Diện tích băng tại Nam Đại Dương đã giảm xuống mức thấp kỷ lục
Trong tháng 1 vừa qua, diện tích băng bao phủ Nam Đại Dương đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khiến Trái Đất có nguy cơ tiếp tục ấm hơn.
Mức nhiệt đang thể hiện rõ hậu quả của biến đổi khí hậu
Báo cáo mới công bố ngày 8/2 của các nhà khoa học tại cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, trong tháng 1, diện tích băng mới ở Nam Đại Dương thấp hơn 31% so với bình thường và thấp hơn nhiều so với kỷ lục trước đó về diện tích băng trong tháng 1 hằng năm.
Diện tích băng ở Bắc Cực cũng thấp hơn khoảng 4% so với mức trung bình, mức thấp thứ 3 trong lịch sử ghi chép diện tích băng vào các tháng 1 trước đó.
Tháng 1 năm nay cũng là tháng 1 nóng thứ ba trong lịch sử tại châu Âu. Trong đó, nhiệt độ ngày 1/1 ghi nhận tại một số vùng ở châu Âu đã lên các mức cao chưa từng thấy.
Theo các nhà khoa học, dù tình trạng băng tan chưa gây tác động rõ rệt với mực nước biển vì băng vốn đã tồn tại trong nước đại dương nhưng đây là hiện tượng đáng lo ngại vì góp phần làm nghiêm trọng tình trạng ấm lên toàn cầu. Băng có màu trắng có thể phản nhiệt, đẩy 90% lượng nhiệt từ Mặt Trời trở lại không trung. Nếu băng tan, thay bằng nước biển sẫm màu không đóng băng, nước sẽ hấp thụ lượng nhiệt nêu trên.
Trên toàn cầu, năm 2022 là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử dù hiện tượng tự nhiên La Nina kéo dài đã góp phần làm mát Trái Đất. Châu Âu cũng đã trải qua mùa hè nóng nhất từ trước tới nay, khiến các đợt hạn hán và cháy rừng xảy ra tại châu lục trở nên nghiêm trọng hơn. Theo Copernicus, nhiệt độ ở hầu hết các vùng tại châu Âu đều cao hơn mức nhiệt trung bình trong tháng trước, trong đó có cả vùng Balkan và Đông Âu đã trải qua ngày 1/1 ấm nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nhiệt độ tại các vùng khác trên thế giới như miền Đông nước Mỹ, Canada và Mexico cũng ấm hơn.
Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho rằng những mức nhiệt khắc nghiệt nêu trên là dấu hiệu rõ ràng về những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu với nhiều khu vực và cũng có thể hiểu đây là một dấu hiệu cảnh báo khác về những hình thái thời tiết cực đoan sẽ tiếp diễn trong tương lai. C3S kêu gọi các bên liên quan trên toàn cầu và ở từng khu vực cần hành động nhanh chóng để giảm tốc độ tăng nhiệt toàn cầu.
Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng
Nghiên cứu do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mới đây công bố cũng cho thấy, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các mối nguy hiểm do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây ra.
Theo báo cáo, siêu vi khuẩn đang trở nên nguy hiểm hơn, khi biến đổi khí hậu với nhiệt độ ấm hơn đã làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn và các chất ô nhiễm, kéo theo sự lây lan của các gene kháng thuốc kháng sinh.
Phân tích lưu ý rằng việc lạm dụng thuốc kháng sinh và các chất gây ô nhiễm có thể làm gia tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn.
Trong khi đó, việc tiếp xúc với các vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh cũng có thể tạo ra khả năng kháng thuốc ở vi khuẩn đã có trong không khí, nước và đất.
Báo cáo nêu rõ ô nhiễm liên quan đến nước thải, đặc biệt là từ các bệnh viện, là nguyên nhân chính, cộng thêm chất thải từ sản xuất dược phẩm và nông nghiệp.
Nguy cơ đặc biệt lớn đến từ các nguồn nước ô nhiễm, những địa điểm có nhiều khả năng cung cấp nơi trú ẩn cho các vi sinh vật, góp phần thúc đẩy tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Sự kết hợp giữa ô nhiễm gia tăng và giảm nguồn lực để quản lý chất gây ô nhiễm đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, cùng với đó là tình trạng kháng thuốc kháng sinh trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp.
Trong khi đó, 1 nghiên cứu năm 2021 đăng trên tạp chí Science of The Total Environment cho thấy, lũ lụt ở đô thị cũng làm gia tăng các mối nguy hiểm từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh do đất bị xáo trộn và nguy cơ có thể kéo dài đến 5 tháng sau lũ lụt hoặc bão lớn.
Báo cáo của UNEP kêu gọi các khung pháp lý mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng gia tăng kháng thuốc kháng sinh, cũng như tăng cường kết hợp yếu tố môi trường vào các kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc kháng sinh và các tiêu chuẩn quốc tế về các dấu hiệu kháng thuốc kháng sinh.
Theo các nhà nghiên cứu của UNEP, các nhà hoạch định chính sách cũng nên xây dựng các tiêu chuẩn về vệ sinh nguồn nước nghiêm ngặt hơn.