Diện mạo mới tại dự án đường 700 tỷ ở Hà Nam
Hàng loạt cọc tiêu cảnh báo, người điều tiết giao thông, cam kết không sử dụng xe cơi nới thành thùng đã được Chủ đầu tư dự án bổ sung.
Sau khi Báo Giao thông phản ánh về tình trạng mất ATGT khi thi công trên tuyến đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Chủ đầu tư dự án đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại.
Cam kết không để tái diễn những vi phạm
Ghi nhận thực tế trên Dự án thành phần 2 - dự án nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cho thấy hàng cọc tiêu trên dọc tuyến dài 16,3km đã được sơn, sửa và nối với nhau bằng dây phân làn (sử dụng dây dứa). Bên cạnh đó, ở những điểm giao cắt, nhà thầu đã bố trí công nhân trực cảnh giới cho các phương tiện chở VLXD cho dự án.
Tại điểm thi công thuộc xóm 7, xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Văn Từ (quê Nam Định) cho hay: Tôi vào làm ở công trường này được khoảng 6 tháng. Công việc của tôi là bảo vệ. Vừa rồi được cử ra đứng gác điểm để hướng dẫn xe ra vào đổ đất, cát và cảnh giới cho các phương tiện lưu thông trên đường tránh va chạm, ùn tắc giao thông.
Cách đó không xa, tại phần đường đang thi công thuộc địa phận huyện Duy Tiên, anh Nguyễn Thế Phúc - cán bộ tư vấn giám sát cho biết: Đoạn này chúng tôi đang triển khai cắm bấc thấm để xử lý nền đất yếu và chuẩn bị cho giai đoạn chờ gia tải. Việc xử lý nền đất yếu rất quan trọng nên tôi phải bám sát việc thi công.
Theo quan sát của PV, dọc tuyến, đơn vị thi công cũng đã cho các nữ công nhân dọn dẹp đất, đá rơi vãi trên tuyến đường đang khai thác ở các đoạn có tổ chức thi công. Đặc biệt, nhà thầu đã thay thế toàn bộ xe chở VLXD cơi nới thành thùng bằng những xe đảm bảo tiêu chuẩn và thực hiện giám sát chặt về tải trọng... Diện mạo của dự án đã thay đổi hoàn toàn so với 1 tuần trước đó.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Huy Tuấn - Phó giám đốc Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hà Nam (đại diện Chủ đầu tư dự án) cho biết, ngay sau khi có phản ánh của Báo Giao thông, chúng tôi đã kiểm tra. Thực tế đúng như phản ánh. Ở đây, chịu trách nhiệm chính là đơn vị tư vấn. Tư vấn không đôn đốc nhà thầu, không theo dõi sát sao, không báo cáo chủ đầu tư để kịp thời chấn chỉnh.
"Chúng tôi đã đình chỉ thi công, yêu cầu nhà thầu và tư vấn giám sát rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những tồn tại hạn chế. Phía nhà thầu và tư vấn giám sát cũng đã cam kết nếu để tái diễn tình trạng mất ATGT trong khi thực hiện thi công và tiếp nhận xe quá tải thì sẽ bị phạt theo hợp đồng, không thanh toán", ông Tuấn cho biết thêm.
Gỡ vướng để đưa dự án về đích sớm 8 tháng
Dự án thành phần 2, dự án nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Bộ GTVT ủy thác lại cho Sở GTVT tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng nhưng sau đó cắt giảm xuống còn hơn 500 tỷ đồng.
Theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, gói tư vấn giám sát do liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Sơn - Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Hà Nam thực hiện với giá trúng thầu là trên 4,8 tỷ đồng. Gói xây lắp do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện trên 511 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí để đảm bảo ATGT khoảng 7,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chỉ huy trưởng công trường cho biết, hiện nay đơn vị đang triển khai 2 mũi thi công đường, 1 mũi thi công cầu, cống với 30 tổ thi công. Trên tuyến lúc nào cũng có 7 tư vấn giám sát và 15 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật. Về máy móc thiết bị, đơn vị đã huy động 30 xe lu và 12 máy xúc và hàng chục phương tiện vận chuyển...
"Đơn vị đã đào xong nền, đắp lên tải đạt 95%. Riêng các đoạn xử lý nền đất yếu đã chất tải được 6km/9km. Trên toàn tuyến có 2 cầu lớn là cầu Châu Giang và cầu Long Xuyên, ngoài ra còn có hơn 80 cống. Tất cả đều đang được triển khai. Hiện chỉ có phần thi công đường dẫn đầu cầu Châu Giang đang phải tạm dừng, để xin điều chỉnh biện pháp thi công", Ông Thắng nói.
Ông Đỗ Huy Tuấn cho biết: Đối với cầu Châu Giang, sau khi khoan địa chất, đóng ván thép thì thấy vướng mép gấp vải địa của dự án thành phần 1 nên chưa thể thi công được. Chỗ này đang chờ xin ý kiến của Bộ GTVT điều chỉnh. Ngoài ra, ở cuối tuyến, ngay đoạn vuốt nối với đường BOT, do mặt đường chưa đồng mức nên cũng đang xin điều chỉnh đầu tư thêm 1,4km nữa cho đồng bộ. Nhưng về phía nhà đầu tư BOT không đồng tình do liên quan đến phương án tài chính của họ. Nếu Chính phủ, Bộ đồng ý thì việc xây dựng vẫn không phát sinh thêm chi phí vì vẫn nằm trong dự toán.
"Kế hoạch giải ngân đang đảm bảo đúng tiến độ. Nhà thầu cam kết sẽ thi công hoàn thiện đưa dự án vào sử dụng sớm hơn 8 tháng so với kế hoạch đề ra trước đó", ông Huy cho hay.