Điện mặt trời góp sức giảm quá tải lưới mùa nắng nóng ở Hà Tĩnh
Các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà trên địa bàn góp phần giảm quá tải lưới mùa nắng nóng khi bán cho EVN gần 14% sản lượng điện tỉnh Hà Tĩnh tiêu thụ trong một năm.
Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, những năm qua, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư các dự án điện mặt trời trên địa bàn Hà Tĩnh với mục tiêu gia tăng nguồn thu và góp phần giảm áp lực cho lưới điện quốc gia. Theo đó, các Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (thuộc Công ty CP điện mặt trời Hà Tĩnh) và Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hưng (thuộc Công ty TNHH GA Power Solar Park Cẩm Xuyên) đã phát lên lưới hơn 80 triệu kWh/năm, chiếm trên 5% sản lượng điện toàn tỉnh Hà Tĩnh tiêu thụ trong một năm.

Các dự án điện mặt trời ở Hà Tĩnh được đưa vào vận hành với mục tiêu giảm quá tải lưới mùa nắng nóng.
Đưa vào khai thác thương mại từ tháng 8/2019, Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (thuộc Công ty CP điện mặt trời Hà Tĩnh) đóng trên địa bàn xã Yên Hòa đã vận hành an toàn, ổn định với công suất thiết kế 50 MWp, sản lượng điện sản xuất ra được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại 100%.
Ông Đặng Đình Phi – Trưởng ca vận hành, Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa cho biết: 4 tháng đầu năm 2025, nhà máy đã phát lên lưới trên 13,8 triệu kWh, doanh thu trước thuế hơn 32 tỷ đồng. Bước vào giai đoạn cao điểm nắng nóng là điều kiện thuận lợi để nhà máy tăng cường phát điện theo “lệnh” của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. Trong mùa nắng nóng, mỗi ngày nhà máy phát lên lưới trên 280.000 kWh/ngày. Năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu sản xuất 53 triệu kWh phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”.

Công nhân kiểm tra các thông số vận hành tại Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên).
Với công suất thiết kế 29 MWp, mỗi năm, Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hưng (thuộc Công ty TNHH GA Power Solar Park Cẩm Xuyên,, đóng trên địa bàn xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) phát lên lưới quốc gia gần 30 triệu kWh. Để tăng cường khai thác thương mại, nhà máy chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị theo quy định; tăng cường vệ sinh các tấm pin nhằm tăng bức xạ mặt trời; kiểm soát chặt chẽ các chỉ số vận hành để xây dựng phương án vận hành an toàn, hiệu quả, nhất là trong thời điểm nắng nóng.
Ngoài các nhà máy điện mặt trời quy mô, thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với mục tiêu vừa chủ động nguồn điện tiêu thụ vừa bán điện cho ngành chuyên môn.
Ông Phan Văn Anh – Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) cho biết: Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng công trình ĐMTMN lớn trong Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (bao gồm 27 tỉnh, thành). Không riêng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt mà các khách hàng sản xuất, kinh doanh cũng đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Đến nay, có 477 khách hàng của công ty lắp đặt ĐMTMN (thời điểm trước 31/12/2020) với tổng công suất 140 MWp.

Có 477 khách hàng của Công ty Điện lực Hà Tĩnh lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà (thời điểm trước 31/12/2020) với tổng công suất là 140,013 MWp.
Cũng theo ông Phan Văn Anh, phụ tải điện mùa nắng nóng tăng cao, nguy cơ quá tải lưới cục bộ. Các công trình ĐMTMN được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm áp lực cho lưới điện quốc gia. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2025, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã thu mua hơn 32 triệu kWh từ các ĐMTMN, trị giá trên 65 tỷ đồng. Năm 2025, công ty dự kiến thu mua gần 140 triệu kWh từ các công trình ĐMTMN (lắp đặt trước 31/12/2020), chiếm khoảng 8% sản lượng điện toàn tỉnh Hà Tĩnh tiêu thụ trong một năm.
Ông Nguyễn Đình Sơn – Trưởng phòng Vật tư thiết bị, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải) cho biết: Trước thời điểm 31/12/2020, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại các nhà máy với tổng công suất 7 MWp. Nhờ vậy, doanh nghiệp chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và còn bán điện cho ngành chuyên môn. Theo đó, hệ thống ĐMTMN của công ty sản xuất ra sản lượng điện trị giá khoảng 12,6 tỷ/năm, trong đó doanh nghiệp sử dụng 60% và bán ra cho ngành điện 40%.

Các dự án điện mặt trời góp phần chống quá tải lưới trong mùa nắng nóng.
Theo quy định, kể từ ngày 1/1/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không ký hợp đồng mua bán điện từ nguồn ĐMTMN có ngày vận hành, phát điện sau ngày 31/12/2020. Tuy vậy, sau thời điểm 31/12/2020, một số doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng nguồn điện lớn vẫn đầu tư lắp đặt ĐMTMN phục vụ sản xuất.
Theo đại diện Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, mặc dù doanh nghiệp lắp ĐMTMN sau 31/12/2020 không thể bán điện cho EVN, song, đơn vị lại chủ động được nguồn điện phục vụ dây chuyền sản xuất, tiết giảm chi phí mua điện và bớt áp lực cho lưới điện trong giai đoạn nắng nóng.
Để các công trình ĐMTMN hoạt động hiệu quả và tuổi thọ cao, ngành điện khuyến cáo các chủ đầu tư tiếp tục quan tâm công tác bảo trì và quản lý thường xuyên hệ thống; thực hiện kiểm tra định kỳ thiết bị để phát hiện sự cố, các vấn đề hỏng hóc để sửa chữa kịp thời; tăng cường vệ sinh các tấm pin để loại bỏ bụi bẩn hoặc chất bám…