Điện hóa phương tiện giao thông để giảm khí thải

Tại Hà Nội, theo kết quả quan trắc cho thấy, chỉ số chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém và xấu. Đáng lo ngại, với số lượng phương tiện giao thông cá nhân đông đúc, nguồn thải từ giao thông vận tải ra không khí luôn chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông rất quan trọng.

Nan giải kiểm soát phương tiện giao thông

Tại Hà Nội, theo kết quả quan trắc những năm gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ cao trong tổng số ngày quan trắc trong năm. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng vào những thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa đông, làm gia tăng các ca nhập viện vì các bệnh liên quan đến phổi.

Tại Hà Nội, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng “xanh”, thân thiện môi trường được đông đảo nhân dân đón nhận.

Tại Hà Nội, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng “xanh”, thân thiện môi trường được đông đảo nhân dân đón nhận.

Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, tại Hà Nội có đặc thù là chất lượng không khí Hà Nội diễn biến khá phức tạp, thay đổi theo năm, theo mùa thậm chí theo ngày theo giờ. Mùa đông, nhất là vào thời điểm giao mùa Thu - Đông, Đông - Xuân, tiết trời nồm, ẩm, sương mù làm cho chất lượng không khí kém đi, thậm chí có ngày ngồi trong nhà cũng cảm thấy khó thở.

Theo số liệu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thống kê gần đây, mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân. Đáng nói trong số các phương tiện này hiện có rất nhiều xe cũ nát lưu hành nhiều năm.

Trên góc nhìn này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thạo - Giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, hiện nay hoạt động vận tải chủ yếu sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính.

“Theo nghiên cứu, người ta tính toán được mỗi một xe ô tô con thông thường, cứ chạy 1km sẽ phát thải 250 - 252g khí thải CO2 ra môi trường. Còn nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô này thải ra môi trường là 3 tấn”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thạo nhấn mạnh.

Thực tế, việc giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, trong đó, nguồn thải từ giao thông vận tải sẽ là mục tiêu hàng đầu đã và đang được các ngành chức năng triển khai. Tuy nhiên, để dứt điểm vấn đề này hiện còn tồn tại vô số khó khăn. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu khí thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cũ nát thì việc thu hồi, tái chế xe cũ nát là cần thiết.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này trong cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý. Bởi phương tiện là tài sản của người dân được pháp luật công nhận, chưa có quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô gắn máy; hơn nữa quy mô tái chế còn thấp, nhỏ lẻ dẫn đến khả năng thu gom, xử lý ô tô, xe máy cũ chưa thực sự hiệu quả… Còn việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy hiện vẫn đang còn “trên giấy” chưa được quy định cụ thể hóa trong luật.

Ngoài ra, chưa có doanh nghiệp xe máy xăng nào tại Việt Nam đưa ra lộ trình chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Các vấn đề liên quan đến phương tiện sử dụng nặng lượng thân thiện với môi trường như trạm sạc, pin… vẫn chưa rõ ràng.

Những tín hiệu tích cực

Hà Nội đang tích cực chuyển mình trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể, Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Tỷ lệ xanh hóa phương tiện giao thông này là sự cố gắng, nỗ lực của cả các doanh nghiệp và Thành phố.

Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Đến tháng 8, Thành phố đã có 2 tuyến đường sắt đô thị (tàu điện) đi vào hoạt động là Cát Linh - Hà Đông và mới đây là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.

Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng cho biết, theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu đến năm 2030 có 50% phương tiện sẽ chuyển đổi xanh, đến năm 2035 là 100%.

Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi phương tiện xanh. Trong đó, kế hoạch giai đoạn này là 50% điện, 50% khí, ưu tiên trong 2024 là chuyển đổi phương tiện xe điện. Hà Nội hiện là đơn vị hiếm hoi trên cả nước không có phương tiện sử dụng trên 10 năm, trung bình là 3,5 năm.

“Thời gian qua, 10 tuyến buýt xanh đã giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh. Khi đề án 879 triển khai và đi vào thực tiễn dự kiến một năm có thể giảm 120 nghìn tấn CO2, đây sẽ là con số rất ấn tượng. Chúng ta đã có xe buýt xanh, tuyến đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy, Nhà nước, Thành phố và cả các doanh nghiệp cũng rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi xanh của Thủ đô”, ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Nói về các giải pháp chuyển đổi phương tiện xanh, dựa trên kinh nghiệm của một số nước, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng, điều quan trọng nhất để thực hiện được việc này chính là quyết tâm. Nói cách khác, phải có quyết tâm thực hiện bởi kể cả có giải pháp gì nữa mà không có quyết tâm thì thực hiện đều rất khó. Điều tiếp theo cần quan tâm là công tác tuyên truyền vận động.

“Một giải pháp nữa là cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho phương tiện xanh. Cần có chính sách ưu tiên taxi điện. Xe điện không phải xếp hàng như những loại taxi truyền thống khác”, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng hiến kế.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dien-hoa-phuong-tien-giao-thong-de-giam-khi-thai-175584.html