Điện mặt trời áp mái ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư
Lắt đặt hệ thống điện mặt trời áp mái vừa có điện dùng vừa có thêm thu nhập nhờ sản lượng điện dư bán cho ngành điện. Giá thiết bị, công lắp đặt ngày càng rẻ là sức hút khiến nhiều người bỏ vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Việt Hùng, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh cho biết, vào tháng 10/2019, gia đình ông chi hơn 120 triệu đồng đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, công suất là 10kWp. Từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2020, hệ thống năng lượng mặt trời đã tạo ra hơn 13.000 kWh. Ngoài có điện sử dụng ban ngày, Điện lực Hóc Môn còn trả cho gia đình ông hơn 18 triệu đồng tiền điện dư bán cho ngành điện, trong khi trước đố tiền điện là hơn 2 triệu đồng/tháng.
Theo ông Hùng, tại khu vực Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, nhiều hộ dân đã đăng ký lắp đặt điện mặt trời áp mái, do tính hiệu quả của hệ thống điện mặt trời mang lại từ những hộ dân đã lắp đặt, mặt khác do giá thiết bị, công lắp đặt ngày càng rẻ và dễ chọn lựa.
Ông Huỳnh Đức Phú, ngụ tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho hay, gia đình ông vừa đầu tư hơn trăm triệu đồng để lắp đặt điện mặt trời áp mái. Nhờ ngành điện tư vấn rõ ràng, thiết bị hiện nay so với 3 năm trước chỉ còn phân nửa giá nên gia đình quyết định đầu tư để cung cấp điện cho quán cà phê và sinh hoạt gia đình. Ông Phú nói rằng, theo tính toán kỹ thuật và giá bán điện dư cho ngành điện hiện nay, đầu tư xây dựng hệ thống điện chỉ có lợi, nhất là những hộ dân sử dụng lượng điện tương đối lớn.
Từ hiệu quả mà hệ thống điện mặt trời mang lại cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật, đấu nối và tư và lắp đặt của ngành điện chính là hấp lực làm cho lĩnh vực điện mặt trời áp mái ngày càng phát triển ở khu vực miền Nam.
Ông Bùi Việt Phương - Trưởng bộ phận Maketing điện mặt trời Công ty TNHH Kỹ thuật Đạt - cho rằng, lĩnh vực điện mặt trời áp mái ở Việt Nam mức tăng trưởng của năm 2020 đạt khoảng hơn 40% so với năm năm 2019. Theo ông Phương, tính hết năm 2019 thị trường Việt Nam có có khoảng 21.000 dự án điện mặt trời áp mái. Tính đến 30/8/2020, Việt Nam có 47.107 dự án điện mặt trời áp mái, trong đó có 70 - 80% dự án chủ đầu tư là hộ gia đình.
“Do chi phí đầu tư ngày càng rẻ, công năng của thiết bị ngày càng hiệu quả và nhiều chính sách của nhà nước hỗ trợ cho nhà đầu tư là động lực làm thúc lĩnh vực điện mặt trời phát triển hiện nay”, ông Phương bình luận.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, chỉ riêng trong tháng 7/2020, toàn Tổng công ty đã lắp đặt công tơ 2 chiều cho 2.246 khách hàng, tổng công suất tấm pin lắp đặt là 57.280 kWp. Tính đến hết tháng 7/2020, tại 21 tỉnh thành miền Nam đã có 8.781 khách hàng đã tham gia lắp đặt điện mặt trời áp mái, đua tổng công suất tấm pin lắp đặt lên 247.750 kWp, đạt 71% kế hoạch EVN giao (là 350 MWp).
Trong tháng 7/2020, sản lượng điện của khách hàng phát lên lưới là 29,24 triệu kWh, lũy kế đến tính đến hết tháng 7/2020 là 155,84 triệu kWh và EVNSPC đã thanh toán tiền mua điện mặt trười áp mái cho 4.159 khách hàng với sản lượng điện là 93,34 triệu kWh, tương ứng 212,74 tỷ đồng.
Theo ông Lý, ngoài các dự điện mặt trời áp mái do người dân, doanh nghiệp đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2020, ở khu vực miền Nam còn có 51 nhà máy điện đã đóng điện với tổng công suất lắp đặt là 2.559,35 MWp tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh và An Giang, tăng 3 nhà máy so với tháng 5/2020 (gồm nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1, Mỹ Sơn 2 và Phước Ninh), tương ứng với tổng công suất 156,1 MWp.
Sản lượng điện nhận từ các máy này trong tháng 7/2020 là 317,93 triệu kWh, chiếm 4,83% so với sản lượng điện nhận toàn hệ thống. Tổng sản lượng điện nhận từ các nhà máy điện mặt trời trong 7 tháng đầu năm 2020 là 1.933,50 triệu kWh, chiếm 4,35% tổng lũy kế điện nhận toàn hệ thống.
“Từ chính sách khuyến khích của nhà nước và khâu tổ chức tuyên truyền, tư vấn mạnh mẽ của ngành điện lực, điện mặt trười áp mái hiện nay đã trở thành một kênh đầu tư có hiệu quả của nhiều người dân và doanh nghiệp tại khu vực miền Nam”, ông Lý nói thêm.