lại nhiều lợi ích, nhưng theo chính sách thương mại hiện tại, một số lợi ích không còn được duy trì.

Trước đây, khi doanh nghiệp nhập các linh kiện như đồng, thép hoặc nhôm vào FTZ để sản xuất hàng hóa, họ chỉ phải nộp thuế theo mức thuế của sản phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, theo các sắc lệnh hành pháp của ông Trump ban hành hồi tháng 4 về thuế quan đối ứng, các doanh nghiệp tại FTZ giờ đây phải nộp thuế theo mức của nguyên vật liệu đầu vào mà thường cao hơn.

Ngay cả khi các linh kiện được dùng để lắp ráp thành sản phẩm trong FTZ, thì khi sản phẩm rời khỏi khu vực, nó vẫn bị đánh thuế theo mức của nguyên vật liệu.

Ví dụ, Audio-Technica nhập sản phẩm hoàn chỉnh từ Nhật Bản và Trung Quốc với mức thuế trung bình lần lượt là 10% và 30%. Nếu các sản phẩm này có chứa thép và nhôm, công ty này có thể phải chịu mức thuế lên tới 70% vì chính sách đánh thuế đối với kim loại.

Bà Melissa Irmen, Giám đốc quan hệ chiến lược của Hiệp hội Khu thương mại Tự do quốc gia, nói: “Một trong những điểm nổi bật của chương trình FTZ chính là lợi ích này, nhưng các hạn chế trong sắc lệnh hành pháp mới đã chấm dứt lợi ích đó. Nếu nhập linh kiện để sản xuất hàng hóa hoàn chỉnh tại FTZ, doanh nghiệp vẫn sẽ phải chịu mức thuế cao hơn khi đưa sản phẩm ra thị trường”.

Dù FTZ vẫn là công cụ hấp dẫn với một số nhà nhập khẩu, nhưng chính sách thương mại hiện tại khiến chúng trở nên phức tạp hơn với nhiều doanh nghiệp khác.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-cong-ty-dung-hang-tram-khu-vuc-mien-thue-tam-thoi-de-ne-thue-cua-tong-thong-trump-20250708095732914.htm