Diễn viên Bùi Bài Bình bị dọa chôn sống

Nhà biên kịch Hoàng Nhậm Cầm tiết lộ ban đầu diễn viên Bùi Bài Bình rất vui vẻ vì được chọn vào vai Hồ Chí Minh nhưng sau đó anh gần như anh chạy trốn vì bị dọa sẽ chôn sống nếu diễn không tốt.

Bùi Bài Bình trong vai Hồ Chí Minh

Bùi Bài Bình trong vai Hồ Chí Minh

Ngày 14/8, buổi kiểm tra kỹ thuật của bộ phim 'Nhà tiên tri' (ĐD Vương Đức) đã diễn ra tại phòng hòa âm, Hãng phim truyện Việt Nam. Đây là lần đầu tiên bản phim hoàn chỉnh của bộ phim 16 tỉ ra mắt trong phạm vi hẹp cho giới chuyên môn trước khi chính thức ra rạp vào ngày 19/8 tới.

Là dự án phim trọng điểm của năm 2015, 'Nhà tiên tri' khai thác giai đoạn lịch sử 1947-1950 tại Việt Bắc. Phim khởi quay tháng 5/2014 và đã đi qua nhiều địa điểm quay, trong đó có rất nhiều bối cảnh lịch sử nơi Bác Hồ đã sống trong khoảng thời gian này cũng như một số cảnh tại Nga.

Được cắt gọt khá nhiều nhưng 'Nhà tiên tri' vẫn có thời lượng dài, lên tới 1 tiếng 51 phút. Trước khi phim công chiếu, đã có nhiều luồng dư luận nghi ngờ về diễn xuất của nghệ sĩ Bùi Bài Bình, cho rằng diễn viên 'Ma làng' không có ngoại hình phù hợp với Hồ Chí Minh, cũng không toát lên thần thái để vào vai lãnh tụ.

Để chuẩn bị cho vai diễn này, diễn viên Bùi Bài Bình đã phải giảm 6kg xuống còn 50kg và mài răng. Áp lực để vào vai Người không nhỏ. Bên cạnh tạo hình nhân vật, Bùi Bài Bình đã thể hiện được phần nào đức tính giản dị và khí chất của Bác, đặc biệt qua ánh mắt.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lần đầu nhận lời làm biên tập một bộ phim điện ảnh nhận xét sau khi xem phim: "Nếu không chọn được Bùi Bài Bình thì phim gãy' để cho thấy rằng chính diễn viên đã 'cứu' cả phim. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với VietNamNet rằng ông đã phải sửa kịch bản nhiều lần, cắt gọt rất nhiều, đặc biệt kiên quyết gạt bỏ hết các cảnh nhân vật chính đọc thơ (vốn là 'sở trường' của biên kịch Hoàng Nhậm Cầm - PV).

Phim thành công trong việc chọn bối cảnh.

Phim thành công trong việc chọn bối cảnh.

Song khi xem phim khán giả vẫn có thể cảm nhận được chất thơ trong các khuôn hình, đặc biệt là cảnh Bác Hồ tiếp một nhà báo quốc tế trong một ngôi nhà hoang giữa rừng hay cảnh Bác ngồi câu cá giữa thiên nhiên tuyệt đẹp của miền rừng núi Việt Nam. Đạo diễn Vương Đức vốn có sở trường thực hiện các bộ phim liên quan đến các bối cảnh rừng núi như Những người thợ xẻ, Rừng đen... tiếp tục thể hiện điều này trong 'Nhà tiên tri'.

Mặc dù đã bị biên tập khá nhiều nhưng 'Nhà tiên tri' vẫn mắc lỗi hơi dài dòng. Thêm vào đó các cảnh kỹ xảo của phim yếu và lộ. Từ con hổ, đàn trâu đến chiếc thuyền, trực thăng hay cảnh đoàn tàu hỏa đang lao giữa trời tuyết trắng ở Trung Quốc... đều được làm hiệu ứng sơ sài mà những khán giả thông thường không cần chuyên môn cũng có thể nhìn thấy rõ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đồng ý với nhận xét này của VietNamNet và cho rằng nếu có nhiều kinh phí hơn để thuê các công ty làm kỹ xảo tốt thì phim đã khác.

Thêm vào đó, là một bộ phim đề tài lịch sử, nói về giai đoạn lịch sử có thật, các nhân vật lịch sử có thật nhưng phim lại không có bất cứ dòng chú giải nào về các địa điểm lịch sử, các nhân vật xuất hiện trong phim. Ngoài một số nhân vật lịch sử như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nữ tướng Nguyễn Thị Định... người xem khá khó khăn để nhận thức nhân vật nào đang xuất hiện trên màn hình. Cả cuộc gặp bí mật trên tàu giữa Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai nếu không có chú giải sẽ gây khó khăn cho người xem.

Các nhân vật thiếu chú giải khiến người xem gặp khó khi nhận diện.

Các nhân vật thiếu chú giải khiến người xem gặp khó khi nhận diện.

Dù bộ phim có tên là 'Nhà tiên tri' nhưng phải đến phút cuối khán giả mới hiểu được ý nghĩa của tên phim, khi Hồ Chí Minh tuyên bố sau chiến thắng Đông Khê lịch sử tháng 9/1950 rằng có thể Hà Nội sẽ được giải phóng mà không cần nổ súng. Phim kết thúc bằng những đoạn phim tài liệu màu với hình ảnh những người lính cụ Hồ tiến về giải phóng Thủ đô tháng 10/1954 trong rợp trời cờ hoa chiến thắng.

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận xét phim đã tạo nên những cảm xúc ngoài khuôn hình, đặc biệt là những cảnh ở rừng, trong nhà sàn rất mang không khí Việt Bắc. Các cảnh chiến tranh cũng được làm sinh động, mạch chuyện bao quát nhiều vấn đề từ quân sự, chính trị đến ngoại giao. 'Nhà tiên tri' đã kết hợp hai thể loại phim truyện và phim tài liệu và từ đó tạo nên chất thơ của phim.

'Nhà tiên tri' dù còn nhiều điểm chưa hài lòng nhưng là một bộ phim khá chân thực. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì đó là một bộ phim làm về Hồ Chí Minh nhưng đã đi qua được những thách thức quan trọng của thể loại rất khó làm này.

'Nhà tiên tri' sẽ là tâm điểm trong chùm phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 này.

Linh Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/256628/dien-vien-bui-bai-binh-bi-doa-chon-song.html