Diện mạo mới cho ngành đường sắt
Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự báo sẽ mang lại diện mạo mới cho ngành đường sắt Việt Nam.
Tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả
Những năm vừa qua, dịch vụ vận tải đường sắt đã dần được cải thiện, bước đầu đã liên kết phát triển dịch vụ logistics trong vận tải hàng hóa; duy trì được ưu thế vận chuyển mặt hàng truyền thống (quặng, apatit, xăng dầu...) và các tuyến liên vận quốc tế đi Trung Quốc, châu Âu. Khối lượng hàng hóa luân chuyển của ngành dường sắt đã tăng lên đạt khoảng gần 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỷ trọng ngành này chỉ chiếm 0,3% trong toàn bộ hệ thống vận tải cả nước, là mức thấp so với các nước trên thế giới.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đường sắt trong các năm qua không được chú trọng đầu tư, không có kinh phí để nâng cấp, xây dựng mới, nguồn kinh phí đầu tư cho ngành chỉ đủ duy trì trạng thái hiện có. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng lạc hậu, từ công nghệ vận hành tàu, cho đến hệ thống nhà ga, điểm tập kết hàng hóa… khiến vận tải đường sắt không thể cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác, dù giá rẻ.
“Nếu không khai thác được hạ tầng giao thông đường sắt hiệu quả, khó có thể phát triển các ngành công nghiệp nặng, cũng như các ngành công nghiệp khác. Ngược lại, khi đường sắt phát triển đồng bộ và có liên kết với các loại hình vận tải khác, đường bộ sẽ chỉ còn đóng vai trò kết nối ở các chặng ngắn, sẽ giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, cắt giảm tối đa thời gian luân chuyển hàng hóa. Điều này giúp cho hệ thống logistics như hệ thống kho bãi, thu gom hàng hóa, các dịch vụ khách hàng… sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đường bộ, dần bám theo trục xương sống là đường sắt” - ông Minh chỉ rõ.
Diện mạo mới cho ngành đường sắt
Nhằm phát huy vai trò của hệ thống đường sắt trong ngành dịch vụ logistics, ngày 1/11, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Lễ công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có; Quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km. Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.
Riêng giai đoạn đến 2030, nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Đặc biệt, với quy hoạch đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thông tin, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ về việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao. “Đường sắt tốc độ cao là điểm mới hoàn toàn mà những quy hoạch trước đây chưa đưa ra. Trong nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam để nhiệm kỳ này tập trung vào khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2028-2029 sẽ khởi công những gói thầu đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là Hà Nội-Vinh, Nha Trang-TP Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Cùng với quy hoạch đường sắt, mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (ILS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong khai thác vận tải, các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư đường sắt, nhằm phát huy được ưu thế lĩnh vực vận tải này.
Theo thỏa thuận, ILS sẽ kết nối để cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp dịch vụ sử dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng của cả hai bên, như các loại phương tiện vận tải, nhà ga, kho tàng, bến bãi, cảng, trung tâm logistics...
Cụ thể, VNR sẽ tối ưu từng phương thức vận tải trong chuỗi cung ứng logistics, tạo điều kiện để ILS cung cấp các dịch vụ vận tải kết nối với các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển đến với khách hàng. Bên cạnh đó, ILS đề nghị cùng VNR nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư các ga đường sắt, trung tâm logistics đường sắt, phương tiện vận tải như toa xe chở hàng rời, hàng container và phương tiện bốc xếp chuyên dụng… Từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả mà hệ thống đường sắt mang lại cho ngành dịch vụ logistics nước ta.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,4% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%)…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-mao-moi-cho-nganh-duong-sat-166695.html