Điện Kremlin phản hồi đề xuất về hội nghị thượng đỉnh hòa bình mới của Tổng thống Ukraine

Điện Kremlin đã phản hồi trước thông tin cho rằng Moskva có thể được mời tham gia 'hội nghị thượng đỉnh hòa bình' mới về Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Burgenstock, Thụy Sĩ, vào ngày 15/6/2024. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Burgenstock, Thụy Sĩ, vào ngày 15/6/2024. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Điện Kremlin đã phản hồi trước thông tin cho rằng Moskva có thể được mời tham gia “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” mới ở Ukraine. Người phát ngôn Pesko lưu ý rằng, các mục tiêu và lịch trình của một sự kiện như vậy hiện không rõ ràng, đồng thời cho rằng, hội nghị trước đó diễn ra tại Thụy Sĩ, với sự bảo trợ của các nước phương Tây, đã không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết khủng hoảng.

Phát biểu với kênh truyền hình Nga Zvevda ngày 16/7, ông Peskov đáp lại quan điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng “các đại diện của Nga nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai” vào mùa thu này.

Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng tại hội nghị đầu tiên diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6, Nga không được mời tham dự. Theo ông, đây “hoàn toàn không phải là một hội nghị thượng đỉnh hòa bình…. Vì vậy, có lẽ trước tiên cần phải hiểu ý ông ấy [Zelensky] là gì.”

Sự kiện “hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine” do Thụy Sĩ tổ chức tập trung vào ba điểm trong “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky, bao gồm trao đổi tù nhân, an ninh hạt nhân và cung cấp thực phẩm. Kế hoạch này được Kiev đưa ra lần đầu tiên vào cuối năm 2022, kêu gọi Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine mà Moskva đã sáp nhập.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã gọi hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ đăng cai là một “thất bại”, lưu ý rằng gần một nửa số phái đoàn được mời - bao gồm cả Trung Quốc - đã không có mặt. Bà Zakharova nói thêm rằng hội nghị đã thất bại trong việc thiết lập bối cảnh cho các cuộc đàm phán về một nền hòa bình bền vững.

Tuy nhiên, mới đây ngày 15/7, ông Zelensky tiếp tục gợi ý rằng Ukraine và những quốc gia ủng hộ nước này có ý định tổ chức “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” lần thứ hai vào tháng 11 năm nay, trước khi cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ diễn ra. Ông Zelensky lưu ý rằng sẽ có ba cuộc họp riêng biệt, tập trung vào an ninh năng lượng, tự do hàng hải và trao đổi tù nhân, để mở đường cho một hội nghị cấp cao khác.

Hãng tin Bloomberg hồi đầu tháng này bình luận rằng, việc Kiev thúc đẩy triệu tập một hội nghị thượng đỉnh trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ báo hiệu “cảm giác cấp bách từ phía Ukraine” khi nước này phải đối mặt với viễn cảnh chiến thắng thuộc về ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, người đã nhiều lần nói rằng ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu đắc cử, đồng thời chỉ trích việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuần trước cho biết Moskva không có kế hoạch tham dự bất kỳ hội nghị thượng đỉnh mới nào về Ukraine nhằm thúc đẩy cái mà ông gọi là “công thức ngõ cụt và giống như tối hậu thư” của Kiev.

Hôm 11/7, Điện Kremlin cũng đã nêu các tiêu chí cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine mới. Người phát ngôn Peskov cho biết Moskva sẵn sàng đối thoại với Kiev nhưng cần biết chính xác những gì sẽ được thảo luận trong chương trình nghị sự của hội nghị.

Ông Peskov nói: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng việc NATO mở rộng sang lãnh thổ Ukraine là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, một mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với sự tồn tại và an ninh của chúng tôi”.

Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh Nga sẽ không thảo luận bất kỳ chi tiết cụ thể nào nằm ngoài vấn đề chung về an ninh quốc gia.

Moskva đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không tham gia bất kỳ hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế nào dựa trên "công thức hòa bình" của ông Zelensky, điều mà họ cho là xa rời thực tế. Kế hoạch của ông Zelensky bao gồm các yêu cầu như Nga rút quân hoàn toàn khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố là của mình, các khoản thanh toán bồi thường và thiết lập tòa án tội ác chiến tranh.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã đặt ra các điều khoản của riêng mình để bắt đầu lệnh ngừng bắn và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev. Các điều kiện đó bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền, bao gồm các lãnh thổ ở vùng Donbas như Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia, cũng như cam kết pháp lý từ Kiev về việc không bao giờ gia nhập NATO.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dien-kremlin-phan-hoi-de-xuat-ve-hoi-nghi-thuong-dinh-hoa-binh-moi-cua-tong-thong-ukraine-20240716182053019.htm