Điện Thái Hòa sau gần ba năm trùng tu: Vẻ đẹp xưa tái sinh, chờ ngày tái ngộ
Sau gần 3 năm trùng tu, điện Thái Hòa, biểu tượng quyền lực triều Nguyễn và trái tim Đại Nội Huế, sắp trở lại vào ngày 23/11/2024, thu hút sự chú ý từ công chúng.
Gần 3 năm “đại trùng tu”, điện Thái Hòa, trái tim của Đại Nội Huế, sắp tái xuất với diện mạo hoàn toàn mới. Được mệnh danh là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn, công trình lịch sử này không chỉ khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính mà còn gói ghém cả một câu chuyện dài của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.
Điện Thái Hòa sẽ chính thức khánh thành vào ngày 23/11/2024, cũng là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Đây được xem là sự kiện đáng mong chờ cho những tín đồ yêu di sản, hứa hẹn mang đến một góc nhìn khác về kiến trúc và giá trị lịch sử của thời Nguyễn.
Hiện các nghệ nhân và đội ngũ thi công vẫn miệt mài “chạy nước rút” để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ, từ mái ngói rêu phong đến những đường nét chạm trổ tinh xảo của Bửu Tán. Cùng với các hạng mục khác trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, điện Thái Hòa được cho là điểm đến không thể bỏ lỡ.
Hình ảnh ngai vàng triều Nguyễn được đưa vào điện Thái Hòa - Nguồn: @hydra1k801.
Một bình luận để lại lời khen: “Những gì thuộc về lịch sử rất đẹp, những hình ảnh này nên được lan tỏa nhiều hơn để thế hệ trẻ, để mọi người biết Việt Nam mình đẹp như thế nào”.
Điện Thái Hòa - “ngai vàng” của 13 vị vua Nguyễn
Nằm trong Đại Nội kinh thành Huế, điện Thái Hòa là nơi chứng kiến lễ đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại. Được xây dựng năm 1805 tại Đại Cung Môn và hoàn thiện ở vị trí hiện tại dưới thời vua Minh Mạng năm 1833, công trình này được xem như trung tâm quyền lực của triều đại.
Điện Thái Hòa, cùng với sân chầu, là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng như lễ đăng quang, sinh nhật vua, đón tiếp sứ thần hay đại triều định kỳ vào mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng.
Một điểm nhấn kiến trúc khác của điện là Bửu Tán, được chạm khắc tinh xảo với hình ảnh "cửu long" uốn lượn, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng và sự trường thọ. Con rồng lớn nhất, miệng ngậm chữ "Thọ", thể hiện phúc đức và sự bền vững của triều đại.
Sau hơn 200 năm, trước tác động của thời gian và thời tiết, điện Thái Hòa xuống cấp và được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành trùng tu tổng thể di tích cuối năm 2021. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 128 tỉ đồng.
Sự kiện khánh thành điện Thái Hòa đang thu hút sự chú ý từ khắp nơi. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự háo hức: “Được chiêm ngưỡng một công trình có tính lịch sử thế này quá là tuyệt vời”. Bên cạnh đó, những bình luận biết ơn các nghệ nhân cũng nhận được lượng tương tác của cộng đồng mạng “cảm ơn các chú các bác nghệ nhân đã góp công phục dựng lại kinh đô huế cho con cháu mai sau”.
Điện Thái Hòa không chỉ dành riêng cho những người yêu di sản mà còn là một “tấm vé” đưa thế hệ trẻ đến gần hơn với văn hóa dân tộc.