Điện truyền tải giảm do ảnh hưởng của các nhà máy năng lượng tái tạo

Sản lượng điện truyền tải năm nay sẽ giảm so với năm 2019 một phần do ảnh hưởng của các nhà máy năng lượng tái tạo.

Phối hợp với lực lượng công an bảo vệ trạm biến áp 500kV Di Linh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Phối hợp với lực lượng công an bảo vệ trạm biến áp 500kV Di Linh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Phan Đình Thiện, Giám đốc Truyền tải Điện Lâm Đồng cho biết, lưới điện truyền tải và nguồn điện 220kV, 110kV từ các nhà máy thủy điện trong khu vực đơn vị quản lý dự kiến trong năm 2020 sẽ không thay đổi so với thời điểm hiện tại.

Sản lượng điện truyền tải năm nay sẽ giảm so với năm 2019 một phần do ảnh hưởng của các nhà máy năng lượng tái tạo.

Với mục tiêu sản lượng đạt khoảng 1,1 tỷ kWh, sản lượng điện của Truyền tải điện Lâm Đồng nhận chủ yếu từ các nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh, Bắc Bình, Đồng Nai 2, thủy điện BOT Bảo Lộc và từ lưới 500kV qua máy biến áp AT2 trạm biến áp 500kV Di Linh để phân phối cho các phụ tải địa phương thuộc tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận qua hệ thống lưới 220kV và 110kV.

Năm 2020, lưới điện truyền tải thuộc Truyền tải điện Lâm Đồng quản lý sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2019, vì vậy tổn thất điện năng phụ thuộc nhiều vào sản lượng điện truyền tải và phương thức vận hành lưới điện.

Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kết hợp nhằm giảm tối đa sản lượng điện tổn thất trên lưới trong năm 2020, cố gắng đạt thấp hơn so với kế hoạch chỉ tiêu tổn thất trong năm 2019.

Để thực hiện được mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên lưới trong năm 2020, Truyền tải điện Lâm Đồng đã quản lý chặt chẽ hệ thống đo đếm điện năng không để xảy ra sai sót, kịp thời khắc phục nhanh các sự cố khiếm khuyết (nếu có) của hệ thống đo đếm.

Công nhân Truyền tải Điện Lâm Đồng thi công thay sứ composite trên đường dây 500kV. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Công nhân Truyền tải Điện Lâm Đồng thi công thay sứ composite trên đường dây 500kV. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đồng thời giám sát, đo nhiệt độ mối nối định kỳ theo qui định đối với đường dây và trạm biến áp; lưu ý kiểm tra nhiệt độ điểm tiếp xúc thiết bị, đường dây khi dòng tải tăng cao để có biện pháp xử lý phù hợp kịp thời khi có bất thường.

Cùng với đó, tăng cường vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị, theo dõi chặt chẽ tình trạng nhiễm bẩn sứ (đặc biệt các khu vực nhiễm bẩn cao), khiếm khuyết thiết bị của các đường dây và trạm, đăng ký Công ty Truyền tải điện 3 cho sử dụng vệ sinh sứ hotline, vừa hạn chế tối đa tổn thất do nhiễm bẩn cách điện, vừa hạn chế thời gian cắt điện.

Định kỳ hàng năm, đơn vị lập kế hoạch, phương án cho công tác sửa chữa bảo dưỡng đường dây và kiểm tra định kỳ thiết bị trạm; có sự phối hợp giữa bảo dưỡng đường dây, bảo dưỡng và thí nghiệm định kỳ thiết bị trạm, hạn chế tối đa cắt điện đường dây nhằm tránh quá tải cho đường dây và thiết bị còn lại. Ưu tiên thực hiện kế hoạch cắt điện vào thời điểm truyền tải thấp.

Bên canh đó, đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý kỹ thuật trạm, đường dây để hạn chế đến mức thấp nhất sự cố lưới điện.

Đồng thời rà soát hệ thống rơ le bảo vệ, đảm bảo đóng lặp lại thành công mọi trường hợp sự cố thoáng qua.

Truyền tải Điện Lâm Đồng tích cực phối hợp với các trường học tuyên truyền về bảo vệ hành lang lưới điện cao áp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Truyền tải Điện Lâm Đồng tích cực phối hợp với các trường học tuyên truyền về bảo vệ hành lang lưới điện cao áp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cùng với việc theo dõi chặt chẽ phương thức kết lưới, thông số vận hành hệ thống công suất, sản lượng, điện áp…của đường dây, máy biến áp, Truyền tải Điện Lâm Đồng còn kịp thời phối hợp các cấp điều độ để điều chỉnh nhằm đưa hệ thống điện vận hành tối ưu, hay điều chỉnh công suất không để quá tải các máy biến áp, điện áp, vận hành kháng bù ngang…, giảm tổn thất.

Mặt khác, đơn vị còn lập kế hoạch tiết giảm điện tự dùng tại các trạm biến áp, sử dụng điện tự dùng hợp lý, thay thế các thiết bị tiêu thu điện năng cao bằng thiết bị tiêu thụ tiết kiệm điện năng. Đồng thời theo dõi tổn thất điện năng cho từng đường dây, máy biến áp, từng khu vực trạm, nhà máy. Hàng tuần, tháng, từng ca trực (nội bộ trạm) phân tích, đánh giá tình hình biến động tổn thất này để có biện pháp xử lý thích hợp khi có bất thường.

Cũng theo ông Thiện, Truyền tải Điện Lâm Đồng cũng đề ra nhiều giải pháp thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch 2020.

Theo đó, đơn vị thực hiện nghiêm túc các kiểm tra ngày đêm, đột xuất các đường dây; Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 3 kiểm tra định kỳ thiết bị trạm biến áp theo qui định.

Đồng thời có kế hoạch sửa chữa kịp thời các hư hỏng phát sinh sau mỗi đợt kiểm tra, song song với thực hiện tốt các biện pháp nhằm ngăn ngừa các sự cố do sét, do nhiễm bẩn cách điện, do tiếp xúc xấu, nhiễm ẩm, do cháy và đặc biệt là do các yếu tố con người, không để xảy ra sự cố do cháy dưới đường dây và không để xảy ra mọi trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Đon vị tiếp tục nâng cao việc quản lý thi công; Đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ khi có thi công tại các trạm biến áp, các đường dây, không để xảy ra sự cố do chủ quan.

Cùng với đó, thực hiện kế hoạch sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên chặt chẽ, sao cho luôn đảm bảo hiệu quả, chất lượng và đạt yêu cầu tiến độ về thi công, nghiệm thu và quyết toán.

Đối với công tác đào tạo và tự đào tạo, đơn vị đặc biệt chú trọng nội dung bồi huấn sát với thực tế công việc và kĩ năng thực hành giúp nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng các công nghệ mới trong mọi lĩnh vực truyền tải.

Ngoài ra, Truyền tải Điện Lâm Đồng còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương và Công an trong đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện 500kV- công trình an ninh quốc gia./.

Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dien-truyen-tai-giam-do-anh-huong-cua-cac-nha-may-nang-luong-tai-tao/145105.html