Diện mạo hàng loạt cây cầu ở TP.HCM được tái khởi động xây dựng sau thời gian 'đứng hình'
Nhiều cây cầu trên địa bàn quận Bình Tân, TP Thủ Đức (TP.HCM) đang được tái khởi động trong năm nay sau thời gian dài ngừng thi công.
Dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát (quận Bình Tân) khởi công vào đầu năm 2018 để thay thế cho cầu cũ bị sụp cách đây 7 năm. Cầu được thiết kế dài 83m, rộng 16m, đoạn đường dẫn dài 225m.
Từ cuối năm 2018, công trình dừng thi công cho đến nay. Hiện tại công trường vẫn chỉ có nhịp cầu bắc qua kênh, chưa có đường dẫn, xung quanh được rào kín. Bốn thang bộ dẫn lên cầu chính đã xong nhưng ố đen, bong tróc. Bề mặt cầu lồi lõm, sắt thép gỉ sét, hệ thống ống dẫn bạc màu do phơi nắng lâu ngày. Cây, cỏ dại mọc bao trùm che khuất công trình, những đống vật liệu xây dựng, ống cống, bê-tông.
Nhiều năm qua, người dân trong khu vực phải di chuyển tạm bằng cầu sắt ở hai hướng để ra quốc lộ 1 hoặc vào trung tâm thành phố qua đường Tân Kỳ - Tân Quý. Do đường hẹp nên thường xuyên bị kẹt xe. Sở GTVT TP.HCM đã đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM khẩn trương hoàn tất công tác lập hồ sơ thiết kế để đấu thầu, chọn nhà thầu thi công, dự kiến tái khởi công dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý trong cuối năm nay, hoàn thành sau một năm.
Cách đó khoảng 5km, cầu Bà Hom được tái khởi động từ ngày 28/11 sau khi được bàn giao đủ mặt bằng. Cầu nằm trên đường tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, khởi công năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 374 tỉ đồng, nhằm thay cầu cũ có từ trước năm 1975 đã xuống cấp trầm trọng.
Cầu có chiều dài cầu 93m, rộng 18 m cho 4 làn xe chạy, đường dẫn dài 332m. Công trình qua kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự kiến hoàn thành sau 8 tháng nhưng vướng mặt bằng phải ngưng thi công suốt 5 năm qua. Công trình hiện hoàn thiện một số hạng mục như trụ cầu, nhịp giữa cầu. Thời gian qua người dân phải tạm thời qua lại bằng hai cầu sắt.
Phần đường dẫn ở hai đầu cầu cũng đã được mở rộng ra để nhà thầu thuận tiện thi công. Việc xây dựng mới cầu Bà Hom mới sẽ nối TP.HCM với các tỉnh lân cận ở cửa ngõ phía Tây qua tỉnh lộ 10, giúp giảm tình trạng kẹt xe giờ cao điểm. Ngoài ra, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ở khu vực này cũng đang được cải tạo, giúp thay đổi diện mạo, kết nối giao thông trục phía Tây, nâng cao chất lượng sống, tạo cơ hội đổi đời cho người dân hai bên bờ.
Hiện tại trên mặt cầu đơn vị thi công đang tập kết sắt thép, gạch đá để xây dựng lại. Bên trong rào chắn máy móc được huy động để tiếp tục công trình dang dở trong cuối năm nay. Theo Sở GTVT TP.HCM, các hạng mục thi công gồm: mố cầu, tường chắn, bản mặt cầu.
Dự án xây dựng cầu Nam Lý, TP.Thủ Đức (thay thế đập Rạch Chiếc) có tổng mức đầu tư 919 tỷ đồng. Công trình khởi công cuối năm 2016, đến tháng 3/2019 phải tạm dừng thi công vì không có mặt bằng để tiếp tục triển khai. Đến cuối tháng 3 năm nay, UBND TP.Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tiếp tục thi công dự án.
Cầu Nam Lý dài 450m, chia làm hai nhánh rộng 20m, còn lại là đường dẫn rộng 30-37m. Sau 7 tháng được bàn giao mặt bằng, nhà thầu thi công đã hợp long nhịp chính đơn nguyên đầu tiên của cây cầu, nhịp chính thứ 2 đang được khẩn trương thi công dầm kết nối các trụ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), hiện nay chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân trên 95% tổng vốn được giao của dự án trước ngày 31/12/2023. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành 100% khối lượng thi công, thông xe cầu Nam Lý vào dịp 2/9/2024.
Phần cầu đường Đỗ Xuân Hợp hướng đi đường Võ Nguyên Giáp đang được thi công trụ. Cầu Nam Lý là dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cửa ngõ thành phố.
Cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu nằm trên đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức được khởi công vào tháng 12/2017 đến tháng 9/2019 phải tạm dừng thi công vì vướng mặt bằng. Dự án gồm xây dựng mới 2 cầu bắc qua rạch, mỗi cầu rộng 11m với 2 làn đường. Ngoài ra là hệ thống tường chắn, đường dân sinh hai bên đầu cầu. Công trình có mức đầu tư 741 tỷ đồng này bị “đứng hình” khi thi công được 3 nhịp cầu qua rạch và một đoạn đường dẫn.
Các nhịp cầu đã xây xong từ lâu nằm trơ trọi, sắt thép hoen rỉ. Nhiều khu vực giữa, hai bên cầu cây, cỏ dại mọc um tùm, rào chắn nghiêng ngã, rác chất thành đống. Thời gian qua xe cộ phải lưu thông qua câu cầu cũ và cầu tạm chật hẹp.
Ngày 28/10, UBND TP.Thủ Đức và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã thực hiện bàn giao và thi công cầu Tăng Long.
Hiện tại trên công trường tại khu vực dưới nhịp cầu được rào chắn, bên trong tập kết các ống thép, phần đường dẫn các cột bê-tông đã được đổ chất thành đống. Cầu Tăng Long có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông đường bộ cũng như phục vụ vận tải đường thủy từ Khu Công nghệ cao ra sông Rạch Chiếc. Do đó, việc mở rộng cầu Tăng Long để hỗ trợ cho vận tải hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế và chỉnh trang đô thị.
Cầu Long Đại (tên cũ là cầu Phước Thiện) bắc qua sông Tắc - một nhánh của sông Đồng Nai, nối phường Long Bình với Long Phước, TP.Thủ Đức. Dự án được phê duyệt năm 2015, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 353 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố. Tháng 3/2017, cầu được khởi công và dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng.
Đến cuối năm 2022, dự án được hoàn tất công tác bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục tiếp tục thi công. Đến cuối tháng 11, cây cầu đã gần như hoàn thiện, dự kiến được thông xe trong tháng 12. Cầu có chiều dài 490m, rộng 14m, có 4 làn xe.
Cầu Long Đại khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối giao thông hai phường Long Bình và Long Phước, các khu dân cư quanh khu vực… Nếu trước đây người dân hai bên bờ phải di chuyển đường vòng hơn 10km thì nay được rút ngắn chỉ còn 500m.
Cầu góp phần chia sẻ áp lực giao thông của khu vực, thay đổi diện mạo đô thị TP.Thủ Đức.