Diện mạo mới cho kinh tế tập thể

Khái niệm về hợp tác xã với tư duy duy trì để tồn tại hiện đã không còn mà hợp tác xã nay đã đổi mới, phát triển mô hình liên kết sản xuất tạo ra bước đột phá mang tới diện mạo mới cho địa phương.

Khái niệm về hợp tác xã với tư duy duy trì để tồn tại hiện đã không còn mà hợp tác xã nay đã đổi mới, phát triển mô hình liên kết sản xuất tạo ra bước đột phá mang tới diện mạo mới cho địa phương. Từ đó, góp phần đẩy mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Mô hình nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa Nam Định. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Mô hình nuôi trồng thủy sản của Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa Nam Định. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Là một trong những hợp tác xã điển hình trên địa bàn tỉnh Nam Định, ngoài sản xuất cơ khí, nhằm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giữ gìn nghề truyền thống địa phương, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp cơ khí Xuân Tiến (xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh) còn là đơn vị tiên phong đầu tư gần 2,5 tỷ đồng cho hệ thống nhà xưởng, máy móc, cơ sở sản xuất.

Cũng nhờ nhanh nhạy ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, bánh đa nem Xuân Tiến đã từng bước khẳng định thương hiệu và người tiêu dùng đón nhận. Qua đó, công việc của thành viên hợp tác xã được đảm bảo, thu nhập cũng ngày càng tăng hơn so với trước.

Tương tự, Hợp tác xã Nấm và Tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định sau 9 năm đi vào hoạt động đã có bước đi đột phá về mô hình sản xuất nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm. Qua đó, giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả của quy trình sản xuất nấm cũng như chủ động được nguồn cung.

Anh Vũ Tuấn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nấm và Tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp chia sẻ: Trung bình mỗi năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại với giá bán 160.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, 800.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 35.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò tươi, 50.000 đồng/kg nấm đùi gà tươi…

Đặc biệt, hợp tác xã đã thực hiện thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao và sở hữu 6 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm nấm sò trắng Tuấn Hiệp, nấm sò nâu Tuấn Hiệp, nấm linh chi Xuân Thủy, mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, nem nấm Tuấn Hiệp, giò nấm Tuấn Hiệp.

Từ thành công này, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm của hợp tác xã không chỉ mang lại thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hợp tác xã mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động chính thức và 10 lao động thời vụ.

Mô hình trồng nấm, sản xuất ra sản phẩm OCOP của Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp. Ảnh Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Mô hình trồng nấm, sản xuất ra sản phẩm OCOP của Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp. Ảnh Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Theo anh Vũ Tuấn Hiệp, thị trường tiêu thụ của hợp tác xã chủ yếu trong và ngoài tỉnh với tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về chiếm trên 80%, cung không đủ cầu.

Tới đây, hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô sản xuất, bởi hiện nay nguồn nguyên liệu tại địa phương đang sẵn có. Đồng thời, hợp tác xã đã phát triển thêm 1 - 2 sản phẩm OCOP; đầu tư thêm máy móc hiện đại vào sản xuất nấm.

Tương tự, tại huyện Xuân Trường dù có không ít nghề đã gắn bó với người dân trong nhiều thập kỷ nhưng mang lại hiệu quả không cao. Chỉ đến khi bà con thay đổi cách làm, ứng dụng kỹ thuật mới, những nghề cũ mới bắt đầu phát huy được tiềm năng.

Thời gian qua, xã Xuân Phú, Xuân Kiên huyện Xuân Trường đã huy động mọi nguồn lực trong dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Song song đó, các xã còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP và phấn đấu có 4 sản phẩm vào năm 2025. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được chú trọng đầu tư như cơ khí, chế biến nông sản, đồ gỗ; phát triển thương mại và dịch vụ…Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh mẽ với 90% là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, chỉ còn 10% làm nông nghiệp nhưng là nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực này.

Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong, thành phố Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành-TTXVN

Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong, thành phố Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành-TTXVN

Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm.

Hàng năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh còn tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như Hợp tác xã nước sạch và môi trường Sông Đào (Nam Trực); Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường Bạch Long, Hợp tác xã Môi trường Giao Long, Hợp tác xã Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ngô Đồng, Hợp tác xã Dịch vụ vệ sinh môi trường Vạn Xuân (Giao Thủy)...

Tuy nhiên, ông Trần Văn Phiệt cũng chỉ ra rằng do hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ở từng lĩnh vực có sự khác nhau nên việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số của tỉnh mới tập trung ở một số khâu như quản lý điều hành sản xuất (công nghệ tưới tiêu, chế biến), truy xuất nguồn gốc (dán tem, mã QR), giao dịch thương mại điện tử….

Do đó, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định sẽ cùng các cơ quan liên quan có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để hợp tác xã trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Việc này nhằm giúp để hợp tác xã khẳng định làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định dự kiến lồng ghép thêm các chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện chủ trương về quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Đặc biệt, hỗ trợ hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế hợp tác và sàn giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy hợp tác xã phát triển theo hướng liên kết chuỗi, tạo đầu ra lớn cho sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dien-mao-moi-cho-kinh-te-tap-the/306787.html