Điện mặt trời: Khuyến khích lắp đặt để sử dụng

Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là một phần trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 của Chính phủ. Mục tiêu là khuyến khích người dân, doanh nghiệp tận dụng mái nhà có sẵn để lắp đặt và dùng điện mặt trời cho sinh hoạt hằng ngày và sản xuất; khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận để phát triển năng lượng tái tạo, giảm bớt áp lực nguồn cung cho ngành Điện. Vì những lý do đó, từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển ĐMTMN đã được ban hành.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho mục đích sinh hoạt và sản xuất là ưu tiên của Chính phủ. Ảnh:B.Mai

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho mục đích sinh hoạt và sản xuất là ưu tiên của Chính phủ. Ảnh:B.Mai

Tuy nhiên, thay vì phát triển ĐMTMN cho mục đích sử dụng, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi để kinh doanh ĐMTMN, tạo sự bùng nổ sản lượng, gây áp lực cho việc giải tỏa công suất, đi ngược với mục tiêu ban đầu.

* Bùng nổ về sản lượng

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), trong năm 2020, số lượng dự án và công suất đấu nối ĐMTMN trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng đột biến. Cụ thể, đến nay PC Đồng Nai phát triển được 5.973 khách hàng, tổng công suất lắp đặt là 689,9MWp.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc PC Đồng Nai cho rằng, sự gia tăng về số lượng dự án, công suất lắp đặt đã góp phần không nhỏ vào công tác phát triển khách hàng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo xanh theo mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, do các dự án ĐMTMN tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn đã gây áp lực cho ngành Điện trong phát triển hạ tầng để đấu nối, giải tỏa công suất cho các dự án. Theo chỉ đạo của ngành Điện, PC Đồng Nai đang dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các dự án ĐMTMN phát triển sau ngày 31-12-2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.

Giám đốc Công ty CP Công nghệ tích hợp Sao Nam (TP.HCM) Nguyễn Thượng Quân cho rằng, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang “sống dở chết dở” khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tại Việt Nam hết hiệu lực sau ngày 31-12-2020. Nguyên nhân là do nhà đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi để kinh doanh ĐMTMN thay vì mục đích lắp đặt để sử dụng. Theo ông Quân, vì những ưu đãi về giá mua, về cơ chế chính sách và không rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật của pin, quy chuẩn lắp đặt, định nghĩa mái nhà nên nhiều nhà đầu tư đã thuê mái nhà xưởng của các doanh nghiệp, thuê đất nông nghiệp làm dự án nông nghiệp nhưng thực chất là kinh doanh ĐMTMN.

ĐMTMN là nguồn năng lượng sạch được Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp, người dân lắp đặt, sử dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt để giảm áp lực đầu tư đường truyền tải điện cho ngành Điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, do một số quy định chưa rõ ràng đã xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, gây áp lực ngược lại cho ngành Điện và vấn đề xử lý tấm pin sau sử dụng.

* Khuyến khích lắp đặt để sử dụng

Huyện miền núi Xuân Lộc là một trong 2 địa phương được tỉnh chọn làm điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để đáp ứng tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp ở đường giao thông nông thôn, chính quyền và nhân dân địa phương triển khai lắp đặt ĐMTMN trên các tuyến đường, tạo nguồn năng lượng chiếu sáng đường.

Ông Ngô Việt Anh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Định, H.Xuân Lộc cho biết, xã đã trích tiền khen thưởng đồng thời vận động nhân dân đóng góp lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái công trình trường học sau đó kết nối nguồn năng lượng này phục vụ chiếu sáng cho các tuyến đường. Cũng theo ông Việt Anh, từ khi có điện mặt trời, người dân rất phấn khởi vì không phải đóng tiền đèn đường hằng tháng, tiết kiệm được chi phí sửa chữa và thay thế bóng, đèn có thể sáng suốt đêm ngay cả khi bị cúp điện.

Không chỉ tiết kiệm chi phí, việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời mái nhà là cách chống nóng, giảm phát thải nhà kính hiệu quả. Theo đại diện Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (TP.Biên Hòa), hơn 2 năm nay, mỗi tháng đơn vị chỉ trả tiền điện bằng 1/3 so với sử dụng thực tế. Nguyên nhân là do công ty đã đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái tòa nhà trụ sở và đấu nối nguồn năng lượng vào hệ thống điện sử dụng chiếu sáng, làm mát, in ấn. Các tấm pin năng lượng mặt trời cũng làm giảm sức nóng hiệu quả cho công trình, góp phần giảm tiêu thụ điện năng làm mát.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng điện mặt trời cho mục đích sinh hoạt và sản xuất. Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai (xã Lộc An, H.Long Thành) cho biết, doanh nghiệp rất quan tâm đến sản xuất sạch. Năm 2020, công ty lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Việc này đã giúp công ty tiết kiệm chi phí sản xuất thường xuyên, chủ động được nguồn điện sản xuất trong trường hợp điện lưới xảy ra sự cố đột ngột.

Để khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt và sử dụng điện mặt trời trên mái nhà có sẵn, Chính phủ chỉ đạo các ngành tạo điều kiện về mặt thủ tục pháp lý, ngành Điện ưu tiên đấu nối và mua lại phần điện dôi dư do sử dụng không hết với mức giá khá cao, ổn định trong thời gian dài.

Hiện tại Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng chính sách mới cho ĐMTMN giai đoạn sau năm 2020. Mục tiêu lâu dài của Chính phủ vẫn là khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mà trọng tâm là ĐMTMN, điện gió để dùng cho sinh hoạt và sản xuất, giảm áp lực đầu tư hạ tầng cho ngành Điện, giảm nguy cơ thiếu hụt năng lượng, góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202102/dien-mat-troi-khuyen-khich-lap-dat-de-su-dung-3042651/