Diễn tiến vụ bà chủ Công ty Nhật Nam lừa đảo hàng nghìn người, chiếm đoạt 4.816 tỷ đồng
Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án nữ Chủ tịch Công ty CP Đầu tư thương mại BĐS Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) lừa đảo chiếm đoạt tài sản để làm rõ một số nội dung liên quan...
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã hoàn tất điều tra, đồng thời đề nghị truy tố bị can Vũ Thị Thúy (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam) và 5 bị can liên quan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, tháng 7-2019, bị can Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội, vợ một nam ca sỹ nổi tiếng) thành lập Công ty Nhật Nam có vốn điều lệ 50 tỷ đồng nhưng thực tế không có vốn góp.
Sau khi thành lập doanh nghiệp và để có tiền sử dụng cá nhân, bị can Thúy đã quảng bá về hoạt động của Công ty Nhật Nam, đồng thời mời gọi nhà đầu tư cùng tham gia hợp tác kinh doanh.
Theo đó, Công ty Nhật Nam đã mua nhiều bất động sản trên khắp cả nước, có giá trị lớn, được dùng để đảm bảo cho các hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với nhà đầu tư. Công ty còn đầu tư các dự án, kinh doanh nhà hàng, khách sạn có hiệu quả. Nhà đầu tư tham gia hợp tác kinh doanh sẽ được chia lợi nhuận từ các hoạt động trên.

Bị can Vũ Thị Thúy - Chủ Công ty Nhật Nam (thời điểm trước khởi tố vụ án, khởi tố bị can)
Để chứng minh tài sản với các nhà đầu tư, vợ nam ca sỹ nổi tiếng sử dụng một phần nhỏ số tiền họ nộp vào để mua các bất động sản ở Thanh Hóa, Tây Ninh, Kiên Giang, Đắk Lắk có nguồn gốc là đất trồng cây lâu năm, đất ở nông thôn, các lô biệt thự tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Bị can Thúy còn đưa ra chính sách lợi nhuận cao 7-8%/tháng, tương ứng 168-192% giá trị hợp đồng và chỉ sau 2 ngày ký hợp đồng, nộp tiền, nhà đầu tư được chi trả tiền phân chia lợi nhuận theo ngày. Bị can đồng thời cam kết đầu tư vào Công ty Nhật Nam không bị mất vốn.
Ngoài ra, hàng tháng hoặc nhân các dịp sự kiện thành lập công ty, lễ, tết, Thúy còn đưa ra các chính sách tặng thưởng như tặng voucher, tặng vàng, tặng vé du lịch, tặng tiền vào giá trị hợp đồng… Với hợp đồng trị giá 5 tỷ đồng trở lên, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận cổ đông chiến lược, được trả cổ tức 3 tháng/lần.
Các chính sách này được đưa ra trong thời gian ngắn từ 10-30 ngày, tạo tâm lý muốn ký hợp đồng ngay cho nhà đầu tư để không bỏ lỡ ưu đãi, không có nhiều thời gian cân nhắc, suy nghĩ.
Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2023, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo 25.925 cá nhân, ký 43.314 hợp đồng hợp tác kinh doanh, thu hơn 9.113 tỷ đồng. Chủ tịch Cong ty Nhật Nam sử dụng hơn 4.297 tỷ đồng để trả tiền gốc, lãi cho chính các nhà đầu tư. Số tiền còn lại 4.816 tỷ đồng, Thúy chiếm đoạt và sử dụng cá nhân, đến nay không còn khả năng chi trả.
Các bị can còn lại gồm Trần Thiện Tâm (Phó tổng giám đốc chi nhánh Công ty Nhật Nam tại TP. HCM); Trịnh Văn Tôn (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Nam); Phạm Văn Tuyên (Trưởng ban chiến lược); Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Sơn (thành viên Ban chiến lược) không biết cụ thể việc đầu tư của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh thế nào, có lãi ra sao.
Tuy nhiên, để được hưởng tiền phần trăm hoa hồng, các bị can đã quản lý, đào tạo, hướng dẫn đội ngũ nhân viên sale giới thiệu quảng cáo thông tin sai sự thật về việc Công ty Nhật Nam có nhiều bất động sản, nhiều dự án lớn, lợi nhuận cao… để thu hút các nhà đầu tư. Bản thân các bị cáo này cũng trực tiếp thuyết minh, quảng cáo tại các hội nghị, sự kiện.
Do vụ án xảy ra trên địa bàn cả nước, số lượng bị hại đặc biệt lớn nên Cơ quan điều tra (CQĐT) ủy thác điều tra đến CQĐT các tỉnh, thành phố ghi lời khai các bị hại và thông báo trên các phương tin thông tin đại chúng để họ đến CQĐT địa phương trình báo.
Kết quả, CQĐT đã ghi lời khai được của 8.745 cá nhân. Nhóm bị hại này đã ký 27.180 hợp đồng đầu tư vào Công ty Nhật Nam với tổng số tiền hơn 1.722 tỷ đồng. Những người này đã nhận lại được hơn 454 tỷ đồng và còn bị chiếm đoạt 1.267 tỷ đồng.
Tại CQĐT, Thúy khai việc thành lập Công ty Nhật Nam nhưng không góp vốn mà huy động tiền của nhà đầu tư sau đó dùng tiền này để kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn thu lợi nhuận trả cho khách.
Số tiền thu được bị can sử dụng khoảng 900 tỷ đồng để đầu tư góp vốn, mua bất động sản, mở 4 nhà hàng… Tuy nhiên, do kinh tế suy thoái, các bất động sản không bán được, phải gán nợ cho nhà đầu tư, các nhà hàng phải đóng cửa do kinh doanh không hiệu quả.
Bà chủ Công ty Nhật Nam thừa nhận rút tiền của nhà đầu tư để ngoài sổ sách, không hạch toán kê khai theo quy định. Nhưng Thúy không thừa nhận việc thuê người quản cáo cho công ty, phủ nhận việc thành lập Ban chiến lược để tổ chức huy động vốn, không giải trình được căn cứ đưa ra mức lãi suất 30%. Đến tháng 6-2023, bị can không còn tiền để trả gốc, lãi cho nhà đầu tư.