Điện Kremlin vung 'thanh gươm' hạt nhân để sẵn sàng bảo vệ nước Nga

Năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần vung 'thanh gươm' hạt nhân, nhắc nhở rằng Điện Kremlin có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, trong bối cảnh phương Tây đang có ý định cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine để tấn công sâu vào lãnh thổ nước Nga.

Để nhắc nhở phương Tây không được vượt qua "lằn ranh đỏ" trong việc hỗ trợ cho Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 6 năm nay đã ra lệnh cho quân đội Nga tổ chức các cuộc tập trận có sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường với đồng minh Belarus.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh về răn đe hạt nhân tại Điện Kremlin vào ngày 25/9/2024. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh về răn đe hạt nhân tại Điện Kremlin vào ngày 25/9/2024. Ảnh: AP

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng tuyên bố Nga sẽ bắt đầu sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm trung phóng từ mặt đất, vốn bị cấm theo hiệp ước hiện đã không còn hiệu lực giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987. Và tháng trước, ông đã hạ thấp ngưỡng sử dụng kho vũ khí của Nga bằng cách sửa đổi học thuyết hạt nhân của đất nước.

Theo hãng tin AP, Tổng thống Putin đang dựa vào sức mạnh hạt nhân để làm đối trọng với kho vũ khí thông thường khổng lồ mà NATO có thể tài trợ cho Ukraine, nhằm ngăn chặn những gì ông coi là mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Vậy kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn đến mức nào và đang được hiện đại hóa ra sao. Dưới đây là cái nhìn cận cảnh cho câu hỏi đó.

Vũ khí chiến lược của Nga

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính Nga có tổng cộng 5.580 đầu đạn hạt nhân đã triển khai và chưa triển khai, trong khi Mỹ có 5.044 đầu đạn. Tổng cộng, con số này chiếm khoảng 88% vũ khí hạt nhân của thế giới.

 Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars được phóng lên trong cuộc tập trận hạt nhân của Nga năm 2022. Ảnh: AP

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars được phóng lên trong cuộc tập trận hạt nhân của Nga năm 2022. Ảnh: AP

Hầu hết trong số đó là vũ khí chiến lược hoặc vũ khí tầm bắn liên lục địa. Giống như Mỹ, Nga có bộ ba hạt nhân gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn từ mặt đất, máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm trang bị ICBM.

Kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Điện Kremlin đã nỗ lực nâng cấp các thành phần do Liên Xô chế tạo của bộ ba vũ khí chiến lược này.

Nga triển khai hàng trăm tên lửa mới trên đất liền, đưa vào hoạt động tàu ngầm hạt nhân mới và hiện đại hóa máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Nỗ lực cải tổ lực lượng hạt nhân của Điện Kremlin vì thế cũng thúc đẩy Nhà Trắng tiến hành hiện đại hóa kho vũ khí tương ứng của Mỹ.

Nga đã tái trang bị cho lực lượng tên lửa chiến lược trên bộ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars bệ phóng di động và gần đây đã bắt đầu triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat hạng nặng, đặt trong hầm - được phương Tây gọi là tên lửa “Satan II” - để dần thay thế khoảng 40 tên lửa R-36M do Liên Xô chế tạo. Sarmat mới có một lần thử nghiệm thành công và có tin rằng, đã xảy ra một vụ nổ lớn trong lần thử nghiệm không thành công vào tháng trước.

 Tàu ngầm hạt nhân Prince Vladimir, phía trên, và Yekaterinburg đang neo đậu tại một căn cứ hải quân Nga ở Gazhiyevo, Bán đảo Kola. Ảnh: AP

Tàu ngầm hạt nhân Prince Vladimir, phía trên, và Yekaterinburg đang neo đậu tại một căn cứ hải quân Nga ở Gazhiyevo, Bán đảo Kola. Ảnh: AP

Hải quân Nga đã đưa vào hoạt động 7 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei mới, mỗi tàu trang bị 16 tên lửa hạt nhân Bulava và có kế hoạch đóng thêm 5 tàu nữa. Các tàu này sẽ hình thành nên cốt lõi của thành phần hải quân trong bộ ba vũ khí chiến lược cùng với một số tàu ngầm hạt nhân thời Liên Xô vẫn đang hoạt động.

Nga vẫn dựa vào máy hai loại bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 do Liên Xô chế tạo mang theo tên lửa hành trình có đầu đạn hạt nhân. Moscow cũng khởi động lại việc sản xuất máy bay siêu thanh Tu-160 đã bị dừng lại sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, đặt mục tiêu chế tạo hàng chục chiếc siêu pháo đài bay hiện đại hóa với động cơ và thiết bị điện tử hàng không mới.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật và học thuyết hạt nhân của Nga

Các nguồn tin của Mỹ ước tính rằng Nga có từ 1.000 đến 2.000 vũ khí hạt nhân phi chiến lược hoặc chiến thuật được sử dụng trên chiến trường, thường kém mạnh hơn nhiều so với các đầu đạn chiến lược vốn có khả năng phá hủy toàn bộ thành phố.

Nga hiện sở hữu tên lửa đất đối đất Iskander có độ chính xác cao với tầm bắn lên tới 500 km, có thể lắp đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

 Quân đội Nga đang nạp tên lửa Iskander trong cuộc tập trận nhằm huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: AP

Quân đội Nga đang nạp tên lửa Iskander trong cuộc tập trận nhằm huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: AP

Không quân Nga cũng biên chế một phi đội máy bay chiến đấu MiG-31 mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal, có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Nga đã sử dụng rộng rãi các phiên bản thông thường của cả Iskander và Kinzhal trong cuộc xung đột với Ukraine.

Là một phần trong thông điệp hạt nhân của Điện Kremlin, Nga và đồng minh Belarus đã tổ chức các cuộc tập trận để huấn luyện quân đội của họ với vũ khí hạt nhân trên chiến trường vào tháng 5, ngay sau khi Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm của mình .

Trong nhiều thập kỷ, Moscow và Washington đã dựa vào khả năng răn đe hạt nhân. Học thuyết hạt nhân của Nga được thông qua vào năm 2020 dự kiến sử dụng các loại vũ khí tối tân như vậy để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa “sự tồn tại của nhà nước Nga”.

 Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga bắn một tên lửa hành trình vào các mục tiêu thử nghiệm trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga bắn một tên lửa hành trình vào các mục tiêu thử nghiệm trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP

Tháng trước, Tổng thống Putin đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ khiến NATO rơi vào tình trạng chiến tranh với Moscow.

Ông củng cố thông điệp bằng cách công bố phiên bản mới của học thuyết hạt nhân coi một cuộc tấn công thông thường vào Nga, do một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ, sẽ bị xem là một cuộc tấn công đe dọa tồn vong của đất nước ông - một lời cảnh báo rõ ràng tới Mỹ và các đồng minh khác của Kiev.

Tổng thống Putin cũng tuyên bố văn bản sửa đổi này dự kiến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trên không lớn, mở ra khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ cuộc tấn công trên không nào.

 Bộ ba máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân Tu-95 của Nga bay qua Quảng trường Pushkin ở Moscow. Ảnh: AP

Bộ ba máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân Tu-95 của Nga bay qua Quảng trường Pushkin ở Moscow. Ảnh: AP

Đình chỉ Hiệp ước START mới

Hiệp ước cắt giảm vũ khí START mới giữa Mỹ và Nga được ký vào năm 2010 - hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa Moscow và Washington - có hiệu lực đến năm 2026, giới hạn mỗi quốc gia không được triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa và máy bay ném bom.

Vào tháng 2 năm 2023, Tổng thống Putin đã đình chỉ sự tham gia của Nga vào "New START", nhưng tuyên bố rằng Nga sẽ tuân thủ các giới hạn của hiệp ước này.

 Bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến lược RS-24 Yars của Nga trong một cuộc tập trận ở vùng Ivanovo. Ảnh: AP

Bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến lược RS-24 Yars của Nga trong một cuộc tập trận ở vùng Ivanovo. Ảnh: AP

Vào tháng 7, nhà lãnh đạo này tuyên bố Nga sẽ khởi động sản xuất tên lửa tầm trung trên mặt đất vốn bị cấm theo Hiệp ước INF của Liên Xô và Mỹ hiện đã không còn hiệu lực (Hiệp ước INF ký năm 1987 cấm các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km). Tổng thống Putin cho biết Moscow sẽ đáp trả tương tự đối với kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tới Đức.

Hiện tại, Washington đã thúc giục Moscow nối lại đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Nhưng phía Nga đã từ chối lời đề nghị này khi nói rằng các cuộc đàm phán như vậy là vô nghĩa trong bối cảnh Mỹ đang công khai tìm cách gây ra thất bại chiến lược cho Nga ở Ukraine.

Tiếp tục thử nghiệm hạt nhân

Những người theo đường lối cứng rắn của Nga đang kêu gọi nối lại các cuộc thử hạt nhân để chứng minh sự sẵn sàng của Moscow trong việc sử dụng kho vũ khí nguyên tử của mình và buộc phương Tây hạn chế viện trợ cho Kiev.

Tổng thống Putin cho biết Nga có thể tiếp tục thử nghiệm nếu Mỹ làm trước, một động thái sẽ chấm dứt lệnh cấm toàn cầu có hiệu lực sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov cho biết bãi thử hạt nhân trên quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Cực đã sẵn sàng tiếp tục thử nghiệm nếu Mỹ có động thái tương tự.

Vào năm 2018, Tổng thống Putin đã tiết lộ một loạt vũ khí mới, tuyên bố chúng sẽ vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tiềm tàng của Mỹ.

Chúng bao gồm phương tiện lướt siêu thanh Avangard, có khả năng bay nhanh hơn 27 lần so với tốc độ âm thanh và thực hiện các động tác sắc bén để né tránh lá chắn tên lửa của đối phương. Những đơn vị đầu tiên như vậy đã đi vào hoạt động.

Tổng thống Putin cũng đề cập đến tàu ngầm không người lái Poseidon được trang bị vũ khí hạt nhân và chạy bằng năng lượng nguyên tử, được thiết kế để phát nổ gần bờ biển và gây ra sóng thần phóng xạ. Đầu năm nay, ông cho biết các cuộc thử nghiệm Poseidon sắp hoàn tất.

 Hình ảnh này được trích từ video do đài truyền hình Nga RU-RTR cung cấp cho thấy tên lửa siêu thanh Avangard phóng đi tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: AP

Hình ảnh này được trích từ video do đài truyền hình Nga RU-RTR cung cấp cho thấy tên lửa siêu thanh Avangard phóng đi tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: AP

Một tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng nguyên tử, khái niệm có từ thời Chiến tranh Lạnh, cũng đang được phát triển. Nhưng tên lửa này, được gọi là Burevestnik, hay Petrel, đã làm dấy lên sự hoài nghi trong số các chuyên gia, những người trích dẫn các trở ngại về công nghệ và lo ngại về an toàn bức xạ.

Trong các cuộc thử nghiệm vào năm 2019, một vụ nổ tại một bãi thử hải quân trên Biển Trắng được cho là liên quan đến Burevestnik đã giết chết năm kỹ sư và hai quân nhân, và gây ra một đợt tăng đột biến ngắn về bức xạ.

Dù vậy, Tổng thống Putin cho biết năm nay quá trình phát triển đã bước vào giai đoạn cuối và quân đội Nga đã xây dựng một căn cứ cho tên lửa này ở khu vực Vologda, phía tây bắc nước này.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-kremlin-vung-thanh-guom-hat-nhan-de-san-sang-bao-ve-nuoc-nga-post317592.html