Diễn giả truyền cảm hứng khởi nghiệp tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ Chăn nuôi

Từ một sinh viên ngành Chăn nuôi thú y, ông Hoàng Nam Trung trở thành Tổng Giám đốc của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tại Hội nghị khoa học của Khoa Chăn nuôi, ông chia sẻ hành trình khởi nghiệp đầy thử thách và những bài học thực tế, thu hút sự quan tâm của hàng trăm sinh viên.

Phần trình bày với chủ đề “Từ sinh viên đến CEO: Kinh nghiệm khởi nghiệp ngành Chăn nuôi” được xem là điểm nhấn tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ Chăn nuôi 2025 do Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức. Không sử dụng các con số phức tạp hay thuật ngữ học thuật, ông Trung chọn cách tiếp cận chân thực, kể lại hành trình khởi nghiệp bắt đầu từ những năm tháng đại học với nhiều va vấp, thiếu thốn và cả những lần suýt bỏ cuộc.

CEO Hoàng Nam Trung. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

CEO Hoàng Nam Trung. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

“Khởi nghiệp không phải là con đường bằng phẳng. Nhưng chính trong quá trình vượt khó, tôi hiểu hơn về giá trị của ngành mình theo đuổi và lý do để tiếp tục”, ông Hoàng Nam Trung nói.

Từng có thời gian ông phải tự tay nuôi heo, giao hàng, xử lý khủng hoảng khi dịch bệnh bùng phát. Tuy vậy, nhờ nền tảng kiến thức được học tại trường và tinh thần cầu thị, ông dần xây dựng được mô hình sản xuất khép kín, kiểm soát dịch bệnh bằng công nghệ sinh học và đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ Chăn nuôi 2025 do Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ Chăn nuôi 2025 do Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức.

Đến nay, công ty do ông điều hành hiện là đối tác cung ứng cho nhiều hệ thống bán lẻ lớn và đang mở rộng thị trường trên toàn quốc. Theo ông Trung, để đi từ ý tưởng đến doanh nghiệp có thể tồn tại, sinh viên cần vượt qua “giai đoạn trống” sau khi ra trường, khoảng thời gian dễ mất phương hướng nhất.

“Tôi từng nghĩ sẽ làm thuê nhiều năm có đủ kinh nghiệm và tài chính rồi mới tính đến chuyện mở công ty. Nhưng cơ hội không chờ ai, và thị trường thay đổi rất nhanh. Nếu bạn có một mô hình đủ thực tế và khả thi, hãy thử triển khai nó càng sớm càng tốt”, ông Hoàng Nam Trung khuyên.

Ngoài kỹ năng chuyên môn, ông Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy quản trị, khả năng đọc dữ liệu và chấp nhận thất bại. Theo ông, ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe, nhưng cơ hội vẫn là rất lớn. Sinh viên cần được trang bị tư duy đổi mới và khả năng tiếp cận thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Ông Hoàng Nam Trung chia sẻ với sinh viên bên lề Hội nghị.

Ông Hoàng Nam Trung chia sẻ với sinh viên bên lề Hội nghị.

Phần chia sẻ kéo dài gần 45 phút nhưng luôn nhận được sự chăm chú từ sinh viên. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vốn khởi nghiệp, ứng dụng AI trong quản lý đàn vật nuôi, kỹ năng làm việc nhóm và cách xây dựng hệ thống phân phối.

“Chú Trung nói rất thật, rất gần. Nghe xong em thấy nghề mình chọn không hề nhỏ bé, và việc em cần làm là bắt đầu học thật, làm thật ngay từ bây giờ”, Nguyễn Minh Anh, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Đại diện Khoa Chăn nuôi cho biết, việc mời các cựu sinh viên thành đạt quay lại chia sẻ là một phần trong định hướng gắn đào tạo với thực tiễn, khuyến khích sinh viên phát triển tư duy khởi nghiệp và chủ động nắm bắt cơ hội nghề nghiệp.

Hội nghị “Khoa học và Công nghệ Chăn nuôi 2025” ngoài các báo cáo chuyên môn của các nhà khoa học, còn là diễn đàn kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên, hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, năng lực đổi mới và khả năng thích ứng cao trong bối cảnh ngành nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/dien-gia-truyen-cam-hung-khoi-nghiep-tai-hoi-nghi-khoa-hoc-va-cong-nghe-chan-nuoi-post1757493.tpo