Điện khí LNG nhọc nhằn tìm lối đi
Khung khổ pháp lý hiện hành đối với dự án LNG chưa được xây dựng hoàn chỉnh và nút thắt về giá là thách thức để phát triển nguồn điện sạch này.
Thiếu đồng bộ để phát triển
Phát biểu tại Diễn đàn Hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Tô Minh Đương, Phó giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu đã nhắc tới việc mong các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, tham mưu, báo cáo Chính phủ các vướng mắc, khó khăn để Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu sớm triển khai thực hiện.
Như vậy, đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày 21/1/2020 - thời điểm Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) được trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với Dự án điện khí LNG Bạc Liêu quy mô 3.200 MW.
Tới nay, Dự án vẫn ở khúc đầu của các công việc chuẩn bị. Đại diện Sở Công thương Bạc Liêu cho biết, trong quá trình rà soát đã phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc và tỉnh đã làm việc với Bộ Công thương cùng các bộ, ngành để tháo gỡ.
Dự án dự kiến khởi công vào giữa năm 2024 - nghĩa là đã lùi tới hàng năm trời so với các mục tiêu được đặt ra ban đầu. Nhưng ngay kể khi chấp nhận tiến độ lùi xa như vậy, thì cũng chưa nhìn thấy cơ sở vững chắc nào để đảm bảo các mốc thời gian đó sẽ được thực hiện.
Nhà đầu tư hiện tại cũng không bị ràng buộc nào trong việc phải đàm phán xong Hợp đồng Mua bán điện (PPA) mới được khởi công xây dựng dự án như trước đây. Tuy vậy, không phải ai cũng hăm hở.
Nói về những thách thức của các dự án điện khí LNG hiện nay, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã liệt kê nhiều vấn đề cần giải quyết đồng bộ để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII.
Đó là thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu tại quy hoạch điện; thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận pháp lý, kỹ thuật, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí LNG; thách thức về vấn đề bảo lãnh Chính phủ khi các doanh nghiệp chưa có đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế.
Bên cạnh đó là việc bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế liên quan nhập khẩu LNG; ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG; cam kết tổng sản lượng khí tiêu thụ; cam kết đường dây truyền tải…
Ông Thập cho rằng, trước tiên và quan trọng nhất, cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát, hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi.
Tiếp đó, cho phép các chủ thể là các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các hộ tiêu thụ điện.
Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG.
Có chấp nhận giá điện khí LNG theo cơ chế thị trường
Là chuyên gia về thuế và quản trị doanh nghiệp, sau khi rời khỏi vị trí Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, cần khẳng định rõ, điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi.
Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành (có hiệu lực từ ngày 15/7/2023) quy định: dầu mỏ, các loại khoáng chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thuộc Chương 27 và khí hóa lỏng LNG thuộc nhóm ngành 2710 và 2711 với mức thuế suất 5%.
Việc giảm thuế nhập khẩu có tác động giúp giảm thấp giá thành điện do sử dụng nhiên liệu LNG. Do vậy, đề xuất chuyển xuống áp dụng mức thuế suất thấp nhất trong Biểu khung thuế nhập khẩu là 0%.
- Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn
“Cần phải loại bỏ tư duy lâu nay rằng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như than, nắng, gió, khí, dầu, thủy điện… thuộc quyền sở hữu toàn dân, nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân. Thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay”, ông Phụng gợi ý.
Đối với điện khí LNG, ông Phụng cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy, giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này, được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.
TS. Nguyễn Quốc Thập cũng cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo Quy hoạch Điện VIII, cần thúc đẩy phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả.
Đáng nói là, dù trong nửa cuối năm 2023, có tới cả chục cuộc hội thảo/tọa đàm về điện khí LNG, các vướng mắc, khó khăn được nhắc đi nhắc lại tới nhàm tai, song vẫn chưa thấy rõ hướng giải quyết cho các nút thắt này.
Lẽ dĩ nhiên, không có đầu ra thì việc nhập khẩu khí LNG về để bán cho các nhà máy điện mà Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đang là đơn vị duy nhất được cấp phép cũng gặp khó khăn khi hàng bán chậm.
Xa hơn nữa, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu có 22.400 MW công suất điện từ khí LNG được đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 cũng không dễ hiện thực hóa như đề ra.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dien-khi-lng-nhoc-nhan-tim-loi-di-d204999.html