Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tăng lãi suất vào cuối năm 2025

Lạm phát tại Nhật Bản đang tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên, làm dấy lên khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo ông Tsutomu Watanabe, giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Tokyo và là một trong những chuyên gia hàng đầu về lạm phát của quốc gia này, mức tăng lạm phát năm nay vượt ngoài dự đoán của ông. Chắc chắn BoJ sẽ phải nâng dự báo lạm phát cho năm tài chính này trong báo cáo triển vọng hàng quý vào cuối tháng.

Phát biểu của ông Watanabe có khả năng sẽ củng cố thêm đồn đoán của thị trường về một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay của BoJ.

Dữ liệu chính phủ mới nhất cho thấy chi phí sinh hoạt đã tăng tốc trở lại, lên mức cao nhất của hai năm trong tháng 5/2025. Dù vậy, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã nói rõ rằng ông muốn xác nhận mức độ tác động kinh tế từ thuế quan của Mỹ thông qua dữ liệu cụ thể trước khi có động thái tăng lãi suất tiếp theo.

Ông Watanabe nhận định có thể có một đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Đà tăng giá tại Nhật Bản có thể khiến BoJ “chậm chân” so với diễn biến thực tế, khi các doanh nghiệp tiếp tục chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

Chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản đang tăng với tốc độ cao nhất trong Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), với dữ liệu tháng 5/2025 ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng 3,7%.

Ông Watanabe cũng ủng hộ lập trường của BoJ về việc nghiên cứu cẩn trọng dữ liệu lạm phát và tác động của thuế quan. Ông cho biết, đối với lạm phát, giá gạo là một yếu tố thúc đẩy chính và chưa rõ giá mặt hàng này sẽ giảm bao nhiêu nhờ các biện pháp đang được triển khai của chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba. Giá lương thực thiết yếu của Nhật Bản đã tăng gần gấp đôi trong năm nay, thu hút sự quan tâm và cả sự bất bình trên toàn quốc.

Theo ông Watanabe, tác động của thỏa thuận thương mại dự kiến sẽ thể hiện trong dữ liệu vào khoảng mùa Thu năm nay. Do đó, BoJ có thể đánh giá liệu việc tăng lãi suất có hợp lý hay không vào cuối năm, sau khi phân tích kỹ lưỡng xu hướng lạm phát.

Trong khi đó, bà Marcella Chow, chiến lược gia Thị trường Toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, lưu ý rằng gạo chiếm khoảng 50% trong rổ tính lạm phát cơ bản của Nhật Bản. Bà nhận định xu hướng lạm phát trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào giá lương thực, đặc biệt là giá gạo. Chuyên gia này cho rằng các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giảm giá gạo có thể thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình trong nền kinh tế thực, nếu việc giảm giá này lan sang cả các thực phẩm chế biến từ gạo và giúp giá cả tại nhà hàng giảm theo.

Chi tiêu của các hộ gia đình tăng mạnh nhất kể từ mùa Hè năm 2022 giữa bối cảnh lạm phát kéo dài, tạo động lực hỗ trợ cho nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng từ các mức thuế quan của Mỹ.

Theo báo cáo công bố ngày 4/7 của Bộ Nội vụ Nhật Bản, tháng 5/2025, chi tiêu của các hộ gia đình, điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái khi chi tiêu cho ô tô tăng vọt. Kết quả này vượt qua ước tính trung bình của các nhà kinh tế là tăng 1,2%.

Theo một viên chức của Bộ Nội vụ Nhật Bản, sự tăng mạnh về doanh số ô tô trong năm nay góp phần làm tăng tổng số liệu, nhưng phần lớn là do so sánh với lượng xe thấp trong năm ngoái, nguyên nhân từ một vụ bê bối liên quan đến chứng nhận an toàn. Tuy nhiên, chi tiêu cũng tăng ở mảng du lịch cả trong nước và ngoài nước, đồng thời người dân cũng tăng chi tiêu cho việc ăn ngoài.

Tiêu dùng chiếm hơn một nửa sản lượng kinh tế của Nhật Bản và có thể quyết định nền kinh tế sẽ bước vào hay tránh được suy thoái kỹ thuật. Thuế quan của Mỹ bao gồm mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô đang gây áp lực lên xuất khẩu của Nhật Bản, làm tăng nguy cơ nền kinh tế có thể suy thoái trở lại trong quý II sau khi suy giảm trong ba tháng đầu năm.

Nhà kinh tế trưởng Harumi Taguchi tại S&P Global Market Intelligence cho rằng kết quả tương đối tốt nhưng cần lưu ý rằng dữ liệu có xu hướng biến động. Các yếu tố tạm thời như ô tô và du lịch đã đẩy những con số lên, nhưng không rõ liệu điều này có chỉ ra mức tiêu thụ mạnh mẽ liên tục hay không.

Khoảng 64% các nhà kinh tế được thăm dò vào đầu tháng 6 cho rằng thuế quan có khả năng gây ra suy thoái ở nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Theo khảo sát Tankan do BoJ công bố mới đây, chỉ số niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn đã tăng lên 13 điểm trong tháng 6/2025, từ mức 12 điểm của ba tháng trước đó. Sự phục hồi này chủ yếu đến từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thép.

Chỉ số đo lường niềm tin của các doanh nghiệp trong những lĩnh vực chủ chốt như ô tô và điện tử đã ghi nhận sự cải thiện lần đầu tiên sau hai quý liên tiếp. Con số này cũng vượt qua mức dự báo trung bình 10 điểm do hãng tin Kyodo News khảo sát trước đó.

Trong khi đó, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực phi sản xuất, bao gồm cả ngành dịch vụ, đã giảm nhẹ xuống 34 điểm từ mức 35 điểm trong khảo sát tháng 3/2025. Đây cũng là lần sụt giảm đầu tiên của khối lĩnh vực này sau hai quý.

Hiện tại, BoJ dự báo lạm phát cơ bản sẽ tăng 2,2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 32026 và 1,7% trong năm tài chính tiếp theo.

BoJ sẽ đưa ra quyết định tiếp theo về chính sách tiền tệ vào ngày 31/7. Theo một cuộc khảo sát vào tháng trước, hơn 90% giới chuyên gia dự đoán BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5%.

Minh Hằng/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngan-hang-trung-uong-nhat-ban-co-the-tang-lai-suat-vao-cuoi-nam-2025/379404.html