Điện thoại thông minh Trung Quốc chiếm tới 70% thị trường Nga

Nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng hàng đầu M.Video-Eldorado cho biết, điện thoại thông minh Trung Quốc đã thống trị thị trường Nga trong nửa đầu năm 2023, vượt quá 70% tổng doanh số bán hàng, tăng so với khoảng 55% vào năm ngoái.

Điện thoại thông minh từ các nhà bán lẻ Trung Quốc như Xiaomi và Realme đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất ở Nga sau khi Samsung và Apple hạn chế doanh số bán hàng tại quốc gia này do chiến sự Nga – Ukraine.

Theo đó, tổng nhu cầu về điện thoại thông minh ở Nga tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, với gần 13 triệu sản phẩm được bán ra.

 Chiếc Poco C40, sản phẩm mới của Xiaomi. Ảnh: ZingNews.

Chiếc Poco C40, sản phẩm mới của Xiaomi. Ảnh: ZingNews.

Moscow đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh về mọi thứ, từ đồ điện tử đến ôtô sau khi hầu hết thương hiệu phương Tây rời khỏi thị trường Nga.

“Các thương hiệu từ Trung Quốc tiếp tục tăng cường “phủ sóng” ở Nga”, M.Video cho biết trong một tuyên bố vào thứ Ba (4/7)”. Đồng thời cho biết thêm rằng các mẫu flagship và điện thoại thông minh có thể gập lại từ các thương hiệu Trung Quốc đang có nhu cầu đặc biệt.

M.Video cho biết 8 trong số 10 điện thoại thông minh bán chạy nhất ở Nga trong 6 tháng đầu năm nay là của các thương hiệu đến từ Trung Quốc.

Điện Kremlin đã yêu cầu các quan chức ngừng sử dụng iPhone của Apple.

Trung Quốc đang tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ để mua hàng hóa của Nga trong năm qua, với gần như tất cả giao dịch mua dầu, than và một số kim loại đều được thanh toán bằng nhân dân tệ, thay vì USD, theo Reuters.

Cuối tháng 2/2023, Cơ quan Hải quan Trung Quốc tuyên bố kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nga đạt mức kỷ lục 1.280 tỷ Nhân dân tệ (190 tỷ USD) trong năm 2022. Trong khi hàng nhập khẩu của Nga từ Liên minh châu Âu (EU) giảm do các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo người phát ngôn của Cơ quan Hải quan Trung Quốc Lyu Daliang, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc với Nga trong năm 2022 chiếm 3% tổng thương mại của Trung Quốc.

Trong 6 tháng liên tiếp tính đến tháng 12/2022, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Nga đã tăng đáng kể.

Ở chiều ngược lại, lượng nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc đã tăng lên mức 80 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2022 và nhập khẩu khí đốt bằng đường ống cũng tăng tới 50%, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây thúc đẩy Nga chuyển hướng sang các thị trường khác.

Theo các nhà Trung Quốc học, nước này sẽ vẫn là người mua tài nguyên năng lượng lớn nhất của Nga trong vòng 5 đến 10 năm tới. Và không chỉ dầu thô và khí đốt, mà cả các thành phẩm của quá trình lọc dầu. Khía cạnh quan trọng thứ hai của quan hệ Nga - Trung nằm ở lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp.

Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Liên bang Nga. Nước này có nhu cầu cao về thực phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường, ngũ cốc, đậu nành, hạt cải dầu, mà nhiều khu vực của Nga có thể đáp ứng.

Về phần mình, Trung Quốc cung cấp cho Nga ô tô, máy móc và các sản phẩm hóa chất. Các thương hiệu Trung Quốc như Chery, Haval và Geely đã tăng đáng kể sự hiện diện của họ trên thị trường ô tô du lịch Nga, đặc biệt là trong năm 2022. Thị phần của các thương hiệu Trung Quốc đã tăng hơn 18%. Điều này là do các công ty châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã rời khỏi Nga.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cung cấp cho xứ sở bạch dương nhiều loại hàng hóa tiêu dùng như đồ gia dụng, quần áo, giày dép, v.v. Theo các chuyên gia, sự gia tăng thương mại giữa Nga và Trung Quốc là kết quả của “mức độ bổ sung cao” giữa hai nền kinh tế.

Điệp Nguyễn (Theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-thoai-thong-minh-trung-quoc-chiem-toi-70-thi-truong-nga-post254955.html