Diện mạo nông thôn mới ở xã biên giới Nhôn Mai (kỳ 1)
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn vùng biên không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Kỳ 1: Diện mạo nông thôn mới ở xã vùng biên
Xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới, nơi có địa hình chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung, kinh tế hạn chế phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự góp sức của nhân dân, cùng sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các ngành liên quan và BĐBP Nghệ An, diện mạo nông thôn tại xã biên giới Nhôn Mai đã không ngừng đổi mới.
Từ trung tâm huyện ngược theo quốc lộ 7A lên thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) rồi rẽ phải men theo quốc lộ 16, phải đi hơn 140km và mất cả buổi sáng mới đến xã biên giới Nhôn Mai. Ðến bản Nhôn Mai - trung tâm của xã, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi ở giữa bốn bề đồi núi, nhiều ngôi nhà được xây dựng mới khang trang, những mái tôn xanh đỏ xen lẫn những mái ngói truyền thống, trước sân hay đầu hồi nhà là những chảo ăng ten ngóc lên nhìn trời. Nhiều nhà làm dịch vụ, hàng quán, mở máy xay xát thóc, ngô... Dân cư quây quần dọc hai bên đường như một khu phố nhỏ.
Tôi vào thăm ông Kha Dương Tiến, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, năm nay đã qua tuổi 60, nhưng còn tráng kiện, vẫn sẵn sàng ra sân chơi bóng chuyền với đám thanh niên mỗi khi chiều về. Sau chén trà nóng, biết tôi sẽ đi bản Huồi Cọ, ông tự hào: “Huồi Cọ bây giờ khác xưa lắm rồi, không giống như cái hồi anh em mình lên đó xây dựng phong trào khuyến học đâu, đường sá đi lại dễ dàng, cuộc sống của người dân bây giờ khấm khá lắm”. Nói rồi, ông bước phăm phăm ra sân, định dắt xe máy ra cổng, sẵn sàng đi cùng tôi lên thăm bản Huồi Cọ.
Thấy vậy, Chủ tịch UBND xã Lữ Ngọc Tinh lên tiếng: “Lát nữa ta đi xe ô tô, bác ạ”. Tiết trời vùng biên ngày cuối hạ, nắng đã bớt gay gắt hơn. Không khí êm dịu và thoảng hương của những nương ngô đang vào vụ thu hoạch. Mấy đám ruộng ven đường đầy ắp tiếng cười của bà con đang khẩn trương cấy cho kịp vụ mùa. Vừa đi đường, ông Tiến vừa kể chuyện vui, vừa diễn giải những tên bản, tên làng theo nghĩa tiếng Thái. Đến bản Na Hỷ, ông bảo Na là ruộng, Hỷ là hàng rào. Ngày xưa, bà con thả trâu bò, lợn gà rất bừa bãi, nên ruộng phải rào kín, không thì chúng vào phá lúa, về sau người ta quen gọi đám ruộng ấy là Na Hỷ và cũng đặt tên cho bản luôn.
Cứ thế, ông lần lượt giải nghĩa các từ Na Lợt, Huồi Cọ, Huồi Măn, Xói Voi... Tên mỗi bản gắn liền với một giai thoại mà chúng tôi nghe không nhịn được cười. Ngồi trên chiếc xe chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lì, ông Tiến trầm ngâm: “Ngày trước, anh em mình từ bản Nhôn Mai lên Huồi Cọ phải nghỉ ăn trưa ở Na Hỷ, đến bản Xói Voi thì trời đã xế chiều, phải ngủ lại để sớm hôm sau đi tiếp. Bây giờ lên đó không còn phải đi bộ và chưa đầy 1 giờ là tới nơi, sướng thật”.
Điều dễ nhận ra về sự đổi thay của Nhôn Mai chính là hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các bản đã được mở, nhiều tuyến đã được bê tông hóa, có cầu bắc qua khe suối, giúp cho bà con đi lại thuận lợi, an toàn. Đường đi lại trong các bản Nhôn Mai, Na Hỷ, Na Lợt, Có Hạ, Huồi Cọ, Xói Voi, Thằm Thẩm, Xà Mặt đã bê tông hóa, trường học, trạm y tế đã được xây dựng kiên cố; trụ sở UBND xã cũng đang được xây dựng, chỉ độ 2 tháng nữa sẽ bàn giao đưa vào sử dụng.
Chủ tịch UBND xã Lữ Ngọc Tinh hồ hởi nói: "Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 12 thôn, bản. Thời gian qua, xã được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai, BĐBP Nghệ An... Nhờ đó, đời sống của bà con nay đã được cải thiện rất nhiều: Tất cả các bản đều có điện thắp sáng; hầu như nhà nào cũng có xe máy, có phương tiện nghe nhìn".
Trong câu chuyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Chủ tịch UBND xã Lữ Ngọc Tinh cho biết thêm: "Xã có nhiều tiềm năng, nhất là về phát triển kinh tế đồi rừng. Những năm trước đây, huyện đã thí điểm trồng chanh leo ở Huồi Cọ, Thằm Thẩm và ban đầu phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao và giúp bà con hai bản này thoát nghèo". Nghe Chủ tịch UBND xã Lữ Ngọc Tinh nói vậy, tôi nhớ lại, cách đây 5-6 năm, bản Huồi Cọ được huyện chọn xây dựng mô hình “Điểm sáng vùng biên” và đầu tư vốn cho bà con trồng chanh leo. Những năm ấy, thu nhập hàng năm của bản đạt trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm sau này, cây chanh leo thường xuyên bị bệnh, nhiều chuyên gia đầu ngành vào đây nghiên cứu, nhưng không khắc phục được.
Trước thực trạng đó, xã chuyển đổi từ cây chanh leo sang trồng gừng và hiện nay, cây sắn cao sản đã trở thành cây chủ lực thay thế chanh leo và gừng. Toàn xã hiện có 300ha sắn cao sản. Các hộ dân trồng sắn cao sản đều có thu nhập hàng năm từ 50 đến 100 triệu đồng, cá biệt như hộ gia đình anh Và Bá Già, ở bản Thằm Thẩm, thu nhập gần 200 triệu đồng. Ðây là một hướng làm giàu của xã. Ngoài đầu tư vào cây sắn, bà con còn đầu tư chăn nuôi đại gia súc, đào ao nuôi cá, bà con dân tộc Mông ở Huồi Cọ, Huồi Măn, Phá Mựt, Thằm Thẩm còn đầu tư trồng đào mốc với diện tích gần 30ha.
Anh Và Khua Đớ, Trưởng bản Huồi Cọ hồ hởi khoe với chúng tôi: “Bản Huồi Cọ có 56 hộ, 347 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Mông ở đây ai cũng siêng năng, cần cù. Sau khi bỏ cây chanh leo, chúng tôi tập trung trồng gừng, đào mốc, sắn cao sản và chăn nuôi đại gia súc theo vùng. Đến nay, diện tích sắn là gần 40ha, cây đào mốc trên 18ha và gần 400 con trâu, bò, hơn 1.000 con gà đen truyền thống của đồng bào Mông. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 40 triệu đồng/năm”.
Ông Xeo Văn Tình, là già làng, người có uy tín ở bản Na Lợt cũng là điển hình về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gia đình ông tự khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác 2ha chè hoa vàng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 3.000 gốc trong 2ha vườn cây ăn quả của gia đình, nuôi hơn 20 con trâu, bò sinh sản; trừ chi phí sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, mỗi năm, vợ chồng ông còn lãi 50 triệu đồng. Ông Tình chia sẻ: “Trâu, bò sinh ra một số bán để lấy kinh phí đầu tư sản xuất, một số thì tôi cho các hộ nghèo nuôi ghé, sau 3-4 năm thì mình thu lại con giống”.
Trước khi ra về, anh Và Bá Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai mời tôi đi tham quan thác Nha Vang và giao lưu văn nghệ với Câu lạc bộ dân ca, dân vũ bản Nhôn Mai. Nhìn những gương mặt vui tươi, những bước chân nhịp nhàng của bà con dân tộc Thái, những nụ cười hồn nhiên, thơ ngây của những em bé, tôi cảm nhận được cuộc sống mới ở nơi biên cương này đang đổi thay từng ngày.
Kỳ 2: Dấu ấn của BĐBP