Điện hạt nhân có là lối thoát cho khủng hoảng năng lượng ở châu Âu?
Quốc gia phụ thuộc vào điện hạt nhân nhất châu Âu đang thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng gây tranh cãi này để đạt mục tiêu khí hậu cũng như độc lập về năng lượng.
Pháp sẽ xây dựng một loạt nhà máy điện hạt nhân lớn lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu khí đốt không đáng tin cậy.
Tuyên bố trên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong một bài phát biểu trước toàn quốc trên truyền hình hôm 9/11, Euronews đưa tin.
Điều này cũng sẽ giúp Pháp đạt được "độc lập về năng lượng", Macron cho biết.
“Để đảm bảo sự độc lập về năng lượng của Pháp, đảm bảo nguồn cung điện cho đất nước và đạt được các mục tiêu của chúng ta - đặc biệt là trạng thái trung lập carbon vào năm 2050 - chúng ta sẽ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ phục hồi việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở đất nước, và tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo”, Tổng thống Macron cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình.
Tuyên bố của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow đang đi đến hồi kết nhưng những tranh luận về cách tăng tốc các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu thì vẫn tiếp diễn.
Đặc biệt, tại hội nghị này, các hình thức sản xuất điện mới được xác định có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo Sydney Morning Herald.
Song song với đó, châu Âu vẫn đang trong cuộc khủng hoảng năng lượng được thúc đẩy bởi sự sụt giảm về nguồn cung khí đốt và sản lượng phong điện.
Trước đó, Chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ không xây dựng lò phản ứng nào khác cho đến khi hoàn thành lò phản ứng mới tại Flamanville ở vùng Normandy, Tây Bắc nước Pháp, theo Euronews. Dự án này, được bắt đầu từ năm 2007, đến nay đã bị trì hoãn hàng thập kỷ và có mức thấu chi ngân sách khổng lồ.
Tuy nhiên, truyền thông Pháp hồi tháng 10 đưa tin rằng, tác động của cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu đối với giá năng lượng và tác động trực tiếp lên sức chi tiêu của các hộ gia đình đã thúc đẩy Chính phủ nước này tăng đầu tư vào điện hạt nhân, Reuters cho biết.
Hơn 70% sản lượng điện của Pháp đến từ 56 lò phản ứng đang hoạt động, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới. Do đó, Pháp được cho là quốc gia phụ thuộc vào hạt nhân nhất ở châu Âu.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu khác đặc biệt phụ thuộc vào các nhà sản xuất dầu và khí đốt toàn cầu, bao gồm Nga.
Tổng thống Pháp không cho biết thêm chi tiết về kế hoạch, nhưng Chính quyền Macron dự kiến sẽ công bố việc xây dựng 6 lò phản ứng nước áp lực (PWR) mới trong vòng những tuần tới, theo Euronews.
Còn theo Sydney Morning Herald, tuyên bố trên được coi là ám chỉ khả năng bật đèn xanh cho 14 dự án nhà máy điện hạt nhân thế hệ tiếp theo do nhà điều hành hệ thống truyền tải điện RTE của Pháp đề xuất.
Năng lượng hạt nhân vẫn là chủ đề gây tranh cãi
Năng lượng hạt nhân tạo ra lượng khí thải thấp hơn nhiều so với than đá, dầu mỏ hoặc khí đốt. Nhưng chi phí để xây các nhà máy hạt nhân rất tốn kém. Quan trọng hơn, các nhà máy này sinh ra chất thải phóng xạ với khả năng gây chết người trong hàng chục nghìn năm.
Mặc dù niềm tin vào hạt nhân ở Pháp có bị lung lay sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản, nhưng công nghệ điện hạt nhân ở quốc gia châu Âu này vẫn không gây tranh cãi nhiều như ở các nước khác trên thế giới, theo Sydney Morning Herald.
Ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ứng phó với thảm họa hạt nhân Fukushima bằng cách đẩy nhanh kế hoạch quốc gia về loại bỏ năng lượng hạt nhân.
Chỉ vài ngày sau vụ nổ đầu tiên tại nhà máy hạt nhân Fukushima năm 2011, Đức đã quyết định đóng cửa ngay lập tức các lò phản ứng lâu đời nhất của đất nước. Động thái này, từng được các nhà phê bình mô tả là một phản ứng thái quá, cuối cùng dẫn đến việc tất cả các lò phản ứng còn lại ở Đức đều sẽ bị đóng cửa vào năm 2022, Reuters đưa tin.
Các chính trị gia đang chia rẽ về việc liệu năng lượng hạt nhân có nên được đưa vào các kế hoạch toàn cầu để giảm lượng phát thải carbon hay không, theo Euronews.
Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời nhà vận động chuyển đổi năng lượng của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) tại Pháp Nicolas Nace cho rằng, kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới của Pháp là "không gắn với thực tế". Nace cũng chỉ ra các vấn đề với dự án Flamanville, cho rằng năng lượng hạt nhân là “quá đắt, quá chậm và quá nguy hiểm”.
Trong khi đó, EDF - công ty điện lực phần lớn thuộc sở hữu nhà nước của Pháp - cho biết, họ “rất hài lòng” với tuyên bố của Tổng thống Macron, theo Euronews.
"EDF đã làm việc rất nhiều với ngành công nghiệp hạt nhân để chuẩn bị cho mình tư thế sẵn sàng. Chúng tôi đã sẵn sàng", CEO của EDF Jean-Bernard Lévy cho biết tại phiên điều trần trước Thượng viện hôm 10/11.