Diện mạo của báo chí và việc thực hiện Quy hoạch báo chí 2019

Sau ngót 100 năm phát triển nền báo chí cách mạng, ngày nay báo chí nước ta có diện mạo giống như nhiều nước trong khu vực và thế giới. Đó là, tồn tại hệ thống báo in với công nghệ tiên tiến và phát triển mang tính bùng nổ hệ thống phát thanh-truyền hình, hệ thống báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp như một binh chủng hợp thành trên mặt trận tuyên truyền, phản ánh các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, hội nhập quốc tế và những câu truyện truyền cảm hứng muôn mặt đời thường, nêu những tấm gương đáng tôn vinh. Báo chí đã dương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc và quảng bá ra thế giới hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam…

Diện mạo tổng quan Báo chí cách mạng Việt Nam

Đất nước với 100 triệu dân, đứng thứ 13 trên thế giới, phân bổ ở 63 tỉnh, thành phố. Nước ta có 840 cơ quan báo chí in. Trong đó 127 báo và 670 tạp chí (327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật) với 1.120 ấn phẩm, 72 cơ quan phát thanh-truyền hình, bao gồm 3 đài Trung ương, 64 đài cấp tỉnh, 5 hãng truyền hình trong cơ quan đa phương tiện (thuộc các báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân Dân, Công an Nhân dân-ANTV, PT-TH Quốc phòng và Việt Nam News) với tổng số 77 kênh phát thanh, 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, 63 kênh truyền hình địa phương, 57 kênh nước ngoài cung cấp dịch vụ trả tiền. Hệ thống truyền hình cáp, vệ tinh mặt đất và công nghệ IPTV phát triển mạnh với 73 kênh trả tiền, một hãng thông tấn quốc gia, 90 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo in, tạp chí điện tử độc lập, 215 trang thông tin điện tử tổng hợp và 1.640 trang điện tử khác có tính truyền thông. Số lao động hoạt động báo chí có khoảng hơn 41.000 người, gần 50% được cấp thẻ Nhà báo (giai đoạn 2021-2025)…

Trong thời kỳ mới, trước tình hình kinh tế-xã hội phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và quốc gia phát triể̉n vào năm 2045 thì vai trò báo chí vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, báo chí cũng phải hòa nhập trong nền kinh tế thị trường theo hướng xác lập quyền tự chủ. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực ở Trung ương như: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Đại biểu Nhân dân… đồng thời thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo, tạp chí phục vụ nhiệm vụ chính trị dược xác định. Phương thức ấy đòi hỏi phải đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm, đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của các tầng lớp, từng nhóm độc giả, vùng miền...

Bản Quy hoạch báo chí năm 2019 và việc thực hiện

Chủ trương Quy hoạch báo chí được khởi thảo từ năm 2006. Sau 13 năm nghiên cứu và xây dựng, ngày 3/4/2019 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Mục tiêu của Quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí in gắn với mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng báo chí in, mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm, một số báo xây dựng mô hình truyền thông đa phương tiện và xác lập quyền tự chú về tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chí chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo, tạp chí phục vụ nhiệm vụ chính trị được xác định.

Theo Quy hoạch đó, một số báo chủ lực thực hiện mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện (Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Ở Trung ương, mỗi ban Đảng có một tạp chí in, có phiên bản điện tử và sẽ chuyển dần sang tạp chí điện tử. Sau năm 2020, trên cơ sở Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, sẽ hợp nhất tạp chí các ban Đảng để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung đa phương tiện. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có một cơ quan báo, một tạp chí in. Lộ trình thực hiện đến năm 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ban, ngành hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội sắp xếp còn tối đa 5 cơ quan báo chí. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn tối đa 3 cơ quan báo chí và đến năm 2025 Trung ương Đoàn và hai thành phố lớn kể trên hoàn thành việc sắp xếp chỉ còn 01 cơ quan báo chí. Đáng lưu ý khoản d của Quy hoạch quy định “Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành…” nên xuất hiện tràn lan các loại hình tạp chí in, tạp chí điện tử.

Chủ trương thực hiện trong 6 năm (2019 – 2025) nhưng đến nay đã trải qua 4 năm nhiều nội dung trong Quy hoạch xem ra chuyển biến chậm trong việc thực hiện theo lộ trình, nhất là cái mốc năm 2020. Chủ quản nhiều cơ quan báo chí đang còn lúng túng trong triển khai. Ngoài mấy chục cơ quan báo của các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp chuyển sang mô hình tạp chí, đổi hình thức từ khuôn khổ 29 x 42 cm sang khổ 29 x 37 cm giữ măng-séc như báo, giữ nguyên số kỳ xuất bản, thậm chí tăng kỳ xuất bản so với khi còn là báo và nội dung vẫn đậm bóng dáng của một tờ báo, thiếu hụt tiêu chí đối với tạp chí. Ở các cơ quan Trung ương, nhiều nơi vẫn tồn tại nhiều tạp chí thuộc các Tổng cục, các lĩnh vực chuyên ngành. Có những tạp chí “thuê” Tổng biên tập (nhà báo đã về hưu) chỉ đứng tên như của hàng thuốc tây thuê bằng dược sĩ.

Khắc phục xu hướng “báo hóa tạp chí” và “thương mại hóa báo chí”

Tình trạng cấp phép có phần tràn lan báo điện tử, trang thông tin điện tử, tạp chí khoa học chuyên ngành và gia tăng xu hướng “báo hóa tạp chí”, “báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp” diễn ra khá phổ biến, khiến công chúng khó phân biệt đâu là báo, đâu là tạp chí, đâu là trang thông tin điện tử tổng hợp(!). Không ít tạp chí điện tử đăng tải tin, bài hàng ngày, hàng giờ về tất cả các lĩnh vực như báo điện tử với tỷ lệ cao hơn số lượng tin, bài dành cho đối tượng mà tạp chí đó phục vụ. Nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp lập giao diện giống như một tờ báo điện tử rồi dẫn đường truyền truy cập chủ yếu là tin, bài tiêu cực, gợi ý tò mò, hiếu kỳ, gây sốc, với số lượng dày đặc để tăng số ngươì̀ đọc, thu hút quảng cáo.

Những cơ quan báo chí được Nhà nước tập trung đầu tư vừa có nguồn ngân sách lớn vừa được ưu đãi bởi các ngành, các doanh nghiệp hỗ trợ những hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo, tổ chức sự kiện với một lượng kinh phí có đến hàng trăm tỷ đồng. Cũng có những cơ quan báo phát không hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn tờ báo in cho đảng viên 50 năm, 55 năm tuổi đảng trở lên và cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở từ nguồn ngân sách Đảng nên rất ung dung, hoành tráng. Trong khi đó, hầu hết các cơ quan báo chí khác phải tự chủ về kinh phí hoạt động, buộc phải vận hành theo phương thức “kinh tế báo”. Mô hình ấy có mặt thuận nhưng cũng bộc lộ mặt trái là hoạt động dễ chệch hướng theo lối “báo hóa tạp chí”, “thương mại hóa về nội dung”, không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, phóng viên phải bươn trải vật lộn với nhu cầu đời sống do nhiều cơ quan không có nguồn trả lương cho người lao động, thậm chí còn giao khoán các khoản tiền phải nộp cho tòa soạn. Đây là nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực như vòi vĩnh, chèo kéo tống tiền, dọa dẫm để xin hợp đồng quảng cáo, tài trợ… về tận cấp xã, cơ sở y tế, trường mầm non ở cơ sở. Trong những năm qua, nhiều phóng viên vi phạm pháp luật, bị khởi tố hình sự từ cách làm lệch lạc ấy. Số đối tượng này thường là người thuộc các cơ quan báo chí không được bao cấp, chủ yếu là các báo, tạp chí, tạp chí điện tử của một số tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp…

Trong những năm tới, cùng với việc thực hiện Quy hoạch báo chí cần chấn chỉnh, khắc phục những khuyết tật, hạn chế trên để báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển theo xu thế thời đại, vươn lên tầm cao mới. Cùng với đó, cũng cần xem xét Luật Báo chí 2016 vì qua hơn 8 năm thực hiện, Luật bộc lộ 27 nội dung, chi tiết bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Mội số cơ quan báo chí thuộc tổ chức xã hội, xã hội đặc thù ở Trung ương, tổ chức chính trị-xã hội ở thành phố lớn có bề dày truyền thống, có thương hiệu, thu hút đông đảo bạn đọc, đạt hiệu quả tuyên truyên cao nên cân nhắc, có thể cho phép duy trì là cơ quan báo chứ không giải thể, sáp nhập hay chuyển sang mô hình tạp chí như Quy hoạch đặt ra.

Kim Quốc Hoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dien-mao-cua-bao-chi-va-viec-thuc-hien-quy-hoach-bao-chi-2019-356116.html