Điện rác gặp khó chồng chất, một dự án mất 5-8 năm mới hoàn thành

Các dự án đốt rác phát điện được kỳ vọng giải quyết ô nhiễm môi trường và tận dụng rác thải để tạo năng lượng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều rào cản khiến thời gian hoàn thành một dự án kéo dài từ 5-8 năm.

Thủ tục phức tạp, chồng chéo gây mất nhiều thời gian

Đốt rác phát điện giúp giảm 95% thể tích và khối lượng chất thải, tận dụng nhiệt để phát điện, hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn từ phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư, các thủ tục đấu nối điện, đến cơ chế giá điện chưa đủ hấp dẫn.

Sự phức tạp trong các thủ tục hành chính là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án điện rác kéo dài từ 5-8 năm, một nhà đầu tư chia sẻ với phóng viên về "đoạn trường" triển khai điện rác.

Trước đây, đưa dự án vào quy hoạch điện là thách thức lớn. Chỉ khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (bổ sung) được ban hành tháng 12/2024, các dự án điện rác mới được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, nếu dự án chưa có trong quy hoạch, sẽ không thể được cấp chủ trương đầu tư, dẫn đến hàng loạt thủ tục như đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng… bị trì hoãn.

Việc triển khai các dự án thường xuyên gặp phải tình trạng chồng chéo và thiếu đồng bộ giữa các loại quy hoạch như quy hoạch đất đai, quy hoạch môi trường, quy hoạch điện, quy hoạch xây dựng... Nhiều dự án có quy hoạch môi trường nhưng lại thiếu quy hoạch xây dựng hoặc ngược lại. Trong một số trường hợp, dù đã hoàn tất quy hoạch xây dựng và môi trường nhưng vẫn chưa có quy hoạch điện, gây cản trở lớn cho quá trình thực hiện dự án.

Đẩy mạnh phát triển điện rác giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở nước ta. Ảnh: Hoàng Hà

Đẩy mạnh phát triển điện rác giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở nước ta. Ảnh: Hoàng Hà

"Ngay cả khi có đủ các quy hoạch trên, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cũng kéo dài 4-6 tháng, thậm chí một năm, do phải lấy ý kiến cộng đồng hai vòng, mỗi vòng công khai 40 ngày. Nhanh nhất cũng mất 6 tháng, nhiều dự án mất đến 2 năm để hoàn thành thủ tục quy hoạch. Sau đó, quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng mất từ 6 tháng đến 1 năm để hoàn thành," nhà đầu tư cho biết.

Các dự án điện rác cũng bị chi phối bởi nhiều Luật, Nghị định, Thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn… như Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Điện lực, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách (do sử dụng ngân sách để trả tiền xử lý rác)... Nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn đã lỗi thời, không còn phù hợp với công nghệ xử lý rác hiện đại đạt chuẩn châu Âu về khí thải, nước thải.

Bên cạnh đó, phần lớn các thủ tục đầu tư điện rác thuộc thẩm quyền địa phương, bao gồm phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định công nghệ... thì một số thủ tục xây dựng và môi trường lại thuộc thẩm quyền trung ương, tạo nên sự chồng chéo và thiếu thống nhất trong quy trình thủ tục.

Đặc biệt, dự án nhà máy đốt rác phát điện phải đảm bảo thủ tục của cả nhà máy phát điện lẫn nhà máy xử lý môi trường, khiến thời gian triển khai kéo dài hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với nhà máy điện thông thường như nhiệt điện hay thủy điện.

Đáng chú ý, các nhà máy điện rác thường nằm độc lập, không thuộc khu công nghiệp nên nhà đầu tư phải hoàn thiện hàng loạt thủ tục phức tạp, bao gồm thỏa thuận tĩnh không với Bộ Quốc phòng, thỏa thuận cấp nước và xả thải với Sở Nông nghiệp và Môi trường, thỏa thuận cấp nước làm mát với công ty thủy lợi và Sở Nông nghiệp và Môi trường, thỏa thuận đấu nối đường dây điện với các cơ quan điện lực, thỏa thuận đào đường với các cơ quan quản lý giao thông và xây dựng...

Mỗi dự án lại bao gồm nhiều dự án thành phần như dự án đường dây điện cao thế từ nhà máy đến lưới điện quốc gia, dự án trạm bơm và hệ thống cấp nước làm mát từ sông hoặc hồ chứa lớn… Mỗi dự án thành phần này đều phải trải qua quy trình cấp phép chủ trương đầu tư, thu hồi đất, quy hoạch 1/500, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật... kéo dài thời gian triển khai.

Rủi ro lớn vì một số dự án thiếu hợp đồng dịch vụ

Một báo cáo được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với USAID đã chỉ ra rằng thu hút đầu tư vào điện rác không dễ dàng do hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, thủ tục hành chính rườm rà khiến dự án kéo dài, kém hấp dẫn với nhà đầu tư.

Theo báo cáo này, một nhà đầu tư điện rác phải trải qua hai vòng thủ tục. Một là lựa chọn nhà đầu tư: Thông qua đấu thầu hoặc chuyển đổi công nghệ với dự án hiện hữu. Hai là lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác: Đấu thầu hoặc đặt hàng theo chu kỳ ngắn hạn.

Nhà máy điện rác ở Sóc Sơn (Hà Nội).

Nhà máy điện rác ở Sóc Sơn (Hà Nội).

Quy trình này, theo VCCI, không phù hợp với tính chất điện rác. Đầu tiên, suất đầu tư ban đầu rất lớn, nhà đầu tư cần đảm bảo khả năng hoàn vốn trước khi tham gia. Thứ hai, địa phương vừa là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào duy nhất (rác thải sinh hoạt), vừa là khách hàng chính và duy nhất (trả phí xử lý rác). Nếu sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư, doanh nghiệp lại phải đấu thầu để có nguồn rác, rủi ro rất lớn. Không ai dám đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mà không chắc chắn về nguyên liệu.

Trên thực tế, nhiều địa phương vẫn suy nghĩ và cho rằng việc cấp chủ trương đầu tư cho dự án điện rác tương tự như các dự án sản xuất vào các khu công nghiệp như thông thường, buộc nhà đầu tư phải tự giải quyết tất cả các thủ tục để nhà máy đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điện rác là dự án công ích, phục vụ mục tiêu xử lý rác thải cho địa phương với nguồn nguyên liệu đầu vào, trả tiền dịch vụ đầu ra đều phụ thuộc hoàn toàn vào khách hàng duy nhất là UBND tỉnh.

Nếu không có cam kết bằng hợp đồng dịch vụ dài hạn từ chính quyền địa phương (cam kết khối lượng rác như công suất trong chủ trương đầu tư và đơn giá xử lý) thì nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng không thể triển khai dự án.

Ngoài ra, sự hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nhà đầu tư vẫn phải tự mình xoay xở trong hệ thống thủ tục vô vàn khó khăn phức tạp, làm giảm hiệu quả triển khai dự án.

Chính sách chưa hấp dẫn

Từ năm 2014, theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, trong đó mức giá ưu đãi FIT cho dự án phát điện đốt rác thải trực tiếp ở mức 10,05 cent/kWh. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, chỉ có 8 dự án điện rác được vận hành thương mại, con số quá ít so với tiềm năng xử lý rác thải đô thị tại Việt Nam.

Điều đó cho thấy chính sách giá điện và chính sách khác chưa hấp dẫn nhà đầu tư như mức giá ưu đãi dành cho điện gió, điện mặt trời trước đây. Trong khi, các dự án điện rác gặp nhiều khó khăn hơn nhiều vì vốn đầu tư cao, công nghệ phức tạp, thủ tục nhiều hơn và thời gian hoàn vốn kéo dài.

Để các dự án điện rác đạt được điểm hòa vốn và vận hành hiệu quả, cần có chính sách giá điện hỗ trợ kết hợp với cơ chế ưu đãi về giá xử lý rác thải.

Việc triển khai các dự án điện rác tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp và kéo dài, cơ chế chưa thực sự hấp dẫn như đã phân tích ở trên. Điều đó khiến cho mỗi một dự án điện rác kể từ khi có chủ trương đầu tư mà đi vào vận hành sau 5 năm đã có thể nói là một dự án triển khai nhanh, còn thông thường phải mất 6–8 năm thậm chí dài hơn mới đi vào vận hành.

Trên thực tế, hầu hết các dự án điện rác đều bị kéo dài thời gian. Cụ thể là, Điện rác Sóc Sơn – Hà Nội (Thiên Ý) mất 7 năm từ khi được cấp chủ trương đầu tư thì nhà máy mới đi vào vận hành; Điện rác Phú Thọ tại xã Trạm Thản đã 8 năm nay chưa hoàn thành việc xây dựng, Điện rác Bỉm Sơn - Thanh Hóa xin gia hạn nhiều lần trong 7 năm qua nhưng đến nay cũng chưa thể làm xong...

Một số dự án khác như điện rác Thuận Thành – Bắc Ninh, điện rác Lương Tài – Bắc Ninh, điện rác Seraphin - Hà Nội mặc dù nhà đầu tư đã rất nỗ lực nên có tiến độ nhanh hơn, nhưng cũng phải mất tới 4 năm kể từ khi được cấp chủ trương đầu tư mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng, nghiệm thu công trình, đưa Nhà máy đi vào vận hành chạy thử và hoạt động chính thức.

Tại TPHCM, mặc dù áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt của thành phố là rất lớn nhưng các dự án điện rác của Tâm Sinh Nghĩa, Vietstar, Tasco… đều bị kéo dài hơn rất nhiều so với kế hoạch do các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư.

Trước thực trạng này, báo cáo của VCCI kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan cần khẩn trương triển khai các giải pháp như: Ổn định chính sách vĩ mô nhằm đảm bảo sự nhất quán và ổn định trong chính sách pháp luật, tạo niềm tin lâu dài cho nhà đầu tư; Hoàn thiện khung pháp lý, nhanh chóng bổ sung, cập nhật các quy định pháp luật phù hợp với công nghệ hiện đại và nhu cầu phát triển của ngành điện rác;

Kí hợp đồng dịch vụ cam kết giá và khối lượng rác thải, cam kết mức giá xử lý rác ổn định và khối lượng rác đủ lớn để đảm bảo nhà đầu tư đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận hợp lý.

Việc đồng bộ hóa chính sách pháp luật, xây dựng cơ chế đặc thù và sự quyết liệt vào cuộc hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố then chốt để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án điện rác hiệu quả và bền vững, góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải đô thị một cách triệt để, phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho đất nước.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dien-rac-gap-kho-chong-chat-mot-du-an-mat-5-8-nam-moi-hoan-thanh-2387083.html