Diện mạo mới nông thôn Đất Tổ
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, có gần 1,4 triệu dân, trong đó hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn, có gần 300 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp.
Áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
(baophutho.vn) - Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, có gần 1,4 triệu dân, trong đó hơn 80% dân số sống ở vùng nông thôn, có gần 300 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực thực hiện mạnh mẽ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia xây dựng NTM, làm thay đổi diện mạo các vùng quê.
Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã được phát huy; phương án triển khai được xây dựng cụ thể, phù hợp với thực tế, đảm bảm quy trình và nguyên tắc dân chủ, công khai, tự nguyện, cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cơ sở và người dân; công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nội dung Chương trình được chú trọng. HĐND tỉnh cũng đã ban hành các Nghị quyết hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, dịch vụ nông thôn mới; quy định chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích đầu tư vào doanh nghiệp; quy định về cơ chế hỗ trợ nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020...
UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch, văn bản triển khai các chương trình cụ thể như: Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đến năm 2020, ban hành các kế hoạch chuyên đề giai đoạn 2016-2020 theo từng lĩnh vực: Phát triển kinh tế tập thể, trang trại làng nghề, nuôi cá lồng trên sông, phát triển chè, bưởi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Cơ chế, chính sách phù hợp đã được triển khai xuống cơ sở nhanh chóng đi vào cuộc sống được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, ai cũng thấy sự sầm uất, nhộn nhịp như phố thị thu nhỏ. Là xã công giáo toàn tòng với khoảng 99% dân số là đồng bào theo đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với Hội đồng giáo chức để vận động giáo dân thực hiện đúng lời răn của Chúa, sống “tốt đời đẹp đạo”; tham gia đầy đủ các phong trào, cuộc vận động của địa phương. Nhờ đó, Hoàng Xá đã đạt chuẩn NTM năm 2017 với tỉ lệ từ 80% trở lên của các tiêu chí. Ông Hoàng Văn Tố, một giáo dân khẳng định: “Xây dựng NTM là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp người dân phát triển kinh tế. Là giáo dân chúng tôi phải có tinh thần đóng góp xây dựng quê hương. Đây cũng là chủ trương được nhà thờ ủng hộ, vận động giáo dân làm theo nên chúng tôi tuân theo lời răn của Chúa, hết lòng hỗ trợ chính quyền địa phương trong xây dựng NTM, thay đổi bộ mặt nông thôn”.Chí Tiên là một trong những xã của huyện Thanh Ba sớm hoàn thành dồn điền đổi thửa với gần 35ha, thu gọn 900 thửa nhỏ lẻ xuống còn 300 thửa ruộng và được quy hoạch hiện đại, đường đi song song với mương tưới tiêu. Thành công này nhờ sự quyết tâm cao và các biện pháp “Dân vận khéo” của Đảng ủy, chính quyền xã. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, quá trình dồn điền đổi thửa của xã gặp không ít khó khăn do đất lúa và đất màu xen kẽ, nhiều diện tích dôi dư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc đó, vai trò của các Bí thư chi bộ trong việc vận động nhân dân rất quan trọng. Sau nhiều cuộc họp thôn, xóm, kết hợp Ban công tác Mặt trận xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu. Kết quả, nhân dân nhất trí đóng góp công sức, đất đai và tiền bạc để dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đồng… Diện tích các hộ đều được chia công bằng, ruộng nhà nào cũng giáp đường, giáp mương nên nhân dân rất hồ hởi và đồng thuận cao, từ đó góp phần xây dựng NTM thành công.Những năm qua, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện là Lâm Thao, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì đạt chuẩn NTM; 100/196 xã; 1.183/2.040 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn NTM. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trước 3 năm, tạo không khí thi đua mạnh mẽ ở các địa phương. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp mới cả về chiều rộng và chiều sâu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Trao đổi với chúng tôi về mục tiêu trong thời gian tới, ông Nguyễn Nam Cường- Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới khẳng định: Để đảm bảo mục tiêu đề ra, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM. Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ dành trên 13.200 tỉ đồng từ các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có 6/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tăng thêm 02 huyện Thanh Ba và Phù Ninh); Có 137/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 42 xã), đạt 70% tổng số xã; có 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 20,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Đồng thời tiếp tục nâng cao các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn thông qua vận động xã hội hóa, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.Với chính sách mới, cách làm hay, tư duy mới sẽ là một “luồng gió mới” làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của tỉnh, giúp chương tình xây dựng NTM không có điểm dừng trong chặng đường phía trước.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202109/dien-mao-moi-nong-thon-dat-to-179251