Điện về thắp sáng vùng biên
T.Cảnh - T.Quang
BPO - Địa bàn rộng, nguồn lực đầu tư điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa tương đối lớn. Đây là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với Điện lực Lộc Ninh trong quá trình phục vụ điện sinh hoạt, sản xuất của người dân. Vài năm trở lại đây, với nhiều công trình, dự án được đầu tư, nâng cấp, trong đó nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi triển khai kịp thời đã và đang tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tiếp cận điện lưới quốc gia, góp phần thay đổi diện mạo khu vực vùng biên, DTTS.
Ở khá xa trạm biến áp, sử dụng điện theo nhóm, tổ, trước đây, các hộ dân ở khu vực ấp 4, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh phải chi một khoản khá lớn cho tiền điện mặc dù điện yếu, không đủ phục vụ sinh hoạt. Với công trình đường dây hạ thế và trạm biến áp được đưa vào khai thác, vận hành mới đây, nguồn điện không chỉ đảm bảo sinh hoạt, sản xuất ổn định mà còn giúp các hộ tiết kiệm chi phí nhờ lượng điện tiêu hao giảm đáng kể.
Ông Sơn Quan ở ấp 4, xã Lộc Thái cho hay: Trước đây điện rất yếu, thắp sáng thường chập chờn, không thể bơm nước vào giờ cao điểm. Sau khi lưới điện mới được đầu tư, người dân ở đây rất ít khi bị cúp điện, bơm nước không chỉ dùng trong sinh hoạt gia đình mà còn phục vụ tưới cây trồng. Còn ông Phạm Văn Cường, thành viên Ban điều hành ấp 4 chia sẻ: Trước đây, vào giờ cao điểm nhiều khi chỉ dùng được 150V, ít khi đạt đến 220V, nấu nồi cơm cũng không chín, chạy quạt, bơm nước cũng khó. Bây giờ thì điện dùng thoải mái, tiền điện giảm nhiều so với trước, người dân ở đây rất phấn khởi.
Cùng với nhiều công trình, hạng mục thiết yếu đầu tư cho vùng DTTS, nguồn lực được ngành điện triển khai thời gian qua đã tạo động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của địa phương.
Bà Trần Thị Kim Oanh ở ấp 4, xã Lộc Thái cho biết: “Gia đình mua đất ở đây cũng lâu rồi nhưng điện lúc trước quá yếu nên bỏ không, chưa làm được việc gì. Vừa qua, ngành điện đầu tư trạm hạ thế, Nhà nước mở rộng đường, đây là điều kiện thuận lợi để gia đình đầu tư nhà hàng dịch vụ tiệc cưới. Nhà hàng sử dụng máy lạnh, âm thanh, ánh sáng công suất lớn, nếu điện yếu thì khó hoạt động. Chúng tôi rất mừng vì ngành điện đã quan tâm đầu tư cho khu vực vùng sâu, vùng xa để người dân có cơ hội phát triển kinh tế”.
Với việc ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư các công trình, dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đầu năm 2023 đến nay, Điện lực Lộc Ninh đã đầu tư 2km đường dây trung thế, 4km đường dây hạ thế, 7 trạm biến áp với tổng kinh phí 3 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương, riêng ngành điện đã bố trí 14,2 tỷ đồng triển khai 39 hạng mục công trình.
“Ngành điện chú trọng đầu tư, kéo điện về vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Điện lưới phủ khắp, cung ứng ổn định sẽ tạo điều kiện cho người dân sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn” - ông Hồ Văn Út, Phó Giám đốc Điện lực Lộc Ninh cho biết.
Ngày càng có thêm nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, sử dụng điện lưới quốc gia không chỉ đơn thuần mang lại ánh sáng mà đây còn là sự hỗ trợ kịp thời về nguồn lực để người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống, qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn vùng DTTS. Các công trình, dự án đã đồng hành với địa phương trong giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm dần khoảng cách giàu - nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị ở huyện biên giới Lộc Ninh.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/148291/dien-ve-thap-sang-vung-bien