Diện mạo nông thôn mới ở Hồng Phong
Những ngày mùa thu tháng 8, sắc cờ đỏ rực rỡ trên các tuyến đường lớn, nhỏ của vùng Khu Lê Hồng Phong. Hôm ấy là một ngày đặc biệt của chính quyền và nhân dân địa phương, khi xã Hồng Phong chính thức được trao bằng công nhận xã nông thôn mới.
“Quả ngọt” cho sự kiên trì, nỗ lực
Vùng đất Hồng Phong nằm ven biển của huyện Bắc Bình có diện tích tự nhiên trên 8.800 ha, cách trung tâm huyện 45 km, có 2,7 km đường bờ biển. Toàn xã hiện có 2 thôn với 410 hộ và 1.612 nhân khẩu. Nhân dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Xuất phát điểm các tiêu chí của xã đạt thấp, các tiêu chí về đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Mặc dù vậy, sau hơn 11 năm kiên trì, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình NTM), đến nay xã Hồng Phong đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và chính thức được trao bằng công nhận.
Trong ngày vui chung của toàn xã, ông Hà Trung Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Sau hơn 11 năm triển khai thực hiện Chương trình NTM, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn xã, Chương trình NTM đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Điển hình trong số đó là kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa phương ngày càng thay đổi, khang trang. Nhiều tuyến đường nông thôn đã được đầu tư xây dựng nhựa, bê tông hóa, không còn lầy lội trong mùa mưa. Các tuyến đường giao thông được kết nối, đảm bảo lưu thông cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống điện trên địa bàn xã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh, đảm bảo không thiếu điện vào mùa khô. Tỷ lệ hộ sử dụng điện từ nguồn điện quốc gia đạt 100%. Hệ thống trường học các cấp được tỉnh, huyện chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng. Đến nay tất cả các trường mầm non, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo tiêu chí NTM. Tỷ lệ cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng, đáp ứng đủ điều kiện sinh hoạt, thể dục thể thao phục vụ cộng đồng...
Đáng chú ý, người dân trên địa bàn xã Hồng Phong đã và đang sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất tăng nhanh. Đơn cử, trong 2 năm qua, bà con đã hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dông thịt giữa HTX Nuôi Dông thương phẩm Khu Lê và Công ty TNHH Biển Bắc, với số lượng 9.360 kg tương đương khoảng 37.440 con, giá thu mua theo hợp đồng 600.000 đồng/kg… Ngoài ra, các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai có hiệu quả, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Kết quả, thu nhập bình quân đầu người ở xã năm 2022 đạt khoảng 44 triệu đồng/người/năm.
Hướng đến xã nông thôn mới nâng cao
Xã Hồng Phong có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Cây trồng, vật nuôi ngày càng phát triển đa dạng. Song song, vị trí địa lý có nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa… góp phần xây dựng nông thôn mới với diện mạo mới, sức sống mới. Hơn thế, với nguồn lao động dồi dào, cần cù, năng động, phân bổ ngành nghề phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Đi đôi với phát triển kinh tế, hiện nay phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn xã Hồng Phong đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Địa phương luôn giữ vững tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra trọng án trên địa bàn.
UBND xã Hồng Phong cho biết, thực hiện Chương trình NTM, nhận thức của cán bộ, nhân dân ngày càng được nâng lên. Qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các công trình đầu tư từ Chương trình NTM đều đúng mục đích, sát với yêu cầu phục vụ nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chính quyền xã Hồng Phong cũng nhìn nhận, địa phương vẫn còn một số hạn chế như kinh tế tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững. Thu nhập của người dân còn thấp so với khu vực lân cận, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều; các chỉ tiêu về sản xuất chưa được bền vững... Do vậy, thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2023 – 2025, xã Hồng Phong đặt mục tiêu chú trọng phát triển nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân cả vật chất lẫn tinh thần. Song song, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển ngành thương mại, dịch vụ đúng với tiềm năng địa hình, đất đai của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 xã Hồng Phong được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Để đạt được mục tiêu này, địa phương đặt ra nhiệm vụ tập trung xây dựng kế hoạch, xác định từng tiểu tiêu chí để định hướng đưa vào giải pháp phương án thực hiện. Cùng với đó, tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt. Nhất là huy động tối đa nguồn lực và tăng cường vận động các tổ chức kinh tế, nhân dân cùng tham gia thực hiện Chương trình NTM.
Diện mạo nông thôn mới ở Hồng Phong hiện nay được xem là “quả ngọt” sau bao nỗ lực và là động lực để địa phương không ngừng phấn đấu, trở thành một xã NTM nâng cao trong thời gian tới.
Theo đánh giá của UBND huyện Bắc Bình, đến nay số xã được công nhận đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 10 xã, trong đó Hồng Phong là xã đầu tiên trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025. Huyện phấn đấu trong giai đoạn 2023 – 2025 có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Hòa Thắng và Hồng Phong. Đồng thời chọn 2 thôn thuộc xã Hòa Thắng và Hồng Phong phấn đấu đạt thôn kiểu mẫu.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dien-mao-nong-thon-moi-o-hong-phong-111719.html