Điện gió ngoài khơi mở 'cánh cửa' mới cho hợp tác Việt Nam - Na Uy
Hợp tác Việt Nam - Na Uy trong năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đang mở ra cơ hội phát triển bền vững giữa 2 nước trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Na Uy đã có những bước phát triển đáng kể. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Na Uy đạt 576,41 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy 120,96 triệu USD, giảm 40,9% và nhập khẩu từ Na Uy 455,45 triệu USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, Na Uy đã cam kết đầu tư 250 triệu USD vào các dự án năng lượng tái tạo và các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.
Ngoài ra, Na Uy cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ xây dựng Quy hoạch không gian biển, công cụ quan trọng để phân vùng các khu vực phát triển điện gió ngoài khơi.
Đáng chú ý, một số công ty Na Uy đã đầu tư và hoạt động tích cực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chẳng hạn, Mainstream Renewable Power đang vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất Việt Nam ở tỉnh Sóc Trăng và triển khai dự án điện gió khác tại Bến Tre. Công ty VARD, với nhà máy đóng tàu tại Vũng Tàu, chuyên đóng các tàu chuyên dụng phục vụ ngành điện gió ngoài khơi.
Phóng viên Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam để hiểu hơn về câu chuyện hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, trong đó có hợp tác về năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Na Uy.
- Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm qua?
Bà Hilde Solbakken: Tôi rất vui mừng nhận thấy hai nước chúng ta đã và đang duy trì mối quan hệ hợp tác thương mại rất chặt chẽ trong thời gian qua. Cụ thể là trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 3 lần. Dựa trên các thế mạnh bổ sung và lợi ích chung về phát triển bền vững, hai nước không chỉ tập trung trao đổi thương mại mà còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo nền tảng cho tăng trưởng lâu dài.
Na Uy có nhiều lợi thế về các giải pháp tiên tiến, xanh và bền vững trong nhiều ngành công nghiệp như nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi nhận thấy, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động, thì nhu cầu về các giải pháp bền vững này cũng tăng lên, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho hai nước.
Nhưng tôi nghĩ, điều thực sự có thể thúc đẩy mối quan hệ thương mại của chúng ta là một hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trong Khối Mậu dịch tự do châu Âu EFTA (gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ). Chúng ta đã đàm phán hiệp định này trong nhiều năm và hy vọng có thể sớm kết thúc.
- Bà có thể đánh giá những thách thức và khó khăn mà hai nước có thể gặp phải trong hợp tác năng lượng trong thời gian tới?
Bà Hilde Solbakken: Na Uy và Việt Nam là các bên ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và chúng ta đã đưa ra các cam kết rất tham vọng theo thỏa thuận này. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Còn Na Uy cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2030.
Ở Việt Nam, Na Uy cùng với các nước G7 ký kết thỏa thuận Quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) để hỗ trợ Việt Nam dần loại bỏ việc sử dụng than và nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo JETP, Na Uy đã cam kết sẽ đầu tư 250 triệu USD từ các quỹ đầu tư khí hậu của chúng tôi cho các dự án năng lượng tái tạo và các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Na Uy cũng hợp tác đáng kể trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển lĩnh vực này ở Na Uy. Một trong những điểm đáng chú ý là, Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Quy hoạch không gian biển. Đây là công cụ rất quan trọng để hỗ trợ việc phân vùng cho các khu vực phát triển điện gió ngoài khơi. Quy hoạch không gian biển đã được Quốc hội Việt Nam phê duyệt đầu năm 2024. Chúng tôi hy vọng trong năm 2025 sẽ có các dự án thí điểm được triển khai.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hợp tác giữa Tổng cục Khí tượng thủy văn (Việt Nam) và Viện Khí tượng Na Uy liên quan tới dự báo thời tiết biển trong đó có dự báo mức sóng và tốc độ gió dọc bờ biển. Công việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Năm ngoái, chúng tôi cũng đã công bố Báo cáo chuỗi cung ứng thứ hai cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, trong đó nêu bật những tiềm năng to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, với những thông số kỹ thuật cơ bản, hệ thống cảng hiện có và những lĩnh vực cần phát triển thêm để thực hiện mục tiêu tham vọng này.
Không thể không kể tới đóng góp quan trọng của các công ty Na Uy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, trong đó bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ. Tôi xin được nêu một số cái tên: Mainstream Renewable Power là một nhà sản xuất năng lượng gió ở Việt Nam và đang vận hành trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất Việt Nam ở tỉnh Sóc Trăng. Maintrseam cũng đang triển khai một dự án điện gió khác tại Bến Tre và đang có kế hoạch phát triển cả dự án điện mặt trời.
VARD là một công ty đóng tàu của Na Uy hiện đang vận hành một nhà máy lớn ở Vũng Tàu chuyên đóng các tàu chuyên dụng tiên tiến phục vụ ngành điện gió ngoài khơi. Hiện tại, các tàu do VARD đóng chủ yếu phục vụ các trang trại gió ở Anh và một số nước khác, nhưng chúng tôi hy vọng trong tương lai, những con tàu từ xưởng đóng tàu của VARD sẽ được phục vụ các trang trại gió ngoài khơi tại Việt Nam.
DNV là một công ty khác của Na Uy hoạt động trong chuỗi giá trị của ngành năng lượng tái tạo. DNV chuyên cung cấp các dịch vụ đảm bảo toàn diện cho chuỗi giá trị năng lượng tái tạo bao gồm các dịch vụ tư vấn, giám sát, kiểm định và chứng nhận chuyên ngành.
- Việt Nam có thể học hỏi gì từ Na Uy về mô hình phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng gió và thủy điện, thưa bà?
Bà Hilde Solbakken: Trước tiên, xin được nói một chút về cơ cấu năng lượng ở Na Uy. Thực tế, 99% điện năng của chúng tôi được sản xuất từ thủy điện và chúng tôi đã may mắn có được nguồn năng lượng từ thủy điện từ đầu thế kỷ 20.
Na Uy cũng là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, chúng tôi cũng đang dần thay thế nguồn năng lượng này bằng năng lượng tái tạo. Vì vậy, gió, đặc biệt là gió ngoài khơi, ngày càng trở thành một nguồn năng lượng quan trọng ở Na Uy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tiến hành nhiều nghiên cứu và đầu tư để biến hydrogen thành một nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Liệu Việt Nam có thể học gì từ Na Uy? Tôi nghĩ rõ ràng mỗi quốc gia cần tìm ra các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình. Song, xin được chia sẻ về một số cách thức mà Na Uy đã làm và thấy rất hiệu quả.
Trước hết, chúng tôi luôn chú trọng để huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính phủ trong các nỗ lực chung, đảm bảo các chính sách năng lượng được xây dựng phù hợp với các chính sách kinh tế chung, nhu cầu của xã hội và cộng đồng, đặc biệt là với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Na Uy có truyền thống lâu năm trong việc duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ/các tổ chức nhà nước; với các ngành công nghiệp/khu vực tư nhân; và các trường đại học/viện nghiên cứu. Cách tiếp cận ba bên này đã và đang chứng tỏ rất hiệu quả trong việc tìm ra các giải pháp bền vững lâu dài ở Na Uy.
Xin lấy một ví dụ về cách tiếp cận này đặc biệt rất phù hợp với ngành điện gió ngoài khơi. Việc xây dựng quy hoạch không gian biển là một cơ hội để huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, xem xét các lợi ích khác nhau trong việc sử dụng nguồn lợi đại dương và các yếu tố môi trường, để tích hợp tất cả các lợi ích này vào bản quy hoạch tổng thể.
Đối với các ngành công nghiệp mới như điện gió ngoài khơi, chúng tôi tiếp cận từng bước để có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vì việc phát triển một ngành công nghiệp mới đặc biệt là điện gió ngoài khơi rất phức tạp nên cách tiếp cận theo giai đoạn sẽ giúp chúng tôi có thể dừng lại, rút kinh nghiệm và tiếp tục.
- Theo bà, trong thời gian tới, Việt Nam cần cải cách như thế nào trong môi trường đầu tư để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư từ Na Uy?
Bà Hilde Solbakken: Theo tôi, thành công đáng kinh ngạc trong phát triển kinh tế của Việt Nam bắt đầu từ chính sách đổi mới năm 1986. Việc mở cửa cho thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự chuyển dịch của dòng vốn cũng như chuyên môn từ nước ngoài vào Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực được ghi nhận.
Tôi nhận thấy, Việt Nam đã và đang rất chủ động trong việc học hỏi và tìm hiểu các giải pháp tốt nhất toàn cầu để áp dụng hiệu quả trong nước. Có lẽ, công thức cho các cải cách sắp tới sẽ là phiên bản "Đổi mới 2.0", để tiếp tục phát huy những yếu tố đã tạo nên thành công tới nay.
Các nhà đầu tư luôn mong muốn một môi trường đầu tư thuận lợi với khung pháp lý rõ ràng, có thể giúp họ đưa ra những dự đoán cần thiết. Trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi nhận thấy khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn mong chờ những quy định khả thi hơn nữa, chẳng hạn như cơ chế đấu nối năng lượng tái tạo với lưới điện quốc gia, hoặc các cơ chế định giá. Chúng tôi hy vọng những quy định này sớm được ban hành.
Ngoài ra, các biện pháp đảm bảo an toàn cho khoản đầu tư và bảo vệ về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan trọng. Cùng với đó là sự cần thiết phải đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc thành lập và vận hành doanh nghiệp. Yếu tố cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động. Đây là những nội dung quan trọng quyết định tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
- Trong năm 2025 và thời gian tới, Đại sứ quán Na Uy sẽ triển khai những chương trình hoặc kế hoạch nào để thúc đẩy đầu tư giữa Na Uy và Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng mà hai nước đang hợp tác?
Bà Hilde Solbakken: Tôi nghĩ rằng, có lẽ các kế hoạch đầu tư cụ thể nhất nằm trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng JETP (Just Energy Transition Partnership), với 250 triệu USD đã sẵn sàng đang chờ cơ hội giải ngân ở Việt Nam.
Hơn 40 công ty Na Uy đã và đang hoạt động tại Việt Nam và họ đang mong muốn tiếp tục cũng như mở rộng hoạt động tại đây. Ngày càng nhiều công ty Na Uy quan tâm đến việc gia nhập và hoạt động tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt phải kể tới một lĩnh vực mới là vận tải xanh trong ngành hàng hải.
Một hy vọng của tôi là trong năm 2025, chúng ta sẽ chính thức ký kết một Thỏa thuận đối tác chiến lược xanh Na Uy - Việt Nam. Hai nước đã quyết định nội dung này trong chuyến thăm cấp nhà nước của Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tới Na Uy vào tháng 11/2023. Tôi rất mong chúng ta có thể hiện thực hóa điều này trong năm nay. Đây sẽ là một nền tảng tốt để mở rộng hợp tác song phương giữa hai nước. Và tất nhiên, một hiệp định thương mại tự do giữa EFTA và Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thương mại song phương.
Xin cảm ơn bà!
Trong khuôn khổ JETP, Na Uy cam kết sẽ đầu tư 250 triệu USD từ các quỹ đầu tư khí hậu cho các dự án năng lượng tái tạo và các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Na Uy cũng hợp tác đáng kể trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển lĩnh vực này ở Na Uy. Một trong những điểm đáng chú ý là Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Quy hoạch không gian biển. Đây là công cụ rất quan trọng để hỗ trợ việc phân vùng cho các khu vực phát triển điện gió ngoài khơi. Quy hoạch không gian biển đã được Quốc hội Việt Nam phê duyệt đầu năm 2024. Na Uy cũng hy vọng trong năm 2025 sẽ có các dự án thí điểm được triển khai.